Xuất khẩu thủy sản tăng gần 40%, có thể vượt 9,2 tỉ USD dù nhiều thách thức
Vượt qua hàng loạt khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp đã đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5,7 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp "vượt vũ môn"
Theo đánh giá của bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và xúc tiến thương mại (VASEP.PRO) thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bất chấp hàng loạt khó khăn bủa vây, tác động lên nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu không tránh khỏi tác động của dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraina, biến đổi khí hậu, lạm phát thế giới, tỉ giá đồng Euro “tuột dốc”..., nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã lập nên kỳ tích trong xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022.
Khảo sát số liệu kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy, nhiều doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu tăng trưởng bứt phá trong nửa đầu năm nay. Trong đó, nhóm doanh nghiệp tăng trưởng mạnh tập trung nhiều hơn vào ngành hàng cá tra. Dẫn đầu trong số gần 900 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã mang về doanh số trên 226 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh Vĩnh Hoàn, các công ty xuất khẩu cá tra khác cũng ghi nhận mức tăng doanh số cao như Công ty Thuỷ sản Biển Đông tăng 41%, Công ty IDI tăng 86%, NAVICO tăng 41%, Công ty Vạn Đức Tiền Giang tăng gần 61%, Công ty Đại Thành Tiền Giang tăng 118%, Công ty Cổ phần Thủy sản NTFS tăng 87%...
Cùng với cá tra, tôm là ngành hàng “át chủ bài” trong “rổ” thủy sản xuất khẩu, hàng năm mang về trị giá kim ngạch xuất khẩu lớn. Theo VASEP, dẫn đầu trong các doanh nghiệp tôm và đứng thứ 2 trong các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản là Công ty CP Thuỷ sản Sóc Trăng (STAPIMEX), đạt kim ngạch 188 triệu USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn Minh Phú đứng thứ 3 với doanh số tăng 6%...
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng đạt tăng trưởng cao như: Công ty CP Dịch vụ và Thuỷ sản Cà Mau (CASES) tăng 47%, Công ty Thuỷ sản Sao Ta tăng 18%, Thuận Phước tăng 13%, Công ty Tài Kinh Anh tăng 73%. Đặc biệt, Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại Anh Nhân bứt phá ngoạn mục với doanh số gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của VASEP, nhờ sự nỗ lực bứt phá của các doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2022, ngành thuỷ sản đã đạt nhiều kỷ lục về xuất khẩu: Doanh số, tăng trưởng, đưa doanh thu ngành thuỷ sản đạt 5,7 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Cần vượt nhiều thách thức trong 6 tháng cuối năm
VASEP cũng nhận định, lạm phát toàn cầu đẩy giá đầu vào “phi mã”, dịch bệnh COVID-19, căng thẳng Nga-Ukraina chưa vãn hồi... tiếp tục là những trở ngại ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thủy sản nói riêng. Đặc biệt, lạm phát tại một số thị trường tiềm năng như Mỹ, Châu Âu (EU) và sự mất giá của đồng Euro sẽ khiến chi phí tăng cao, lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm sút. Hơn nữa, sự mất giá của đồng tiền này cũng khiến người dân có xu hướng dè sẻn hơn trong chi tiêu, ảnh hưởng đến doanh số của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bà Tạ Hà – chuyên gia thị trường cá tra của VASEP nhận định: Tại Mỹ, lượng thủy sản được tiêu thụ, trong đó có cá tra đang có dấu hiệu chững. Nguyên nhân một phần bởi lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua, nhu yếu phẩm ngày càng đắt đỏ khiến người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu...
Mặc dù nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đang nỗ lực cơ cấu lại, tổ chức sản xuất kinh doanh hợp lý và tiết kiệm hơn để giảm giá thành sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022.
"Mỹ, EU, Trung Quốc và khối thị trường CPTPP vẫn là những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản trong năm 2022" bà Lê Hằng nhấn mạnh.
Tổng cục Thủy sản dự báo: Năm 2022, nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu tiếp tục ở mức cao với động lực từ thị trường Mỹ và EU. Hiện tại, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Mỹ với tỉ trọng chiếm khoảng 6,4%. Việt Nam cũng là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 8 cho Trung Quốc, chiếm 4,97% trong tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc.
Dự báo xuất khẩu thủy sản có thể đạt trên 9,2 tỷ USD trong năm 2022, vượt mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra.