Xuất khẩu lạc quan sớm
Sau 9 tháng đầu năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Sóc Trăng ước đạt 1,17 tỷ USD, bằng 97,5% chỉ tiêu nghị quyết và tăng 21,62% so với cùng kỳ. Tuy vẫn còn đó những khó khăn cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm, nhưng chắc chắn một điều là xuất khẩu năm nay sẽ về đích sớm theo chỉ tiêu nghị quyết, nên vấn đề còn lại là liệu xuất khẩu có làm nên kỳ tích như đã từng làm trong năm 2021 hay không mà thôi.
Bước sang năm 2022, dịch bệnh COVID-19 đã không còn là gánh nặng của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, nhưng mọi thứ vẫn chưa thể dễ dàng hơn đối với các hoạt động của nền kinh tế. Sự phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19 vừa diễn ra khá chậm chạp, nhưng cũng không được bao lâu lại rơi vào lạm phát do căng thẳng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, do tác động từ các đợt hạn hán, bão lụt...
Điều này đã tác động trực tiếp đến sự phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, đặc biệt là kể từ quý III năm 2022 đến nay. Tuy nhiên, nhờ có sự chủ động từ sớm, nên các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh đã kịp thời nắm bắt cơ hội trong những tháng đầu năm để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, kinh doanh, đủ sức bù đắp cho những tháng khó khăn còn lại của năm 2022.
Trở lại với câu chuyện xuất khẩu hàng hóa của tỉnh để thấy rằng, công tác dự báo, chuẩn bị và nắm bắt thời cơ của các doanh nghiệp trong tỉnh là rất tốt và là một trong những nguyên nhân chính làm nên giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hết sức khả quan trong 9 tháng đầu năm. Năm ngoái, ngay khi vừa quay lại trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào việc phục hồi sản xuất và chuẩn bị tâm thế cho cuộc bứt phá ngay từ những tháng đầu năm.
Người viết vẫn còn nhớ, trong những lần trò chuyện cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp thủy sản lớn trong tỉnh, họ đều có cùng dự báo rằng, sức mua sẽ tăng mạnh, giá sẽ cao hơn ngay từ cuối năm 2021 và kéo dài chí ít là đến hết quý II năm 2022. Giám đốc một doanh nghiệp giải thích: “Do bị dồn nén quá lâu vì dịch COVID-19, nên một khi kinh tế mở cửa trở lại, người tiêu dùng sẽ chi tiêu mạnh tay hơn như một cách để bù đắp lại những tháng ngày phòng, chống dịch”.
Do dự báo từ sớm, nên hầu hết các doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh đều có sự chuẩn bị nguồn nguyên liệu khá dồi dào ngay từ trong năm 2021, nên khi nhu cầu thị trường tăng lên, các doanh nghiệp đều chủ động ký kết được các hợp đồng với một mức giá khá hợp lý. Đây cũng là một phần nguyên nhân giúp cho giá tôm nguyên liệu giữ được mức cao xuyên suốt từ đầu năm đến nay, đảm bảo cho người nuôi tôm có lợi nhuận tốt (nếu nuôi đạt năng suất - NV) dù các chi phí đầu vào hầu hết đều đã tăng cao. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của tỉnh (chủ lực là con tôm) có sự tăng trưởng mạnh liên tiếp trong 5 tháng đầu năm và sau đó dù có đôi chút chững lại nhưng sau 9 tháng, xuất khẩu thủy sản của tỉnh vẫn đạt 820 triệu USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu vừa qua, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, sở dĩ có kết quả khả quan một phần do dịch COVID-19 giảm xuống, hệ thống phân phối dự báo nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng lên, nên họ mua hàng tích cực hơn. Mặt khác, do tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021, hầu hết doanh nghiệp đều tồn kho nhiều nên việc xuất khẩu được đẩy mạnh tập trung ngay từ những tháng đầu năm. Ngoài ra, sự tăng trưởng của xuất khẩu tôm còn có một phần do giá xuất khẩu (bao hàm thuế phí tàu), nên tăng ảo 10% giá trị.
Không chỉ có mặt hàng chủ lực là thủy sản, mà mặt hàng gạo và may mặc cũng đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 21,62% sau 9 tháng đầu năm. Càng ấn tượng hơn khi xuất khẩu gạo đạt đến 250 triệu USD, tăng 45,35%, còn hàng may mặc đạt 86 triệu USD, tăng đến 91,11% so với cùng kỳ.
Nếu bỏ qua yếu tố thiên thời là tình hình nhu cầu và giá lương thực thế giới tăng cao thì điều địa lợi làm nên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gạo chính là ở chính sách chuyển đổi cơ cấu giống lúa của tỉnh và sự linh hoạt, nhạy bén thị trường của đội ngũ doanh nghiệp ngành lúa gạo của tỉnh. Trong cơ cấu giống lúa sản xuất qua các mùa vụ của tỉnh thì hầu hết là giống lúa thơm, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao đã góp phần cải thiện đáng kể giá trị gạo hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước.
Cho đến thời điểm cuối tháng 10 này, nguồn tôm nguyên liệu vẫn đủ cho các doanh nghiệp chế biến hoạt động trong tình hình xuất khẩu có phần chững lại. Lúa gạo vẫn được cung ứng khá tốt và giá bán đang tăng lên 200 - 400 đồng/kg (lúa tươi) trong những ngày gần đây. Do đó, theo các doanh nghiệp, dù có khó khăn trong những tháng còn lại của năm, nhưng xuất khẩu vẫn sẽ cán đích sớm và nếu có đôi chút thuận lợi hơn thì khả năng thiết lập kỷ lục mới về giá trị kim ngạch xuất khẩu là hoàn toàn có thể xảy ra.