Xuất khẩu năm 2014: Tràn trề hi vọng!
(Tài chính) Năm 2013 tuy giá xuất khẩu một số mặt hàng giảm, thị trường xuất khẩu tại một số địa bàn bị thu hẹp..., song nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao, vượt mục tiêu đề ra. Những kết quả ấn tượng về xuất khẩu trong năm 2013 đầy khó khăn đang tạo kỳ vọng cho việc hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2014.
Số liệu tổng hợp về tình hình xuất khẩu của Bộ Công Thương mới đây cho thấy, kinh ngạch xuất khẩu tháng 11/2013 tăng trên 17,9% so với cùng kỳ năm 2012, ước đạt 12,3 tỷ USD. Với đà này, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2013 ước đạt khoảng 133,5 tỷ USD, tăng khoảng 16,6% so với năm 2012. Đặc biệt, theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ tới 15,2 tỷ USD, đồng thời xuất siêu sang EU 11 tỷ USD.
Đáng mừng là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, các nước ASEAN thì xuất khẩu của nước ta sang các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh đã có bước phát triển. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, kết quả này phản ánh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng được mở rộng, cơ cấu hàng xuất khẩu từng bước đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm qua chế biến.
Có thể nói, những kết quả ấn tượng về xuất khẩu trong năm 2013 đầy khó khăn đang tạo kỳ vọng cho việc hoàn thành mục tiêu trong năm 2014. Những nghiên cứu gần đây cũng khẳng định, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm tới cũng rất khả quan. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2014, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá từ những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, theo Trung tâm nghiên cứu BIDV, triển vọng xuất khẩu năm 2014 vẫn rất khả quan do sự tác động của 4 yếu tố sau: Thứ nhất, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu ngày càng được hoàn thiện; Thứ hai, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn thuộc hàng tiêu dùng, nguyên phụ liệu thiết yếu do vậy ít thuộc diện cắt giảm tại các thị trường chủ chốt (Mỹ, EU...) khi người tiêu dùng tại các thị trường này cắt giảm chi tiêu; Thứ ba, hai nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là điện tử - máy tính - linh kiện và dệt may - dày dép (chiếm tổng tỷ trọng gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu) vẫn có triển vọng tăng trưởng rất khả quan: hầu hết các doanh nghiệp dệt may, dày dép đã nhận được đơn hàng quý I và quý II/2014; Thứ tư, nhiều cơ hội mới mở ra cho hoạt động xuất khẩu Việt Nam với Hiệp định hợp tác TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định song phương FTA với nhiều nước trên thế giới.
Tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu
Năm 2014, Việt Nam đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng trưởng 10%. Tuy nhiên, Trung tâm nghiên cứu BIDV còn lạc quan hơn khi đưa ra dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 sẽ tăng trưởng 13-14%, đạt mức 148-150 tỷ USD.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, trong hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại, trước hết cần tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, cần thực hiện hiệu quả việc mở rộng thị trường truyền thống để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam là gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, hàng dệt may, da giày, đồng thời, tranh thủ các hiệp định thương mại tự do, hiệp định kinh tế song phương đã có để đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập các thị trường mới.
Đồng tình với chỉ đạo này của Thủ tướng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tới đây cần tập trung phát triển thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn. Trong đó sẽ tập trung khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ... đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, để việc xuất khẩu hàng hóa được duy trì ổn định, doanh nghiệp trong nước cũng cần đầu tư xây dựng một chiến lược kinh doanh lâu dài, chuẩn bị đầy đủ từ hàng hóa chất lượng đến nhân lực có trình độ, tránh tình trạng “ăn xổi”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, để đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra trong năm 2014, cần phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới như các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược xuất khẩu với lợi thế của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung phát triển xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động sẵn có như thuỷ sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình... Trong đó, cần tăng dần tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực này. Đồng thời, chú trọng phát triển các mặt hàng xuất khẩu thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài cần, cần tận dụng những ưu thế của các tham tán thương mại, hiệp hội ngành nghề ở nước ngoài nhằm tạo cầu nối về thị trường xuất khẩu. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đội ngũ Tham tán phải là “cánh tay nối dài” góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng việc xúc tiến mở rộng thị trường, xúc tiến dự án công nghiệp mà trong nước đang triển khai thu hút.
Ngoài ra, điều đáng mừng là những năm gần đây, nhiều Hội Doanh nhân Việt Nam tại các nước đã được thành lập như Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Hội Doanh nhân Việt Nam ở Anh, Canada, Czech... , góp phần tạo ra môi trường hợp tác và trao đổi thông tin thuận lợi giữa các doanh nhân, các hiệp hội trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Ông Bùi Đình Dĩnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết thêm, hiệp hội sẵn sàng bảo lãnh giới thiệu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cho các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài cũng như cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nội địa tự giới thiệu hàng hóa ra thị trường nước ngoài...