95% khách hàng hài lòng với sự phục vụ của hệ thống Kho bạc Nhà nước

Thùy Linh

Nhờ việc đẩy mạnh cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính trong thời gian qua, có tới 95% khách hàng đánh giá hài lòng với sự phục vụ của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN).

KBNN thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN. Ảnh: Thuỳ Linh.
KBNN thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN. Ảnh: Thuỳ Linh.

Mức độ hài lòng của khách hàng tăng lên

Ngay từ đầu năm 2023, hệ thống KBNN tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa thủ tục thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), tạo thuận lợi cho các đơn vị giao dịch. KBNN cũng tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.

Cùng với đó, KBNN ban hành Quyết định số 142/QĐ-KBNN ngày 5/1/2023 để triển khai việc rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong phạm vi quản lý của KBNN. Trên cơ sở đó, đã phối hợp với Văn phòng Bộ Tài chính rà soát, thống kê các TTHC giữa các cơ quan hành chính nhà nước và TTHC giữa KBNN và Bộ Tài chính để phục vụ việc ban hành Quyết định công bố TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.

Mới đây, hệ thống KBNN đã thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN đợt 1/2023. Kết quả, mức độ hài lòng đạt 95%, tăng 0,5% so với năm 2022 (94,5%).

Trong công tác hiện đại hóa công nghệ thông tin (CNTT), 6 tháng đầu năm 2023, KBNN tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án CNTT nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 và Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động KBNN giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, KBNN cũng tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ đối với các đơn vị sử dụng ngân sách. Trong đó, phải kể đến các dự án như: nghiên cứu xây dựng Đề án nâng cấp hệ thống TABMIS và các ứng dụng hình thành hệ thống ngân sách và kế toán số (VDBAS); hoàn thành triển khai thí điểm nâng cấp dịch vụ công trực tuyến bổ sung cổng trao đổi dữ liệu qua Internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông tại KBNN Hà Nội và KBNN TP. Hồ Chí Minh; xây dựng và triển khai bài toán liên thông chi đầu tư xây dựng cơ bản từ ĐTKB-GD sang TABMIS và Hệ thống thanh toán điện tử với ngân hàng…

99% giao dịch chi thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến

Riêng đối với dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), từ đầu năm đến nay, hệ thống KBNN tiếp tục triển khai thực hiện tốt DVCTT cho các đơn vị sử dụng NSNN. Theo đó, hoàn thiện các tiện ích để hỗ trợ cho người sử dụng, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng.

Cụ thể, đã hoàn thành triển khai diện rộng việc nâng cấp hệ thống DVCTT bổ sung cổng trao đổi dữ liệu qua Internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông để thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách.

KBNN cũng triển khai thí điểm công nghệ ký số từ xa giúp cho người dùng của các đơn vị sử dụng ngân sách không phụ thuộc vào thiết bị vật lý để ký, cho phép kiểm tra sinh trắc học khi sử dụng, góp phần tăng cường an toàn, an ninh thông tin. Cùng với đó, tiếp tục kết nối phần mềm kế toán của các đơn vị sử dụng ngân sách vào hệ thống DVCTT của KBNN, qua đó, liên thông dữ liệu chi NSNN và hồ sơ chi NSNN (DVC Gateway) giúp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Theo thống kê, tính đến hết ngày 30/6/2023, đã có trên 23.560/97.000 đơn vị sử dụng ngân sách, đạt tỷ lệ 24,29% đã tham gia kết nối.

Đến nay, KBNN tiếp tục duy trì cung cấp 100% thủ tục thực hiện DVCTT toàn trình và tích hợp lên cổng Dịch vụ công quốc gia với 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT; tỷ lệ lượng giao dịch chi NSNN qua DVCTT đạt trên 99% so với lượng chứng từ chi NSNN qua TABMIS (không bao gồm khối an ninh, quốc phòng).