Xung quanh việc một số ngân hàng ngoại rút vốn khỏi Việt Nam

Theo Lê Phương - Văn Giáp/thoidai.com.vn

Thời gian qua, một vài cái tên như BNP Paribas của Pháp, HSBC của Hong Kong (Trung Quốc) và Commonwealth của Australia được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông khi các ngân hàng này lần lượt rút vốn khỏi các đối tác Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây nhất, tháng 1, ngân hàng Standard Chartered (Mỹ) đã bán toàn bộ 8,75% cổ phần của mình trong liên doanh với Ngân hàng Á châu (ACB) của Việt Nam.

Hay như ANZ Việt Nam cũng vừa hoàn tất thương vụ bán lại toàn bộ mảng bán lẻ tại thị trường Việt cho Shinhan Việt Nam hồi tháng 12/2017.

Sự dịch chuyển dòng vốn từ các nhà đầu tư ngoại này đã khiến dư luận lo ngại sẽ xảy ra "làn sóng" rút vốn ồ ạt khỏi Việt Nam.

Rút vốn liệu có "rút chân"?

Rút vốn liệu có "rút chân"? Câu hỏi này không quá khó để tìm ra đáp án khi đại diện ngân hàng ANZ Việt Nam khẳng định với phóng viên rằng: "ANZ sẽ không rút khỏi Việt Nam."

Theo vị đại diện này, việc chuyển nhượng mảng kinh doanh ngân hàng bán lẻ cho ngân hàng Shinhan nằm trong chiến lược đơn giản hóa ngân hàng và tăng hiệu suất vốn của ANZ.

Điều này cho phép ANZ tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh lớn nhất của ngân hàng tại châu Á là khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính khi mà ANZ là một trong bốn ngân hàng hàng đầu trong hoạt động hỗ trợ thương mại và vốn tại khu vực này.

Đồng thời, với lịch sử hoạt động lâu dài và thành công tại Việt Nam, đại diện ANZ cho biết, ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục hoạt động tại thị trường này nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp và định chế tài chính đang hoạt động tại Việt Nam cũng như trong khu vực.

Bình luận quanh câu chuyện một số ngân hàng nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam, chuyên gia kinh tế - tài chính luật sư - tiến sỹ Bùi Quang Tín cho rằng, khi người Việt Nam hay người nước ngoài góp vốn làm ăn chung, sau một thời gian, các nhà đầu tư cũng sẽ có những kế hoạch, chiến lược riêng.

"Bên cạnh đó, trong quá trình điều hành không phải lúc nào cũng suôn sẻ nên rút vốn hay đầu tư là chiến lược kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài mà thôi", luật sư Bùi Quang Tín nói thêm.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính ngân hàng, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu lại có sự so sánh giữa các ngân hàng phương Tây và các ngân hàng tại châu Á.

Cụ thể, theo ông Hiếu, trong những năm qua nhiều nhà đầu tư châu Á đã vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore...

Tuy nhiên những nhà đầu tư từ thị trường truyền thống như châu Âu lại khá dè dặt và thực tế đã có một số ngân hàng lớn rút vốn khỏi Việt Nam.

"Nguyên nhân chính có thể do các nhà đầu tư châu Á khá am hiểu về thị trường cũng như văn hóa kinh doanh tại Việt Nam. Mặt khác, các nhà đầu tư này có thể đã có những khách hàng truyền thống tại Việt Nam nên đầu tư vào đây cũng là một cách để hỗ trợ các khách hàng từ bản quốc", ông Hiếu nhận định.

Thị trường tiềm năng

Trên thực tế, các ngân hàng ngoại cũng đánh giá cao thị trường Việt Nam, nhất là mảng bán lẻ. Trong một cuộc trả lời báo chí, ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản HSBC Việt Nam khẳng định: "Mảng bán lẻ vẫn là một mảng kinh doanh quan trọng trong thời gian tới của HSBC tại Việt Nam".

Ở một góc khác, đại diện ANZ cũng chia sẻ sự lạc quan về những cơ hội kinh doanh tại Việt Nam về nhiều mặt như chính phủ ổn định, mô hình dân số thuận lợi, hội nhập thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như sự tăng mạnh của nhóm trung lưu.

"Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về việc hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và chúng tôi muốn trở thành ngân hàng có thể hỗ trợ nguồn vốn này với những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã giành được giải thưởng về tài trợ thương mại, quản lý dòng tiền cũng như các dịch vụ ngoại hối và các sản phẩm tín dụng mang tính cạnh tranh cao", đại diện ANZ cho biết.

Ngoài ra, ANZ cũng muốn cung cấp những dịch vụ chất lượng cao nhất, kiến thức chuyên sâu về kinh tế và thị trường, cũng như các giải pháp công nghệ mang tính tiên phong như các giải pháp đối chiếu các khoản phải thu hay giải pháp kết nối máy chủ Host to Host (ANZFileactive) cho các doanh nghiệp đa quốc gia.

Đồng thời, hỗ trợ các định chế tài chính của Việt Nam khi họ đang phát triển và mở rộng bao gồm cả việc hỗ trợ nhu cầu vốn trên thị trường quốc tế.

Luật sư Bùi Quang Tín cũng có góc nhìn khá tích cực khi cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sắp tới có thể sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV khi các ngân hàng này mở thêm room lớn cho các ngân hàng nước ngoài. Hay thông tin về việc Agribank sắp cổ phần hóa cũng khiến các nhà đầu tư ngoại rất quan tâm.

"Không chỉ vậy, các ngân hàng thương mại tư nhân hiện nay và các năm sau lợi nhuận dự báo rất tốt, tỷ lệ nợ xấu cũng được kỳ vọng sẽ giảm dần nhờ Nghị định 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư", ông Tín chia sẻ.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng châu Á tiếp tục quan tâm tới thị trường Việt Nam, cổ phiếu ngân hàng gia tăng đáng kể giá trị sẽ là tiền đề hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Đặc biệt, với việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết tại Chile rạng sáng 9/3 (theo giờ Việt Nam), tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu dự báo, ngân hàng Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn trong tương lai.