Dòng vốn “đổ bộ” vào châu Á sau động thái mới của Fed


Dòng vốn lớn đang “đổ bộ” vào châu Á do nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Ấn Độ là điểm đến được các nhà đầu tư hàng đầu lựa chọn, biểu hiện thông qua chỉ số NIFTY 50 tăng điểm vượt bậc so với S&P500 hay Nikkei 225.

Từ đầu năm đến nay, NIFTY 50 tăng 11,8% so với 9% của S&P 500
Từ đầu năm đến nay, NIFTY 50 tăng 11,8% so với 9% của S&P 500

Thị trường chứng khoán Ấn Độ đã tăng trưởng ngoạn mục từ đầu năm nay, trong đó chỉ số chính NIFTY 50 cho thấy sự vượt trội hơn so với S&P 500 và lần đầu tiên vượt qua mức 25.000 điểm vào tuần trước.

NIFTY 50 chính thức được đưa vào áp dụng từ năm 1996, là một chỉ số chứng khoán được 50 nhà đầu tư ở Ấn Độ và trên thế giới, như: Coca-Cola, Disney, PepsiCo, Wal-Mart, General Electric, IBM và McDonald,… sử dụng rộng rãi như một thước đo thị trường vốn quốc dân.

Chứng khoán trên toàn thế giới đã lao dốc sau khi báo cáo việc làm đáng thất vọng của Mỹ làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế theo “quy tắc Sahm”. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm mạnh 12,4% trong phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ vụ sụp đổ “thứ Hai đen tối năm 1987”, Nifty 50 chỉ giảm 2,7%.

Từ đầu năm đến nay, NIFTY 50 tăng 11,8% so với mức tăng 9% của S&P 500. Việc FED tiến gần đến thời điểm giảm lãi suất đồng đô la đang thúc đẩy củng cố đồng rupee và giảm chi phí lãi vay toàn cầu, qua đó tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Ấn Độ.

Các công ty Ấn Độ có khoản nợ bằng đồng đô la Mỹ sẽ được hưởng lợi từ việc giảm chi phí lãi vay, cải thiện khả năng sinh lời và khiến cổ phiếu của họ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Nhiều nhà phân tích giải thích, sở dĩ thị trường chứng khoán nước này "thăng hoa" là vì: Tăng trưởng của Ấn Độ ít phụ thuộc vào nhu cầu của Mỹ hơn so với các nền kinh tế như Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản. Hơn nữa, Ấn Độ nhìn chung vẫn chưa thuộc sở hữu của các nhà đầu tư quốc tế.

Đây là một trong những đặc điểm nổi bật trong nền kinh tế số 5 toàn cầu, hàng chục nghìn tỷ phú trong nước đang bảo trợ cho mạng lưới khởi nghiệp khổng lồ, có thể tạo ra 180.000 công ty khởi nghiệp và 280 kỳ lân vào năm 2030.

Các nhà đầu tư quốc tế nhìn thấy tiềm năng Ấn Độ có thể viết tiếp nhiều kỳ tích kinh tế trong vài thập kỷ tới. Chính vì vậy, đây là thị trường vốn tăng trưởng nhanh - được đo đếm thông qua chứng khoán. Nifty 50 đã tăng từ 20.000 điểm lên 25.000 điểm chỉ sau 220 phiên giao dịch, trở thành đợt tăng 5.000 điểm nhanh nhất trong lịch sử.

Sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ đã có tổng vốn hóa thị trường là 5,19 nghìn tỷ USD - lớn thứ ba ở châu Á hiện nay, tăng từ mức 3,2 nghìn tỷ USD trong thập niên 90, với vị trí thứ 10 thế giới thời điểm đó.

Động lực thị trường vốn còn được hỗ trợ bởi cam kết của Thủ tướng Narendra Modi đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047.

Thêm vào đó, ngày càng có nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài, với mức đầu tư tăng theo cấp số nhân vào lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ. Điều này càng được hỗ trợ bởi thực tế là các chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ để né tránh rủi ro “địa chính trị”, đặc biệt là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đơn cử, Apple sẽ sử dụng pin được sản xuất tại Ấn Độ cho đời Iphone 16 sắp ra mắt. Google cũng được cho là sẽ bắt đầu sản xuất điện thoại Pixel ở quốc gia Nam Á từ quý III/2024.

Foxconn - nhà cung cấp của Apple tuyên bố sẽ tăng cường đầu tư vào Ấn Độ, trong khi Micron Technology chuẩn bị ra mắt chip bán dẫn đầu tiên được sản xuất tại Ấn Độ vào đầu năm 2025.

Theo Trương Khắc Hà/Diendandoanhnghiep.vn