Hội Cựu chiến binh cơ quan Kho bạc Nhà nước Trung ương:
Xuôi về miền ký ức - dải đất miền Trung
Những ngày tháng 6 này, cùng với các hoạt động hướng về dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023), đoàn Cựu chiến binh cơ quan Kho bạc Nhà nước Trung ương đã có cuộc hành trình: “Xuôi về ký ức trên dải đất miền Trung” khắc sâu đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của Dân tộc nhằm tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống đế quốc Mỹ xâm lược tại Việt Nam, cùng với các chiến trường khói lửa khác, dải đất miền Trung đã trở thành một trong những trận tuyến khốc liệt nhất, gian khổ nhất, là nơi thử thách ý chí và quyết tâm cao nhất của tuổi trẻ Việt Nam và của cả Dân tộc ta trong chặng đường 30 năm bảo vệ Tổ quốc.
Trên từng chặng đường hành quân, dấu chân người lính đã in đậm trên mỗi con suối, mỗi cánh rừng của Trường Sơn. Dải đất miền Trung đã chứng kiến biết bao kỷ niệm vui buồn của người chiến sĩ. Những hốc đá tai bèo, suối sâu, đèo cao trên dãy Trường Sơn không dễ gì ngăn nổi bước chân người chiến sĩ trên con đường ra trận.
Những ngày tháng 6 này, cùng với các hoạt động hướng về dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023), chúng tôi - đoàn Cựu chiến binh cơ quan Kho bạc Nhà nước Trung ương đã có cuộc hành trình “Xuôi về miền ký ức trên dải đất miền Trung”, khắc sâu đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của Dân tộc, nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước, các anh hùng liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng, các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, âm hưởng về chiến tranh ở Quảng Trị trong những năm kháng chiến chống Mỹ ngày nào như vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức, trong tâm tưởng không chỉ của Việt Nam mà còn là của cả nước Mỹ và các nước phương Tây.
Quảng Trị là một chiến trường khốc liệt nhất của cả nước. Không có địa phương nào ở miền Bắc lại không có con em của mình trực tiếp chiến đấu ở mảnh đất này. Vì vậy, Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng, một vùng đất nặng nghĩa ân tình với nhân dân cả nước.
Quảng Trị - vùng đất tuyến đầu miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với hơn 400 di tích chiến tranh còn lại, 72 nghĩa trang liệt sỹ với gần 60.000 liệt sỹ trong cả nước an nghỉ, trong đó, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, có trên 21.000 liệt sỹ an nghỉ. Quảng Trị thực sự là bảo tàng chứng tích chiến tranh và là địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước...
Dưới ánh nắng chói chang, bỏng rát như rắc lửa trên đường, các thành viên trong đoàn Cựu chiến binh Kho bạc Nhà nước đã đến dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn - nơi tưởng niệm, tôn vinh và yên nghỉ của 10.263 người con thân yêu của Tổ quốc, những người đã anh dũng hi sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc.
Trước những hàng mộ nằm cạnh nhau cảm giác dài vô tận trên đồi núi mênh mông, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của cha anh để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho non sông. Họ là những chàng trai, cô gái từ khắp mọi miền quê trên dải đất hình chữ S, là những anh bộ đội, những cô thanh niên xung phong tuổi đời đang phơi phới đã bỏ lại phía sau gia đình và người thân, sự lãng mạn của tuổi trẻ, tình yêu... để xả thân nơi chiến trường ác liệt. Họ đã không quản máu xương, tuổi trẻ để đổi lấy màu xanh cho những cánh rừng, giành lại tự do cho Đất nước. Họ ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi. Máu của các anh, các chị đã tô thắm cho những trang sử hào hùng của Dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đường số 9 là một con đường chiến lược của Mỹ - Nguỵ, nối liền từ biên giới Việt - Lào về tới Ðông Hà. Dọc trục đường số 9, Mỹ - Ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của quân và dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Ðường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt; đồng thời đó cũng là nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ và Ngụy trong những năm 1965 - 1972.
Tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9, nơi có tổng diện tích là 13 ha với quy tụ gần 9.500 mộ liệt sỹ. Trong đó, có 3.227 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành, còn lại đều là những ngôi mộ vô danh, chưa tìm được đầy đủ tên, tuổi cũng như quê quán. Các anh đã nằm lại đây, Nghĩa Trang Quốc gia Đường 9 giờ là quê hương chung của 9.500 chiến sỹ đã hy sinh.
Đoàn đã kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của các liệt sỹ đã hy sinh trên chiến trường đường 9 và chiến trường Quảng Trị nói riêng và trên đất bạn Lào nói chung. Các thành viên trong đoàn đã thành kính thắp những nén hương thơm trên phần mộ chí của các anh, các chị, dù có tên và chưa biết tên nhưng các anh, chị đã thành danh, trở thành tên chung, trở thành niềm tự hào đất nước.
Về thăm Thành cổ Quảng Trị - nơi diễn ra trận chiến ác liệt bậc nhất trong Chiến dịch Xuân Hè 1972. Trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa, số bom đạn mà quân đội Mỹ - Ngụy đã ném xuống tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima năm 1945. Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, những chiến sĩ Thành Cổ đã chiến đấu ngoan cường, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất.
Không giấu nổi xúc động, người Cựu chiến binh già đã từng sống và trực tiếp chiến đấu tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, nơi chiến trường ác liệt nhất của Quân khu Trị Thiên giai đoạn 1968-1972, ông Trần Xuân Trí - Nguyên Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước ngồi trên ghế đá trong khuôn viên Thành cổ Quảng Trị chia sẻ: “Tôi ở trong quân đội 5 năm thì gần 4 năm cầm súng chiến đấu tại Quảng Trị. Trong Chiến dịch Đông Xuân năm 1968, đơn vị tôi được lệnh đánh vào Đông Hà và chiếm giữ Đông Hà khoảng 10 ngày thì rút quân lên phía Lao Bảo, Khe Xanh. Trong quãng thời gian này, đơn vị đã được nhiều hộ gia đình che chở. Đến năm 1981, khi đó tôi công tác tại Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính quay lại Quảng Trị thăm gia đình chị Nhàn (chủ nhà) và các cháu đã che chở cho chúng tôi. Khi nhìn thấy tôi chị ôm chầm lấy vừa khóc vừa nói lắp bắp mấy câu: “Tôi tưởng mấy chú đã hy sinh khi ra khỏi nhà tôi vì lúc đó địch đánh trả quyết liệt lắm”. Lúc đó, tôi rất cảm động! Nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh nằm lại ở chiến trường, ở Thành cổ Quảng Trị. Hôm nay, chúng tôi vào đây để thắp nén hương tưởng nhớ các đồng chí, thật nghẹn ngào không nói nên lời; chúng tôi xin hứa trước vong linh hồn các đồng đội: nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh và công lao to lớn của các đồng chí, tiếp tục giáo dục truyền thống cho con cháu, cho thế hệ trẻ mãi mãi biết ơn và nhớ về một thời oanh liệt của các thế hệ cha, anh…"
Ngày nay, thị xã nhỏ nhắn bên sông Thạch Hãn đã được xây dựng lại khang trang, nhưng dường như nỗi buồn về một trận chiến khốc liệt vẫn còn vương lại trong lòng người dân, cũng như trong từng trang nhật ký, lá thư mà các anh hùng liệt sĩ ngã xuống tại nơi đây đã để lại. Dòng sông Thạch Hãn vẫn cứ chảy trôi yên bình hàng chục năm như thế, nhưng biết bao người lính đã nằm lại dưới đáy sông trong cuộc chiến giành lại hòa bình và thống nhất toàn vẹn non sông.
Nhà thơ Lê Bá Dương - phóng viên thường trú báo Văn hóa khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nguyên chiến sĩ quân đội trực tiếp chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị trong trận chiến rực lửa mùa hè năm 1972 đã viết: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...”. Những người lính ấy đa phần chỉ mới hai mươi tuổi, là những chàng sinh viên vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, với biết bao mơ ước và hoài bão.
Đoàn Cựu chiến binh đã tham dự lễ hội “Đêm hoa đăng” để thả vòng hoa và những bông hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn nhằm bày tỏ lòng tri ân tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm khốc liệt để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Từ nhiều năm nay, tập quán thả hoa trên sông Thạch Hãn thường diễn ra vào các dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7) đã trở thành lễ hội có tính tâm linh, để tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh trong trận đấu khốc liệt ở Quảng Trị. Hơn 50 năm đã trôi qua, khúc tráng ca của 81 ngày đêm lịch sử đã lùi xa nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy ở Quảng Trị vẫn luôn được khắc ghi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Dải Trường Sơn dường như còn in bóng dáng những đoàn quân trùng trùng, điệp điệp súng trên vai, cùng đôi dép lốp và một lý tưởng cao cả đi giải phóng miền Nam. Những cánh rừng khét lẹt khói bom và những con đường bị cày xới, cùng với tinh thần dũng cảm bám trụ, bám đường, san đường, lấp hố của thanh niên xung phong ngày ấy vẫn còn đọng lại mãi mãi trong kí ức của mỗi người dân Việt Nam trong kỷ niệm về Trường Sơn, kỷ niệm về chiến tranh.
Tại Ngã ba Đồng Lộc, đoàn đã tổ chức dâng hương, tưởng niệm về sự hy sinh cao cả của Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong 55 của tỉnh Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Mười đóa hoa ấy đã hy sinh khi ở tuổi thanh xuân, hoá thân vào hồn thiêng sông núi, minh chứng cho khát vọng hòa bình, lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương và mất mát mà chiến tranh để lại vẫn chưa thể xóa nhòa. Hành trình về nguồn là dịp để mỗi cựu chiến binh và các thành viên trong đoàn hiểu thêm về giá trị lịch sử, truyền thống của dân tộc Việt Nam, đây là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc được duy trì tổ chức hằng năm của Hội Cựu Chiến binh cơ quan Kho bạc Nhà nước Trung ương, một nghĩa cử cao đẹp góp phần ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, thể hiện lòng biết ơn với những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sỹ đối với Tổ quốc.
Thế hệ các bác, các anh, các chị ngày ấy tuổi mười tám, đôi mươi đã hăng hái ra trận, họ đã sống và chiến đấu thật xứng đáng với thế hệ mình, xứng đáng với truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của cha anh. Có biết bao chiến công oai hùng, biết bao kỳ tích đã xảy ra nơi đây “dải đất miền Trung”, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của Dân tộc, song cũng có hàng chục vạn người con ưu tú đã ngã xuống trên mảnh đất kiên cường này. Hoạt động không chỉ nhằm tri ân những người đã hy sinh trên mảnh đất anh hùng, mà còn nuôi dưỡng trong lòng mỗi người tình cảm yêu nước, biết ơn thế hệ đi trước, biết ơn sự hy sinh của các anh vì độc lập, hòa bình dân tộc. Để từ đó, mỗi người trong chúng ta cần sống trách nhiệm hơn, hoàn thành tốt hơn nữa chức trách, bổn phận của mỗi cá nhân trong thời bình. Mỗi một người lính ngã xuống, là một lời nhắc nhở chúng ta về bổn phận bảo vệ và xây dựng đất nước, tên tuổi và sự hy sinh của các bác, các anh, các chị cùng những chiến công ngày ấy đã trở thành bản anh hùng ca bất tử.