Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Liên minh kinh tế Á – Âu: Thực trạng và giải pháp

ThS.Nguyễn Lan Hương - Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nông sản là những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường Liên minh kinh tế Á – Âu. Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu có hiệu lực từ năm 2016 đến nay, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã có những chuyển biến nhất định. Bài viết đánh giá khái quát tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này trong điều kiện thực hiện Hiệp định thương mại dự to Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian tới.

Giới thiệu

Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) bao gồm 5 nước thành viên (Nga, Belarus, Kasakhstan, Kygrystan và Armenia) có quan hệ kinh tế - chính trị truyền thống với Việt Nam. Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước EAEU không ngừng được phát triển, đặc biệt Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EAEU (Việt Nam - EAEU FTA) có hiệu lực năm 2016 đã mở ra cơ hội rất lớn cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam, tạo ra động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp hai bên, giảm bớt các rào cản thuế quan, phi thuế quan và là cửa ngõ thuận lợi để thúc đẩy kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước trong EAEU.

Tận dụng những lợi thế đó, kim ngạch thương mại giữa 2 bên gia tăng liên tục với mức tăng trung bình đạt khoảng 30%/năm. Trong đó, Liên bang Nga chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản giữa Việt Nam và EAEU, chiếm hơn 90%. Từ đó, có thể thấy rằng, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ tiếp cận được thị trường Liên bang Nga và vẫn còn rất nhiều dư địa để xuất khẩu nông sản Việt Nam phát triển trên thị trường EAEU trong thời gian tới.

Khái quát về tình hình xuất khẩu nông sản Việt Nam

Trong những năm qua, xuất khẩu nông sản trở thành ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Nông sản Việt Nam đã có mặt trên gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang lại nguồn thu ngoại tệ ngày càng lớn cho Đất nước.

Về kim ngạch xuất khẩu, theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hàng năm cho thấy, từ năm 2012 đến 2022, nông sản là mặt hàng xuất khẩu tương đối nổi trội trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý là trong năm 2020, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động xuất - nhập khẩu, song Việt Nam vẫn đạt giá trị xuất khẩu tương đối cao. Giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2020 đạt hơn 16 triệu USD, chiếm 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, kim ngạch xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến đạt giá trị cao nhất vào năm 2021 với hơn 18 tỷ USD.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến đạt 17,8 tỷ USD, giảm 2,6 % so với năm 2021, chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung (Hình 1). Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn cho thấy, sự nỗ lực của Nhà nước, doanh nghiệp và chính những người nông dân trong việc nắm bắt cơ hội để mang nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19.

Hình 1: Xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến Việt Nam giai đoạn 2012 – 2022 (nghìn USD, %)

 

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê về xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam hàng năm
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê về xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam hàng năm

Cơ cấu nông sản xuất khẩu của Việt Nam dịch chuyển theo hướng chuyển đổi từ lượng sang chất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường và nâng cao lợi thế cạnh tranh của đất nước. Năm 2022, có tới 11 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 2 nhóm hàng so với năm 2021, điển hình là ngành thủy sản đạt giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Nông sản Việt Nam đã tiếp cận nhiều thị trường khó tính hơn, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, thị trường Liên minh châu Âu.

Về thị trường xuất khẩu nông sản, có sự chuyển dịch và mở rộng thị trường nhờ vào việc tận dụng các cơ hội từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do. Các thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam bao gồm: Mỹ (24,6%), Trung Quốc (22,6%), Nhật Bản (6,6%) và Hàn Quốc (4,9%).

Tình hình xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Liên minh kinh tế Á – Âu

Kết quả đạt được

Thời gian qua, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã thâm nhập thị trường EAEU bao gồm: gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su. Theo cơ sở dữ liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế ITC (Trademap.org), giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường EAEU từ năm 2012 đến 2021 chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu nhập khẩu nông sản của thị trường này (Hình 2). Hay nói cách khác, giá trị nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EAEU chỉ đáp ứng được dưới 3% nhu cầu nhập khẩu nông sản của các quốc gia này.

Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EAEU đạt 291.741 nghìn USD, chỉ chiếm 2,82% tổng mức nhập khẩu nông sản của EAEU từ thị trường quốc tế là 10.327 triệu USD. Trong đó, Liên bang Nga chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản giữa Việt Nam và EAEU (chiếm hơn 90%).

Đáng chú ý là trong hơn một thập kỷ qua, trong số các quốc gia thuộc EAEU thì Kygrystan không nhập khẩu nông sản từ Việt Nam và Armenia cũng chỉ nhập khẩu nông sản Việt Nam trong 2 năm là 2012 và 2014 với giá trị rất thấp so với nhu cầu nhập khẩu nông sản của quốc gia này (Bảng 1).

Hình 2: Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EAEU giai đoạn 2012 – 2021 (nghìn USD)

Nguồn: Tính toán của tác giả từ dữ liệu của ITC - http://www.trademap.org
Nguồn: Tính toán của tác giả từ dữ liệu của ITC - http://www.trademap.org

 

Như vậy, có thể thấy, FTA Việt Nam – EAEU đã mở đường cho nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường EAEU, đặc biệt là tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào thị trường Liên bang Nga.

Việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh; đồng thời giúp doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội cọ xát với thị trường thế giới và có điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, khẳng định vị thế mới trên trường quốc tế.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp Việt Nam khi mà những lợi thế cạnh tranh như: giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên hiện đang dần bị thu hẹp, trong khi những yếu tố: thương hiệu, chất lượng sản phẩm cần thời gian và một chiến lược phát triển.

Bảng 1: Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang các quốc gia thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu giai đoạn 2012 – 2021 (1000 USD, %)

Năm

Armenia

Nga

Belarus

Kasakhstan

Kygrystan

Giá trị

Tỷ lệ

Giá trị

Tỷ lệ

Giá trị

Tỷ lệ

Giá trị

Tỷ lệ

Giá trị

Tỷ lệ

2012

2.530

1,01

173.744

2,15

1215

0,11

4465

0,40

0

0

2013

0

0,00

207.395

2,51

6413

0,64

4246

0,36

0

0

2014

1.504

0,67

192.605

2,55

5240

0,63

3236

0,31

0

0

2015

0

0,00

179.845

3,47

364

0,06

4231

0,52

0

0

2016

0

0,00

201.881

3,77

524

0,08

1582

0,22

0

0

2017

0

0,00

185.795

2,90

2779

0,35

2218

0,26

0

0

2018

0

0,00

226.389

3,39

1245

0,14

1680

0,18

0

0

2019

0

0,00

211.828

3,18

1987

0,20

3464

0,33

0

0

2020

0

0,00

195.482

3,12

3783

0,44

8610

0,79

0

0

2021

0

0,00

277.102

3,57

2152

0,27

12487

0,92

0

0

Nguồn: Tính toán của tác giả từ dữ liệu của ITC - http://www.trademap.org

Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ tiếp cận được thị trường Liên bang Nga và vẫn còn rất nhiều rất nhiều cơ hội và không gian để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EAEU, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

Một số hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EAEU nói chung, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EAEU vẫn còn phải đối mặt với những hạn chế nhất định như:

Một là, mặc dù thương mai song phương nói chung, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EAEU nói riêng có sự tăng trưởng trong những năm vừa qua, tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương ứng với tiềm năng hiện có của các bên. Bên cạnh đó, tuy có nhiều lợi ích dành cho cộng đồng doanh nghiệp EAEU tại thị trường Việt Nam, song mức độ nhận thức của các nhà xuất khẩu về các ưu đãi hiện có và cách tận dụng những ưu đãi này vẫn còn khá thấp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước.

Hai là, quy trình, thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp và không rõ ràng, không nhất quán ngay trong bản thân nội khối các nước EAEU, gây nhiều trở ngại cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này, đặc biệt là vẫn còn duy trì nhiều rào cản thuế quan. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa vào cuộc một cách thực sự quyết liệt, các doanh nghiệp thường quan tâm tới các thị trường dễ dàng, thuận lợi hơn và có những điều kiện ưu đãi hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Ba là, Việt Nam còn vướng mắc với các nước EAEU ở một số vấn đề liên quan đến kiểm dịch về động vật, thực vật, việc công nhận lẫn nhau về chất lượng trong vệ sinh an toàn thực phẩm; thậm chí vướng mắc trong một số thủ tục gắn với việc mở cửa thị trường cho nông sản, thủy sản, rau quả, trái cây của Việt Nam. Thêm vào đó là trở ngại liên quan đến phòng vệ ngưỡng của một số sản phẩm dệt may, may mặc, nhất là với thị trường Nga.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do khoảng cách địa lý xa xôi giữa các nước thành viên. Bên cạnh đó, một số quốc gia không có biên giới với biển, dẫn đến khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, tăng chi phí logistic. Cũng do khoảng cách về địa lý, nên chưa thiết lập được các tuyến vận tải tối ưu khiến cho việc kinh doanh của các bên gặp phải những khó khăn đáng kể, chi phí tăng cao và chất lượng sản phẩm giảm sút.

Cùng với đó, người tiêu dùng chưa hiểu biết về thị trường, hàng hóa của nhau. Người tiêu dùng Việt Nam chưa biết nhiều về hàng hóa của khối EAEU và ngược lại, sự hiểu biết của người tiêu dùng EAEU đối với hàng hóa của Việt Nam còn hạn chế.

Đồng thời, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, các nước EAEU cũng có những ưu tiên hợp tác với các đối tác khác. Nếu như trước năm 2016, Việt Nam là đối tác duy nhất ở Đông Nam Á có FTA với EAEU thì hiện nay, EAEU đã ký kết FTA với Singapore, có thể sẽ ký kết với Israel, Ấn Độ và nhiều đối tác khác. Quan hệ EAEU với Trung Quốc cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Vì vậy, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với các đối tác khác.

Bên cạnh đó, thủ tục thanh toán còn gặp nhiều khó khăn, hệ thống thanh toán 2 bên cũng chưa có nhiều thuận lợi. Việc thanh toán bằng đồng USD gây khó khăn cho doanh nghiệp 2 phía, nhất là trong bối cảnh Nga đang phải chịu áp lực trừng phạt cấm vận từ các nước phương Tây.

Đề xuất một số giải pháp đối với Việt Nam

Nhằm tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ FTA Việt Nam - EAEU thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang liên minh kinh tế này, một số giải pháp được đề xuất như sau:

Về phía Chính phủ

Thứ nhất, cần phối hợp hành động chặt chẽ với các nước EAEU để thực hiện các quy định của Hiệp định trong bối cảnh phải tuân thủ các điều ước thương mại quốc tế khác và giải quyết các vướng mắc do các điều kiện thị trường thế giới luôn thay đổi. Chỉ bằng nỗ lực chung mới có thể đạt được kết quả quan trọng, trong đó có hợp tác kinh tế.

Thứ hai, các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương cũng như các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần tuyên truyền rộng rãi để các doanh nghiệp nắm rõ những nội dung của Hiệp định, đồng thời thấy rõ những lợi thế và khó khăn đối với doanh nghiệp và đối với từng ngành hàng. Cần tiếp tục đẩy mạnh phổ biến thông tin về thị trường, kết nối doanh nghiệp hai bên, tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, kịp thời thông báo những biện pháp phòng vệ thương mại tới các doanh nghiệp.

Thứ ba, nhanh chóng đề xuất và xây dựng các cơ chế để khai thông hiệu quả các tuyến vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư giữa hai bên, trong đó cần lựa chọn tuyến vận tải hiệu quả nhất.

Thứ tư, có chính sách để giảm tối đa thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, trước mắt là thủ tục kinh doanh và xuất nhập khẩu.

Thứ năm, cần tháo gỡ những rào cản phi thuế quan hiện hành, điện tử hóa các thủ tục hành chính, chứng nhận xuất xứ công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng chế độ kiểm định thực phẩm, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm của EAEU vào Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp

Cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ những quy định của Hiệp định, lộ trình cắt giảm thuế quan, quy định về nguồn gốc xuất xứ và luật lệ của các nước để có chiến lược thâm nhập thị trường tốt nhất.

Để tận dụng tối đa những ưu đãi có được từ FTA, cần thiết lập sự tương tác tích cực hơn giữa các doanh nghiệp 2 bên, bao gồm việc tổ chức trao đổi thường xuyên các diễn đàn doanh nghiệp, tham gia các hội chợ, triển lãm.

Thường xuyên tổ chức các diễn đàn kinh doanh chuyên ngành bởi hiệu quả kinh tế đạt được thông qua các diễn đàn này là rất lớn. Điển hình là Triển lãm công nghiệp quốc tế lần thứ ba Expo - Russia Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/2019, trong đó đại diện chính quyền và giới kinh doanh từ 19 đơn vị của Nga và 22 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã tham gia. Kết quả đạt được là khoảng 50 hợp đồng đã được ký kết với giá trị hơn 100 triệu USD về nhập khẩu các thiết bị y tế, mỹ phẩm và thực phẩm, trang sức... của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược nguồn hàng chủ lực đối với khu vực thị trường EAEU và có chính sách thu hút đầu tư để phát triển nguồn hàng một cách dài hạn và có chất lượng cao để xuất, nhập khẩu trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Công thương (2017), Hội thảo Giới thiệu về thị trường các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và cơ hội thúc đẩy xuất khẩu thông qua Hiệp định Việt Nam - EAEU FTA, http://www.moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/hoi-thao-gioi-thieu-ve-thi-truong-cac-nuoc-lien-minh-kinh-te-a-au-eaeu-va-co-hoi-thuc-đay-xuat-khau-thong-qua-hiep-đinh-vn-eaeu-fta--6130-16.html;
  2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tìm biện pháp thực thi hiệu quả Hiệp định thương mại tự do EAEU - Việt Nam, https://trungtamwto.vn/hiep-dinh-khac/14581-tim-bien-phap-thuc-thi-hieu-qua-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-eaeu-viet-nam;
  3. Ủy ban Kinh tế Á-Âu (2019), EAEU và Việt Nam thảo luận về khả năng mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại, http://www.eurasiancommission.org/ru/nae/news/Pages/13-06-2019-4.aspx.
  4. Thái Hoàng (2019), Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam – Armenia, https://thoibaonganhang.vn/thuc-day-hop-tac-kinh-te-viet-nam-armenia-89687.html;
  5. Thu Lan (2020), Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Kazakhstan, https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/thuc-day-quan-he-hop-tac-viet-nam-kazakhstan-570126.html;
  6. Thanh Nguyễn (2020), Hàng Việt có nhiều cơ hội bứt phá tại thị trường Liên minh Kinh tế Á-Âu, https://haiquanonline.com.vn/hang-viet-co-nhieu-co-hoi-but-pha-tai-thi-truong-lien-minh-kinh-te-a-au-138425.html;
  7. Konstantin Vasilievich Vnukov (2019), Phát biểu tại Tọa đàm bàn tròn: “Những kết quả bước đầu thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu” tổ chức ở Đại sứ quán Kazakhstan tại Hà Nội, tháng 12-2019;
  8. Sputnik Kyrgyzstan (2019), Lợi thế thương mại giữa EAEU và Việt Nam, https://ru.sputnik.kg/economy/20190919/1045743032/kyrgyzstan-eaehs-vetnam-ehkonomika.html;
  9. Trademap, https://www.trademap.org/.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2023