Xuất khẩu Việt Nam sau 8 năm gia nhập WTO - Thực tiễn và vấn đề đặt ra
(Tài chính) Nền kinh tế thế giới đang vận hành theo mô hình chuỗi giá trị toàn cầu, mỗi quốc gia trở thành một mắt xích trong việc làm ra các bộ phận hợp thành một sản phẩm hàng hoá hoàn chỉnh để có thể tận dụng hết các thế mạnh của nhau. Vì thế, gia tăng xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh là vấn đề cấp bách, mang tính “thời sự” trong bối cảnh hiện nay.
Những kết quả rất khả quan
Kim ngạch xuất khẩu năm 2012 vượt xa so với kỷ lục đạt được năm 2011, cao gấp nhiều lần mức bình quân trong các thời kỳ trước, đạt 114,6 tỷ USD, so với năm 2011 tăng 18,3 % (mục tiêu 13%). Kết quả xuất khẩu của 2012 tạo nên nhiều ấn tượng, lần đầu tiên xuất khẩu vượt mốc 100 tỷ USD. Việt Nam đã chuyển từ vị thế nhập siêu lớn trong các năm trước, lần đầu tiên sau 20 năm trở lại vị thế xuất siêu.
Trong năm 2013, đã có 15 thị trường Việt Nam xuất siêu lớn, như Hoa Kỳ, Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Anh, Campuchia, Hồng Kông, Hà Lan, Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, Australia, Áo, Italy, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ. Mức nhập siêu giảm mạnh đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, góp phần kiềm chế lạm phát…
Nếu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa theo đầu người mới chỉ là 569 USD, năm 2012 đạt 1.249 USD. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đầu người đạt trên 1.473 USD, cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng xuất khẩu cũng đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến từ 60% năm 2007 lên 64,4% năm 2012 và 70,7 % năm 2013; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 19,5% xuống còn khoảng 11,6% năm 2011 và 7,2% năm 2013. Tỷ trọng nhóm hàng nông, thủy sản cũng giảm từ 20% (năm 2011) xuống 15% (năm 2013). Trong các mặt hàng chế biến, tỷ trọng một số mặt hàng có trình độ thiết bị, kỹ thuật - công nghệ cao như điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị, máy ảnh, máy quay phim… tăng lên. Đây là tín hiệu sáng của cơ cấu sản xuất, xuất khẩu.
Trong kết quả xuất nhập khẩu năm 2013, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp 80,91 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 61,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực FDI là 74,43 tỷ USD, tăng mạnh 24,2% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 56,3% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tính chung, năm 2013, khu vực này đã xuất siêu 6,48 tỷ USD. Khu vực doanh nghiệp FDI cao hơn khu vực kinh tế trong nước cả về tốc độ tăng so với năm trước (cao gấp 10 lần), cả về tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu (55,8% so với 44,2%).
Thị trường xuất khẩu cũng không ngừng được mở rộng và đa dạng hóa. Tới nay, Việt Nam đã có quan hệ với gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với việc mở rộng ra nhiều thị trường là việc tập trung phát triển các thị trường lớn. “Câu lạc bộ” thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong năm 2013 đã lên đến con số 27. Đáng lưu ý, lần đầu tiên, Việt Nam có 3 thị trường đạt trên 10 tỷ USD (Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc), đặc biệt là Hoa Kỳ đạt trên 23,7 tỷ USD.
Hạn chế và những rủi ro
Tới nay,có thể nói chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động xuất khẩu ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu thời gian qua cũng bộ lộ rõ một số bất cập, thể hiện trên một số mặt sau:
- Xuất khẩu tăng nhanh nhưng thiếu tính bền vững, còn lúng túng và bị động trong ứng phó với các “cú sốc’’ từ bên ngoài. Đến nay, đã có tổng cộng 73 vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã chịu 43 vụ kiện CBPG, 15 vụ kiện tự vệ (TV), 5 vụ chống trợ cấp (CTC) và 10 vụ chống lẩn tránh thuế. Chỉ trong ba tháng đầu năm 2014 đã có hai vụ kiện TV liên quan đến hàng hóa Việt Nam. Hiệu ứng cộng gộp cũng ngày càng gia tăng.
- Sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của ta nhìn chung chưa thật bền vững, còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. Đây chính là một thách thức lớn về mặt chất lượng, hiệu quả và tăng trưởng không bền vững của xuất khẩu.
- Khả năng đa dạng hóa thị trường, thâm nhập thị trường mới và duy trì, mở rộng thị phần trên các thị trường hiện có còn nhiều yếu kém...
- Tỷ trọng nguyên liệu nhập siêu cao cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta đang còn kém phát triển, công nghiệp chế biến tăng trưởng chậm, các ngành sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Điều này cũng sẽ cản trở việc cải thiện cán cân thương mại (CCTM) vì không thể giảm nhập khẩu nguyên liệu.Việc gia tăng xuất khẩu nhóm hàng công nghệ cao và sử dụng nhiều vốn trong ngắn hạn còn rất khó khăn, nhưng phải nhanh chóng có chiến lược thực thi ngay từ bây giờ thì mới có thể xuất khẩu một cách bền vững và do đó mới có thể cải thiện CCTM trong dài hạn.
Với tỷ trọng xuất khẩu cao từ các thị trường châu Á (nhập siêu chủ yếu với các thị trường này) - những nước có trình độ công nghệ trung bình và xuất siêu đối với các thị trường có công nghệ nguồn, cho thấy Việt Nam đang đi theo lý thuyết đàn sếu bay một cách tuần tự nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều các nước NICs. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc phát triển theo kiểu rút ngắn, đi tắt đón đầu, xác định vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nguy cơ tụt hậu sẽ rất lớn. Trong điều kiện nguồn tài nguyên đang có xu hướng cạn kiệt, phát triển xuất khẩu theo hướng sử dụng ngày càng nhiều tài nguyên như hiện nay thì việc hạn chế tăng trưởng là điều khó tránh khỏi, hội nhập sẽ khó khăn.
Nhìn chung những tồn tại, hạn chế nêu trên là kết quả tất yếu đối với các nước mới công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, nếu phân tích tính chất lượng tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu trong những năm gần đây, sẽ thấy tình trạng thâm hụt CCTM chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Những biểu hiện đó là: Hiệu quả sử dụng vốn thấp, đầu tư vào những ngành cần nhiều vốn và mức sinh lời thấp, thay thế nhập khẩu, sử dụng ít lao động và kích thích tiêu dùng trong nước hơn là xuất khẩu; khả năng của những ngành xuất khẩu có giá trị gia tăng cao còn hạn chế, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu sang công nghiệp chế biến và kỹ thuật cao thể hiện xu thế của CNH và hội nhập sâu chưa thật rõ nét; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp và chậm được cải thiện; quá trình xây dựng thể chế của kinh tế thị trường được đẩy nhanh song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Những bất cập một phần rất lớn nằm ở chính sách ngoại thương và chính sách kinh tế của Việt Nam. Lạm phát Việt Nam hầu như năm nào cũng ở mức rất cao so với Trung Quốc và thế giới, việc giữ tỷ giá đồng tiền nội địa cố định đã làm cho giá trị đồng tiền Việt Nam bị định giá quá cao so với thị trường trong suốt thời gian dài dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài; làm cho hàng hóa, nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc quá rẻ, khiến ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước không thể phát triển được. Các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh để sản xuất hàng thay thế hàng Trung Quốc. Kết quả là nền kinh tế bị phụ thuộc. Chính sách ngoại thương của Việt Nam có sự không nhất quán giữa định hướng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu. Các nhà hoạch định chính sách mong muốn hàng hóa Việt Nam có mặt ở các nước khác, tức là định hướng xuất khẩu, nhưng về mặt chính sách lại định giá đồng nội tệ cao, vô hình chung giúp các doanh nghiệp nhập được hàng rẻ hơn.
Thách thức và những vấn đề đặt ra
Gia nhập WTO, Việt Nam mong muốn tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Ở khía cạnh nào đó, Việt Nam đã đạt được mục tiêu (kim ngạch xuất khẩu gia tăng) song xuất khẩu lại chủ yếu dựa vào nhập khẩu nguyên liệu bán thành phẩm từ các nước khác, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc. Việc tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu không vững chắc và chủ yếu chỉ nhập khẩu linh kiện, thiết bị về lắp ráp dựa vào nhân công giá rẻ cũng rất “lung lay” bởi đến một lúc nào đó các nước khác cũng cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ “một đi không trở lại”. Nếu điều này xảy ra, những cái được khi gia nhập WTO là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, tạo công ăn việc làm… cũng sẽ mất dần. Rõ ràng, nỗ lực để đổi từ "lượng sang chất, từ manh mún sang tập trung, từ thô sang tinh... ", rất chậm.
Nhìn lại 20 năm qua, thương mại Việt Nam đã liên tục tăng trưởng nhanh, và đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng này là nhờ sự gia tăng mạnh mẽ về xuất khẩu nhưng thực tế hiện 65% kim ngạch xuất khẩu đang thuộc doanh nghiệp FDI và chỉ có 35% của doanh nghiệp Việt Nam. TS. Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng các động lực tăng trưởng xuất khẩu hiện tại đã giảm hiệu lực, vì vậy, Việt Nam cần chủ động tìm biện pháp tăng cường năng lực cạnh tranh thương mại mới.
Xuất khẩu Việt Nam đang gặp thách thức ở cả 3 trụ cột quan trọng: i) những quy định về thương mại; ii) chuỗi cung ứng; iii) hạ tầng giao thông và dịch vụ logicstic. Những quy định pháp lý về thương mại vừa chồng chéo, vừa thiếu rõ ràng khiến việc áp dụng có thể gây ra những phiền phức cho doanh nghiệp. Vấn đề thâm hụt thương mại với nguy cơ nhập siêu luôn có thể xuất hiện trở lại. Có đến 90% thương mại quốc tế của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển nhưng cảng biển lại thiếu kết nối với hạ tầng giao thông khác, thiếu kết nối với các khu kinh tế; thậm chí có cảng, nhưng thiếu đường vào; thiếu hạ tầng bến đỗ…
Các yếu tố khác như biểu thuế, không tiếp cận được tín dụng thương mại, các thủ tục hành chính rườm rà cũng được coi là những hạn chế chính đối với tăng trưởng xuất khẩu. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có khoảng 54% các công ty xuất khẩu có sản phẩm hay quy trình sản xuất được cấp chứng nhận, trong đó chỉ 26,9% có các sản phẩm được chứng nhận bởi các cơ quan và tổ chức trong nước. Những hạn chế lớn nhất đối với tăng trưởng xuất khẩu liên quan nhiều tới những yếu kém trong cơ cấu nội bộ của nền kinh tế Việt Nam, hơn là các nhân tố bên ngoài như việc giảm nhu cầu đối với sản phẩm chế tạo tại Việt Nam hay giá xuất khẩu. Đối mặt với những vấn đề này, các doanh nghiệp trong nước thường gặp nhiều khó khăn hơn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bởi vì các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu xuất khẩu cho công ty mẹ hoặc các đối tác nước ngoài.
TS. Victoria Kwakwa cho rằng đây là thời điểm cần có một cách tiếp cận mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, vai trò của Chính phủ là phải hỗ trợ các hoạt động mang lại ảnh hưởng tích cực từ bên ngoài và trợ giúp để thúc đẩy luồng thương mại. Đồng thời, cần loại bỏ những yếu tố cản trở, trong đó có việc rút lui dần khỏi những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể đóng vai trò đi đầu. Việc đầu tư cho tái cơ cấu chuỗi giá trị cung ứng tốt thì cả quốc gia, doanh nghiệp và người dân đều được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng này.
Một số giải pháp cho thời gian tới
Đến nay Việt Nam đã có quan hệ với 180 nước và vùng lãnh thổ, đã ký hiệp định thương mại với 61 nước và thoả thuận đối xử tối huệ quốc với 68 quốc gia. Tuy nhiên, có thể nói chúng ta hội nhập với tư cách là một nước nhỏ trên mọi góc độ về giai đoạn phát triển. Vì thế gia tăng xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh là vấn đề cấp bách, mang tính “thời sự” trong bối cảnh hiện nay. Các giải pháp cần hướng tới là:
- Chính phủ cần nhất quán chính sách định hướng xuất khẩu trong các chính sách cụ thể của mình, tạo động lực giúp cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trên sân chơi chung của thế giới. Khá nhiều nước thực hiện chính sách định hướng xuất khẩu đều rất thành công.
- Việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam dễ bị tổn thương do kiện bán phá giá. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam phải gấp rút thay đổi cơ cấu thị trường theo hướng “bỏ trứng vào nhiều giỏ”.
- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam theo hướng tương thích với hệ thống tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Trong số 5.600 tiêu chuẩn Việt Nam thì chúng ta mới chỉ có khoảng 24% tiêu chuẩn bảo đảm hài hoà với tiêu chuẩn quy định của quốc tế và khu vực. Bên cạnh đó, cần xem xét và xây dựng các tiêu chuẩn mới theo hướng hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực nhằm thuận lợi hoá thương mại. Bên cạnh Hiệp định TBT, Việt Nam cần phải tuân thủ nghĩa vụ của các điều ước quốc tế trong Hiệp định SPS về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.
- Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng cho đầu tư công nghệ xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường. Trên cơ sở các doanh nghiệp được đầu tư hiện đại này có thể tổ chức theo mô hình tập đoàn xuất khẩu lớn với các doanh nghiệp vệ tinh theo vùng lãnh thổ sẽ mang lại hiệu quả cao cho xuất khẩu đồng thời tăng cường năng lực của các tập đoàn trong việc vượt qua các rào cản ngày càng phức tạp hiện nay. Yêu cầu bức thiết là cần phải nhanh chóng triển khai áp dụng các hệ thống quản lý môi trường như ISO 14.000, HACCP, thực hiện quản lý tốt (GMP), thực tiễn nuôi trồng tốt (GAP).
Trong thời đại ngày nay không một quốc gia nào có thể tồn tại và phát triển mà không chịu sự tác động của những quan hệ mang tính tổng hợp, khu vực và toàn cầu. Hội nhập quốc tế đòi hỏi phải chấp nhận “Luật chơi’ và “Cách chơi” toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, việc sửa đổi, bổ sung các pháp luật có liên quan, hoàn thiện và hoà hợp các chính sách, cơ chế nhằm thúc đẩy tự do hoá thương mại sẽ là một giải pháp hữu hiệu để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển một cách bền vững!./.