Kho bạc Nhà nước hoàn thành tốt công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước

Thùy Linh

6 tháng đầu năm, công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước luôn được hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) chú trọng và đã hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), các loại vốn, quỹ, tài sản của Nhà nước.

Công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước được hệ thống Kho bạc Nhà nước chú trọng. Ảnh: Thuỳ Linh.
Công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước được hệ thống Kho bạc Nhà nước chú trọng. Ảnh: Thuỳ Linh.

Quản lý chặt chẽ công tác thu, chi

Theo báo cáo của KBNN, trong 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và của địa phương trong công tác tổ chức thu NSNN.

Theo đó, đã tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin, số liệu thu ngân sách thường xuyên, liên tục phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

KBNN cũng đã mở rộng công tác phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại (NHTM), góp phần tập trung nhanh nguồn thu NSNN, hỗ trợ người nộp thuế và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, KBNN đã mở thêm 187 tài khoản chuyên thu tại các NHTM; mở rộng phối hợp thu và thanh toán song phương điện tử với Sacombank, nâng tổng số NHTM phối hợp thu NSNN lên 16 NHTM.

Tính đến hết ngày 30/6/2023, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 876.201 tỷ đồng, bằng 54,06% dự toán năm 2023. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 71.283 tỷ đồng về giá trị, giảm 7,52% về tỷ lệ thực hiện.

Đối với công tác kiểm soát chi NSNN, hệ thống KBNN đã kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên, đảm bảo trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo đúng nội dung, tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật; chỉ đạo thực hiện công tác kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo theo đúng danh mục dự án và kế hoạch vốn năm theo quy định tại Luật Đầu tư công.

KBNN cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN.

Đối với chi thường xuyên, tính đến ngày 30/6/2023, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đạt 455.339 tỷ đồng, bằng 38,4% dự toán (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng). So với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 12.997  tỷ đồng về giá trị, thấp hơn 1,4% về tỷ lệ so với dự toán.

Đối với chi đầu tư, tính đến ngày 30/6/2023, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2023 kiểm soát qua KBNN là 214.314,2 tỷ đồng, bằng 29,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kếhoạch vốn năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 717.331,3 tỷ đồng).

Hoạch toán đầy đủ, chính xác các khoản thu, chi NSNN

KBNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị KBNN tổ chức hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu, chi NSNN, các loại vốn, quỹ, tài sản của Nhà nước.

Công tác tổng hợp, lập báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ và báo cáo hàng ngày phục vụ điều hành NSNN của Lãnh đạo Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan được thực hiện nghiêm túc, đồng thời, duy trì hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán trong nội bộ hệ thống KBNN và thanh toán với các hệ thống ngân hàng đảm bảo thông suốt, kịp thời và an toàn.

KBNN đã chủ động triển khai các dòng công việc liên quan đến công tác tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021 theo quy định.

Đáng chú ý, Báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021 đã hoàn thành trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 95,75%.

Ngoài ra, KBNN đã phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu phương án rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hàng năm. Hiện nay, lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN đang trong giai đoạn hoàn thiện giải trình, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trước khi trình Chính phủ phê duyệt để trình Quốc hội theo quy định.