Xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp là dấu ấn đáng ghi nhận
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, một trong những dấu ấn rất đáng ghi nhận trong bức tranh xuất nhập khẩu năm nay chính là cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt 28 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.
Chú trọng phát triển thị trường
Tình hình chính trị, kinh tế thế giới năm 2023 biến động phức tạp, nhanh chóng, khó lường; thương mại toàn cầu suy giảm, chỉ tăng 0,8%, giảm một nửa so với mức dự báo 1,7% của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dịp đầu năm do phải đối mặt với nhiều sức ép từ những biến động ngày càng phức tạp của căng thẳng địa chính trị và địa kinh tế trên thế giới.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào, năng lượng và logistics toàn cầu tăng cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp; tình hình lạm phát ở nhiều nước trên thế giới tuy đã giảm nhưng vẫn “neo” ở mức cao, dẫn tới xu hướng tiết kiệm chi tiêu, mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ thương mại, cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu có cùng mặt hàng gia tăng; các nước ngày càng dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật, tạo sức ép mới cho hàng xuất khẩu của nước ta, tác động rất bất lợi đến hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại trong nước, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, những khó khăn này không phải chỉ có từ đầu năm 2023 mà thực chất đã tiềm ẩn từ các tháng cuối năm 2022. Bộ Công Thương đã chủ động chỉ đạo cho các đơn vị chức năng, đặc biệt là hệ thống thương vụ sớm có những nghiên cứu, đánh giá để nắm bắt các biến động tại các thị trường trọng điểm. Từ đó, Bộ đã sớm có sự nhận diện, dự báo những khó khăn của kinh tế thế giới ngay từ những ngày đầu 2023 để góp phần tham mưu cho Chính phủ kịp thời sớm xây dựng các kịch bản ứng phó một cách chủ động, linh hoạt.
Để thúc đẩy, mở rộng thị trường xuất khẩu, công tác phát triển thị trường được ngành Công Thương triển khai theo cả bề rộng và chiều sâu. Đơn cử, trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, cùng với những sự kiện hội chợ, kết nối giao thương được phủ sóng trong nước và tại các thị trường trọng điểm ở nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, châu Âu… công tác giao ban Thương vụ đã có nhiều đổi mới mang tính đột phá; bám sát các chủ trương lớn nhưng cũng hết sức cụ thể.
Dấu ấn xuất siêu
Nhờ những giải pháp kịp thời và tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống, hoạt động xuất khẩu đã được duy trì và đẩy mạnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 355,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 327,5 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, con số tăng trưởng này chưa được như kỳ vọng, cũng chưa chạm tới mục tiêu đề ra cho năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm mà hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thu hẹp đáng kể mức suy giảm ở thời điểm cuối năm so với đầu năm.
Trong đó, việc chọn thị trường Trung Quốc là điểm đột phá. Ngay từ đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt tốt cơ hội khi Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero-COVIDvà mở cửa nền kinh tế. Bên cạnh đó, các cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương cũng theo sát, đảm bảo tiến độ thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc sau Tết Nguyên đán; phối với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch.
Bộ Công Thương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới; nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Nhờ đó, đã khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Ngoài thị trường Trung Quốc, việc đa dạng hóa thị trường cũng được chú trọng trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp đáng kể.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu năm 2023 tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Theo Bộ trưởng, một trong những dấu ấn rất đáng ghi nhận trong bức tranh xuất nhập khẩu năm nay chính là cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt 28 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Con số này cần được nhìn nhận ở khía cạnh tích cực nếu so sánh với bối cảnh chung của toàn cầu. Cụ thể, thời điểm cuối quý I, xuất khẩu ghi nhận giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ cuối quý II, xuất khẩu có những tín hiệu phục hồi, tháng sau cao hơn tháng trước. Đến cuối quý III, mức giảm xuất khẩu thu hẹp còn 8,5% so với cùng kỳ. Dự kiến hết năm 2023, xuất khẩu ước đạt 355 tỷ USD, mức giảm thu hẹp còn 4,4% so với năm 2022.
"Nếu so với sự sụt giảm xuất khẩu của các nước trong khu vực, xuất khẩu của nước ta đã có sự phục hồi tích cực hơn", người đứng đầu ngành Công Thương cho biết.