Xuất khẩu rau quả chưa đủ "sức bật" tăng trưởng
Xuất khẩu rau quả được dự đoán sẽ khả quan trong những tháng cuối năm song vẫn chưa đủ "sức bật" tăng trưởng do Trung Quốc chưa gỡ bỏ chính sách "Zero COVID-19", xung đột Nga - Ukraine kéo dài và lạm phát tăng cao.
Sẽ khả quan hơn?
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả quý II đạt 830,2 triệu USD, giảm 2,2% so với quý trước, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2021; tính chung 7 tháng đạt 1,7 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ.
Về thị trường, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, so với cùng kỳ năm 2021, rau quả xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ 6 tháng đạt 162,1 triệu USD, tăng 21,9%; Thị trường Mỹ 5 tháng đầu năm, nhập khẩu 25,5 tỷ USD rau quả, tăng 17,2%; trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 0,75% tổng giá trị nhập khẩu, tăng 0,15 điểm phần trăm. Xuất khẩu rau quả vào thị trường châu Âu (EU) đạt 144,4 triệu USD, giảm 6,9%.
Ở châu Á, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Nửa đầu năm nay xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có xu hướng giảm (đạt 799,695 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2021 và 47,62% thị phần) nhưng hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử, hoạt động thông quan mặt hàng rau quả qua các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc đã thuận lợi hơn. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt thì lượng tiêu thụ hàng rau quả cũng sẽ tăng mạnh vì nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng rất lớn. Cùng với đó, việc các mặt hàng rau quả của Việt Nam như chanh leo, sầu riêng gần đây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch cũng góp phần nâng cao trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong thời gian tới vào thị trường tỷ dân này.
Giới chuyên gia dự báo, xuất khẩu rau quả sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm nhưng chưa đủ "sức bật" tăng trưởng bởi nhiều yếu tố. Nếu Trung Quốc chưa gỡ bỏ chính sách “Zero COVID-19” thì đây sẽ là thử thách rất lớn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và tình hình lạm phát cao tại nhiều quốc gia có thể cản trở đường xuất ngoại của rau quả. Quan trọng nhất vẫn là những rào cản trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chất lượng rau quả là ưu tiên hàng đầu
Là doanh nghiệp tiên phong vào các thị trường khó tính, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu thừa nhận, bên cạnh những thách thức bên ngoài, cái khó của doanh nghiệp là hiện chưa có quá nhiều sản phẩm chế biến sâu. Để doanh nghiệp đầu tư vào khâu này cần có những hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thời gian qua, Chính phủ đưa ra rất nhiều chính sách để hỗ trợ nhưng không nhiều doanh nghiệp tiếp cận được.
Theo bà Vy, các doanh nghiệp đầu tư nhà máy cho chế biến sâu cần được hưởng ưu đãi khi vay vốn ngân hàng và cần những cơ chế hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, máy móc thiết bị. “Muốn ngành rau quả phát triển phải giữ được các thị trường tiềm năng, trong đó tiêu chuẩn, chất lượng phải được tuân thủ, ưu tiên hàng đầu. Để sản phẩm có chất lượng, xây dựng được thương hiệu tầm quốc gia, có tính cạnh tranh, bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp thì rất cần sự hỗ trợ hiệu quả hơn của Nhà nước”.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, điều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần làm bây giờ là nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của những thị trường khó tính; phải luôn giữ phẩm chất trung thực, minh bạch, rõ ràng trong làm ăn. Đối với thị trường Trung Quốc, ông Nguyên khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt những quy định nhập khẩu của nước bạn và phải xuất khẩu chính ngạch để tránh tổn thất.
Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của châu Âu, châu Mỹ được dự báo tăng 30% sẽ là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, thâm nhập sâu vào các thị trường này. Ông Nguyên lưu ý doanh nghiệp phải chú ý đến các hàng rào kỹ thuật, không để vi phạm dư lượng hóa chất trong sản phẩm, nếu không các sản phẩm sẽ bị trả lại, ảnh hưởng đến giá trị, đến thương hiệu của trái cây Việt Nam.