Xuất khẩu vào Anh: Cần sẵn sàng thay đổi, thích nghi để nắm bắt cơ hội

Theo Thu Phương/congthuong.vn

Vương quốc Anh là nhà nhập khẩu lớn thứ 5 thế giới, tuy nhiên thị phần hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm 1% kim ngạch nhập khẩu của thị trường này. Để thâm nhập cũng như mở rộng thị phần tại đây, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự sẵn sàng về sản phẩm, năng lực, công nghệ, chuyển đổi số… để khai thác, tận dụng tốt cơ hội mang lại từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), thích nghi với môi trường kinh doanh và chính sách thay đổi sau Brexit.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chưa thực sự sẵn sàng

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan thống kê Anh, mức tăng trưởng GDP của Anh trong quý III/2021 đạt 1,3%, thấp hơn quý II đạt 5,5%. Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và sự phục hồi chậm của Anh đã cho thấy những thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang Anh. Mặc dù vậy, thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh vẫn ghi nhận tăng trưởng kết quả tích cực, đặc biệt sau khi UKVFTA đi vào thực thi.

Tại hội thảo “Triển vọng thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hậu Brexit và Covid-19” tổ chức ngày 15/12, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu , châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết - bất chấp khó khăn của đại dịch, thương mại hai chiều Việt Nam và Anh vẫn có kết quả ấn tượng, với kim ngạch thương mại song phương 10 tháng năm 2021 đạt 5,4 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 14,5%, nhập khẩu tăng 25,7%.

Đối với Việt Nam, Anh là đối tác quan trọng hàng đầu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 trong số các nước trên thế giới, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 trong số các nước châu Âu - châu Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng tốt nhất trong 10 tháng năm 2021 gồm cao su tăng 85%, hàng rau quả 73%, sản phẩm mây tre, thảm 61%, đặc biệt các sản phẩm từ sắt thép, sắt thép các loại có mức tăng trưởng đột biến, lần lượt tăng 138% và 1.405%.

“Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực đa dạng hóa mặt hàng sang thị trường này”, ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với Anh cũng chứng kiến tăng trưởng đột biến ở một số nhóm hàng bao gồm sản phẩm hóa chất tăng 1.053%, dược phẩm 2.654%, hóa chất 4.065%, kim loại khác 822%, nguyên phụ liệu dệt may da giày 302%...

Anh là nhà nhập khẩu lớn thứ 5 thế giới, tuy nhiên thị phần hàng hóa Việt Nam tại khu vực này chỉ chiếm 1% kim ngạch nhập khẩu của UK. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập cũng như gia tăng thị phần tại thị trường này. Bên cạnh đó, hiện nay, chính sách của Anh hậu Brexit và trong đại dịch Covid-19 là chiến lược “nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh” và tăng cường hợp tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn đầu tư từ UK sẽ gia tăng đáng kể trong thời gian tới.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt được cơ hội này. Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh - cho rằng, sở dĩ những doanh nghiệp chưa thâm nhập vào thị trường Anh chủ yếu là chưa sẵn sàng. Kể cả có cơ hội rồi, mà doanh nghiệp chưa sẵn sàng, cơ hội cũng không thể biến thành đơn hàng, không thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

“Đơn cử năm 2020, Thương vụ đã tìm kiếm một số đầu mối nhập khẩu vật tư y tế và đồ máy móc thiết bị phục vụ cho phòng dịch của Anh, giới thiệu cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng rất tiếc là hầu như các doanh nghiệp Việt Nam không chuẩn bị sẵn sàng tận dụng cơ hội này. Một số doanh nghiệp đã gửi sản phẩm chào sang Anh, tuy nhiên lại không có đủ giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn Anh, hoặc có một số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn thì báo giá quá cao, thời gian giao hàng lâu, không cạnh tranh được với giá cả của Trung Quốc”, ông Nguyễn Cảnh Cường dẫn chứng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể bán hàng sang Anh, bà Nguyễn Thúy Hạnh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam - cho biết, hiện nay, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam có chuyên gia sẵn sàng giúp doanh nghiệp Việt Nam và Anh đầu tư về vốn thị trường. Nếu doanh nghiệp có quy mô đủ lớn, muốn bán hàng sang Anh nhiều hơn nữa, có thể cân nhắc mua lại chuỗi phân phối ở thị trường. Đây cũng là giải pháp cho doanh nghiệp tăng trưởng một cách nhanh hơn.

Thay đổi để nắm bắt cơ hội

Theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, để thâm nhập thị trường Anh, doanh nghiệp Việt cần nắm bắt thông tin thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản để đảm bảo năng lực sản xuất, duy trì thị phần, làm cơ sở đẩy mạnh sản xuất trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Cùng với đó, tìm nguồn hàng có chất lượng, đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn công nghệ, đầu tư gia tăng giá trị sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thay đổi chính mình, thích nghi linh hoạt trong bối cảnh mới.

Là một công ty dệt may xuất khẩu sang UK từ năm 2009, bà Hoàng Hương Giang - Giám đốc điều hành, Tổng công ty May 10 - chia sẻ, muốn xuất khẩu sang thị trường này thành công trước hết phải có đội ngũ bán hàng và thiết kế chuyên nghiệp, để có thể chào hàng trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải chủ động chuyển đổi số, quản lý chuỗi từ khâu mua bán nguyên phụ liệu, minh bạch toàn chuỗi sản xuất… và tiếp tục làm việc với nhà sản xuất trong nước tạo chuỗi cung ứng, tạo sản phẩm trọn gói, nâng cao sản phẩm may mặc Việt Nam.

“Anh là thị trường khá khó tính với những yêu cầu và tiêu chuẩn đánh giá chặt chẽ về hệ thống quản lý sản xuất, và May 10 phải trải qua những đợt đánh giá hàng năm về trách nhiệm xã hội, an toàn sức khỏe người lao động, để có thể trụ vững trên thị trường này”- bà Giang chia sẻ.

Mặc dù là thị trường khá khó tính, nhưng theo ông Nguyễn Cảnh Cường, các tiêu chuẩn của UK thực ra về mặt kỹ thuật tương tự như các tiêu chuẩn của EU. Thậm chí, tiêu chuẩn của UK lại có yếu tố thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam, vì tiêu chuẩn UK công bố bằng tiếng Anh.

“Tiêu chuẩn của UK chưa chắc là khó nhất và khó bằng tiêu chuẩn của EU. Đơn cử như gần đây, một số nước thành viên EU liên tiếp thu hồi mỳ Hảo Hảo do không đạt yêu cầu về chất tồn dư trong sản phẩm, theo quy định của EU, một nước thành viên thu hồi thì cũng áp dụng biện pháp tương tự ở một số thị trường khác trong khối EU. Vì vậy, mỳ Hảo Hảo đã bị phiền toái ở nhiều thị trường. Tuy nhiên, thị trường Anh không theo quy định chung của EU, nên mỳ Hảo Hảo không bị thu hồi nhiều. Tại các siêu thị của London, mặt hàng này vẫn xuất hiện trên các kệ hàng”- ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ và cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam không nên quá lo lắng, cần vượt qua rào cản tâm lý về việc thị trường này khó tính, tiêu chuẩn cao, mà dũng cảm tiến vào thị trường.

Ngoài ra, rủi ro thanh toán trong hoạt động xuất khẩu cũng là vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý. Thời gian qua, tại khu vực châu Âu đã có một số trường hợp lừa đảo, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đơn hàng, nhưng không nhận được tiền thanh toán vì nhiều lý do đối tác không đủ khả năng thanh toán hoặc cố tình lẩn tránh, trì hoãn thanh toán.

Bà Ngô Thủy - Giám đốc toàn quốc phụ trách phát triển kinh doanh và tài trợ thương mại, Ngân hàng HSBC Việt Nam - khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam trước khi thực hiện giao dịch mua bán, cần tìm hiểu kỹ về đối tác, tình hình kinh doanh và khả năng thanh toán của họ.

“Thường khi tham gia vào thị trường mới, doanh nghiệp cần sử dụng hình thức thanh toán trung gian (LC), khi làm bằng LC sẽ có sự đảm bảo của phía ngân hàng bên kia và đồng thời phía các ngân hàng bản địa có thể giúp đảm bảo khả năng thanh toán của người mua hàng trong trường hợp có vấn đề khi xuất hàng”- bà Ngô Thủy nhấn mạnh.