Xuất khẩu lâm sản đặt mục tiêu đạt 17,5 tỷ USD năm 2023
Năm 2022, dù phải trải qua nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn xuất sắc cán đích 16,9 tỷ USD. Tiếp đà tăng trưởng, năm 2023 ngành đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, bên cạnh những giải pháp cụ thể, Tổng cục sẽ tập trung phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu. Bởi, ngành gỗ dễ là đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại.
Tăng trưởng trong khó khăn
Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Nông lâm thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Bình cho biết, thời gian qua tình hình thương mại nói chung và ngành gỗ nói riêng không tránh khỏi khó khăn.
Nguyên nhân là do COVID-19, tình hình chính trị và xu hướng lạm phát tăng cao nhất là từ thị trường lớn Mỹ, EU, khiến các doanh nghiệp gặp khó trong việc ký kết và thực hiện các đơn hàng. Khó khăn chung của các doanh nghiệp ngành gỗ là chi phí đầu vào cao và xu hướng giá tăng, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa, trong đó có gỗ.
Thị trường tài chính tiền tệ biến động mạnh cũng làm sản xuất gỗ mất lợi thế cạnh tranh. Lãi suất tăng nhanh làm chi phí vốn cao, rủi ro gián đoạn nguồn cung nguyên liệu và chuỗi giá trị phục vụ cho ngành sản xuất gỗ.
Nhìn lại một năm qua của ngành gỗ, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài thừa nhận, mặc dù thị trường sụt giảm nghiêm trọng trong quý III/2022; sang quý IV/2022, đơn hàng tiếp tục sụt giảm chỉ đạt 3,6 tỷ USD; giảm 3,4% so với cùng kỳ 2021.
Tuy nhiên, cả năm 2022, xuất khẩu lâm sản vẫn ước đạt 16,9 tỷ USD; tăng 6% so với năm 2021, vượt chỉ tiêu xuất khẩu 16,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,8 tỷ USD; tăng 7%; lâm sản ngoài gỗ ước đạt 1,1 tỷ USD, giảm 1,3%.
Một trong những động lực quan trọng của xuất khẩu là do mở rộng xuất khẩu tại Trung Quốc và Nhật Bản và Hàn Quốc. Cụ thể, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc chiếm tổng giá trị xuất khẩu ước đạt gần 15,5 tỷ USD, chiếm 91% giá trị xuất khẩu lâm sản.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 4% so với 2021. Năm nay, ngành xuất siêu khoảng 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2021.
Năm 2023, ngành đặt mục tiêu tích cực với kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5 - 5,5%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%. Trồng rừng tập trung 245.000ha, trồng 140 triệu cây phân tán, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác 22 triệu m3, thu dịch vụ môi trường rừng khoảng 3.000 tỷ đồng.
Chủ động đối phó với vụ kiện phòng vệ thương mại
Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng với quá trình tự do thương mại thông qua nhiều Hiệp định thương mại, do đó cạnh tranh thương mại sẽ ngày càng trở nên gay gắt, rất nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ, tự vệ.
Đã có một số tờ báo ở Mỹ đăng tin sản phẩm gỗ của Việt Nam sử dụng nguyên liệu của Nga nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc. EU cũng đã thông qua đạo luật, trong đó tất cả sản phẩm trồng trên rừng, dù khai thác hợp pháp hay bất hợp pháp đều bị xử lý. Do đó doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý vấn đề này.
Ông Ngô Sỹ Hoài phân trần, ngành công nghiệp gỗ đã và đang đương đầu đối đầu với vụ kiện chống bán phá giá. Việt Nam có trên 6.000 doanh nghiệp, hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong đó khoảng 3.000 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thường các biện pháp phòng vệ thương mại đều rất nặng nề, khiến một số doanh nghiệp có nguy cơ bị vỡ nợ do sử dụng vay vốn ngân hàng sản xuất, đầu tư, đối diện nguy cơ phá sản. Doanh nghiệp sẽ không bao giờ tránh khỏi những rắc rối về phòng vệ thương mại, nên phải làm quen.
Vậy để ứng phó tốt với các vụ việc phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần làm gì? Ông Hoài nhấn mạnh cần chuẩn bị tốt 2 giai đoạn. Đầu tiên là tiền khởi kiện, trước khi ký kết hợp đồng thương mại, chuẩn bị lô hàng đồ gỗ xuất khẩu, phải nghe ngóng, trang bị công cụ tốt nhất. Doanh nghiệp cần áp dụng các phần mềm kế toán hiện đại để khi có bất trắc cần có bằng chứng, hóa đơn, chứng từ chứng minh công việc làm ăn minh bạch.
Tiếp đến là đối phó với các vụ kiện ở thị trường lớn đã khởi xướng điều tra. Doanh nghiệp của ta thường yếu về kiến thức luật pháp quốc tế, ngoại ngữ, tin học. Một số thuê được luật sư nước ngoài nhưng bất đồng ngôn ngữ, hiểu biết của luật sư với thực tiễn không đầy đủ dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp bị đưa vào danh sách đen. Việc tăng cường quản trị năng lực doanh nghiệp là điều cần thiết, đầu tư về kiến thức, công nghệ và cả con người.
Ngoài ra, vai trò của từng Hiệp hội gỗ tại các địa phương, Hiệp hội Gỗ Việt Nam, phía cơ quan chức năng phải được nâng cao, tăng cường cảnh báo kịp thời tới doanh nghiệp, có các khóa đào tạo cho doanh nghiệp các kĩ năng phòng vệ thương mại, phản biện, lưu giữ hồ sơ...
Cục Phòng vệ thương mại lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi, sát sao các vụ việc, nhất quán cung cấp thông tin, có bằng chứng, lý lẽ, số liệu phải xuyên suốt. Khi cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, nếu có sự khác biệt thì phải giải thích, minh bạch, không che giấu.
Về phía Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam… kịp thời hỗ trợ công tác thông tin, giải pháp về phòng vệ thương mại. Kết nối giao thương cho các doanh nghiệp gỗ, bảo đảm phát triển ổn định bền vững.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2023, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ thực hiện đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp.