Xuất khẩu Trung Quốc chậm lại, nhưng triển vọng phục hồi vẫn còn


Lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức tăng 8,6% vào tháng 6/2024.

Xuất khẩu Trung Quốc chậm lại nhưng được dự báo sẽ tăng trở lại.
Xuất khẩu Trung Quốc chậm lại nhưng được dự báo sẽ tăng trở lại.

Số liệu thương mại của Trung Quốc trong tháng 7 thể hiện một bức tranh đa chiều, trong đó xuất khẩu đã bất ngờ giảm tốc, nhưng nhập khẩu tăng nhanh hơn dự kiến – một chỉ dấu báo hiệu sự cải thiện trong nhu cầu nội địa.

Lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 chỉ tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức tăng 8,6% vào tháng 6, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan nước này. Con số này còn thấp hơn mức tăng trưởng 9,4% mà các nhà kinh tế dự báo trong cuộc khảo sát của Wall Street Journal.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng đây không hẳn là một tín hiệu tiêu cực, mà triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tươi sáng. “Con số xuất khẩu tổng thể mạnh hơn so với vẻ bề ngoài,” bà Erica Tay, chuyên gia kinh tế tại Maybank, cho biết.

Lượng hàng xuất khẩu dầu mỏ của nước này giảm trong tháng 7 sau bốn tháng tăng đột biến, nhưng xuất khẩu công nghệ cao đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong 30 tháng, gần như tăng gấp đôi so với tháng 6.

Xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong những tháng tới vì tỷ giá hối đoái đang có lợi cho các nhà xuất khẩu, theo Zichun Huang, một nhà kinh tế học tại công ty nghiên cứu Capital Economics.

Một phân tích dữ liệu về điểm đến của hàng xuất khẩu Trung Quốc còn cho thấy rằng thách thức từ thuế quan đã không làm giảm đà xuất khẩu của nước này tại một số thị trường quan trọng.

Xuất khẩu sang khu vực ASEAN - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc - chỉ tăng 12,2% trong tháng 7 so với 15,0% vào tháng 6. Nhưng lượng hàng xuất khẩu sang EU và Mỹ đã tăng khoảng 8% trong tháng 7. Điều này được lý giải là các doanh nghiệp đang gấp rút giao hàng trước khi các biện pháp tăng thuế đối với một số sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc có hiệu lực.

EU, đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc đã quyết định áp thuế cao hơn đối với xe điện Trung Quốc với lý do ngành công nghiệp này được trợ cấp không công bằng từ Chính quyền Trung Quốc. Trước đó, Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc - đã công bố kế hoạch tăng thuế đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc, bao gồm xe điện, chip máy tính và sản phẩm y tế.

Về phía nhập khẩu, dữ liệu thương mại tháng 7 thể hiện dấu hiệu tích cực sơ bộ về nhu cầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tiêu dùng.

Tình hình thương mại của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi (Minh họa: Reuters)
Tình hình thương mại của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi (Minh họa: Reuters)

Nhập khẩu vượt qua kỳ vọng của thị trường khi tăng 7,2% so với tháng 7 năm ngoái. Đây là một bước đột phá so với mức giảm 2,3% vào tháng 6. Các nhà kinh tế chỉ dự đoán tăng trưởng nhập khẩu Trung Quốc trong năm 2024 ở mức 3,3% so với cùng kỳ.

“Chúng tôi nghĩ rằng nhập khẩu sẽ tăng lên trong những tháng tới khi sự hỗ trợ tài chính sẽ thúc đẩy các hoạt động xây dựng tiêu thụ hàng nhập khẩu,” nhà kinh tế Huang của Capital Economics cho biết.

Trong hội nghị chính sách 5 năm một lần vào tháng 7, giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã cam kết triển khai nhiều biện pháp hơn để kích thích hoạt động kinh tế sau khi chứng kiến hiệu suất kém trong quý II. Trong đó, việc tăng cường nhu cầu nội địa được nhấn mạnh.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thực hiện một loạt các đợt cắt giảm lãi suất để khuyến khích vay vốn, trong khi các cơ quan chính phủ khác đã cam kết các biện pháp mới để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5%.

Với các trợ lực mạnh mẽ đó, các nhà quan sát bày tỏ sự lạc quan về triển vọng Trung Quốc đạt được các mục tiêu. Theo chuyên gia Erica Tay của Maybank, nếu không có những cú sốc từ các chính sách bảo hộ, xuất khẩu ròng của Trung Quốc sẽ đóng góp 1/4 tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay, mà họ dự kiến ở mức 5%.

Theo Trường Đặng/Diendandoanhnghiep.vn