Yên tâm với bảo mật thông tin khi mở rộng hóa đơn điện tử
Thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai thí điểm việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) có xác thực của cơ quan thuế đối với 200 doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhiều DN khi được hỏi về triển khai về hóa đơn điện tử, đều thừa nhận về tính tiện ích của loại hình này nhưng vẫn bày tỏ lo ngại về tính bảo mật? Theo Tổng cục Thuế, các DN hoàn toàn yên tâm về tính bảo mật của HĐĐT.
Tổng cục Thuế nhận thức yêu cầu về triển khai hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế trên phạm vi toàn quốc theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP có tác động trực tiếp tới cộng đồng DN. Việc thực hiện nhiệm vụ này giúp giảm chi phí phát hành và sử dụng hóa đơn, thúc đẩy thương mại điện tử... Đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế trước mắt cũng như lâu dài.
Triển khai hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) điện tử và hóa đơn điện tử nhằm mục đích đơn giản thủ tục hoàn thuế đối với người nộp thuế; từng bước hoàn thiện giao dịch điện tử giữa người nộp thuế và cơ quan thuế; xây dựng môi trường quản lý thuế điện tử… và nhất là giúp giảm tiêu cực trong hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cụ thể, thay vì phải đi lại, gửi hồ sơ giấy, người nộp thuế sắp tới chỉ cần điền vào mẫu biểu có sẵn trên cổng thông tin điện tử ngành Thuế. Ngành Thuế sau đó sẽ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ rồi ban hành quyết định hoàn thuế (hoặc thông báo không được hoàn) và chuyển thành văn bản điện tử gửi người nộp thuế cũng qua cổng thông tin điện tử. Điều này giúp giảm thời gian hoàn thuế đồng thời tiết kiệm được thời gian, công sức cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, mọi quá trình giải quyết hồ sơ của cơ quan chức năng sẽ được công khai. Người nộp thuế có thể truy cập bất cứ khi nào để biết hồ sơ đang trong tình trang xử lý ra sao, chưa hoàn thiện chỗ nào, cần bổ sung ở đâu.
Mặc dù kết quả thí điểm là khả quan, nhưng nhiều DN vẫn lo ngại về tính bảo mật của HĐĐT. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí, các DN hoàn toàn yên tâm về tính bảo mật của HĐĐT.
Theo ông Trí, việc DN lo ngại vấn đề bảo mật của HĐĐT là điều dễ hiểu, bởi thời điểm hiện nay vấn đề an toàn, an ninh mạng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Do đó, với HĐĐT ngành Thuế đã đưa ra quy trình quản lý chặt chẽ, trang bị những thiết bị bảo mật tối ưu, cùng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin có trình độ cao.
Cùng với đó, cơ quan thuế thường xuyên theo dõi hệ thống, đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho các dịch vụ công cung cấp ra toàn xã hội. Các DN tham gia triển khai HĐĐT phải sử dụng chữ ký số để xác thực trên hệ thống, do đó có thể khẳng định tính an toàn và bảo mật rất cao.
Tuy nhiên, trách nhiệm người sử dụng cũng rất quan trọng, bởi cơ quan thuế có thể đầu tư công nghệ và các giải pháp bảo mật, nhưng người dùng không nhận thức được vấn đề sử dùng tùy tiện thì vẫn có rủi ro.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, hiện nay Tổng cục Thuế đang xây dựng đề án triển khai mở rộng HĐĐT. Trước mắt, ngành Thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để đưa thêm các DN vào thực hiện thí điểm.
Về lâu dài, sau khi cơ sở pháp lý hoàn thiện, cơ quan thuế sẽ mở rộng việc triển khai HĐĐT đến tất cả các DN. Đồng thời, cho phép các tổ chức trung gian (TVAN) cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế trực tiếp đến người nộp thuế. Các giải pháp này sẽ từng bước nâng cao lượng dịch vụ và giảm chi phí đầu tư công.
Việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) và hoàn thuế điện tử đã, đang và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN, khách hàng, cơ quan thuế, công tác quản lý và đối với cả xã hội. Đây là một trong những giải pháp cụ thể để Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính hướng tới mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh định hướng đến năm 2020.
Tính đến ngày 15/11 cơ quan Thuế đã phát hành gần 2,3 triệu hóa đơn điện tử với tổng doanh thu đã xác thực là 17.479 tỷ đồng, số thuế đã xác thực là 803,4 tỷ đồng.