Yêu cầu độ an toàn cao nhất, công nghệ hiện đại đối với đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được yêu cầu phải triển khai trong thời gian sớm nhất có thể nhưng đồng thời phải đáp ứng yêu cầu khía cạnh kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, chất lượng, độ an toàn cao nhất đối với công trình quy mô lớn, phức tạp và phải đảm bảo hiệu quả.

Đây là một trong những nội dung trong công văn số 4671/VPCP-CN ngày 27/5 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Dự án) và các dự án đường sắt trong thời gian tới.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là tuyến đường sắt đầu tiên được triển khai theo Quy hoạch hệ thống mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để kết nối với các địa phương của Trung Quốc và quốc tế.
Để triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và các dự án đường sắt trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, thẩm định, ban hành Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn (kỹ thuật, công nghệ) cho đường sắt (từ khảo sát, thiết kế, thi công xây lắp, giám sát, hệ thống thông tin tín hiệu, chế tạo đầu máy, toa xe…).
Đây là cơ sở cho công tác chuẩn bị Dự án (lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thiết kế kỹ thuật, Thiết kế bản vẽ thi công...), thi công xây lắp và đầu tư mua sắm, chế tạo, lắp đặt thiết bị, đầu máy, toa xe.
Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ để đề xuất phương án khả thi trong việc chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường năng lực cho Bộ Xây dựng và Ban Quản lý dự án đường sắt trong việc thẩm định, quản lý, giám sát (do đây là dự án quy mô lớn đầu tiên trong lĩnh vực đường sắt Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm triển khai thực hiện).
Theo đó, Ban Quản lý dự án đường sắt cần kiện toàn theo hướng đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu quản lý dự án mới, quy mô lớn, phức tạp; tuyển chọn và sử dụng các chuyên gia tư vấn (trong nước và quốc tế) độc lập (về kỹ thuật, pháp lý) giúp Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án (chủ đầu tư) để có ý kiến phản biện độc lập đối với sản phẩm đầu ra của từng Dự án do đơn vị tư vấn thực hiện.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý dự án đường sắt thành lập Tổ chuyên gia độc lập để tham mưu giúp Bộ Xây dựng trong chỉ đạo, quản lý, điều hành Dự án.
Bộ Xây dựng được giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, phúc tra, thẩm định Đề án về kết quả khảo sát, thăm dò địa chất công trình của Dự án; cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu về kết quả khảo sát, thăm dò địa chất công trình của Dự án cho các đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường; bố trí kinh phí kiểm tra, phúc tra, thẩm định về kết quả khảo sát, thăm dò địa chất công trình của Dự án.
Bộ Khoa học và Công nghệ được giao tổ chức thẩm định tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đối với Hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn đường sắt theo đề nghị của Bộ Xây dựng.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cung cấp danh sách và chỉ đạo Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Liên đoàn Vật lý Địa chất... cung cấp cho Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin địa chất tại các khu vực Dự án đi qua; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng kiểm tra, phúc tra, đánh giá, thẩm định về kết quả khảo sát, thăm dò địa chất công trình của Dự án.
Trước đó, theo Thông báo số 260/TB-VPCP ngày 24/5 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp rà soát, đánh giá tình hình triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thành chấp thuận hướng tuyến đã thống nhất với các địa phương và bàn giao ranh giới giải phóng mặt bằng trong tháng 5/2025.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao chủ động làm việc với phía Trung Quốc về phương án chuyển giao công nghệ, hoàn thành trước ngày 20/6.
Về Hiệp định vay vốn, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao đẩy nhanh tiến độ đàm phán, bảo đảm đủ điều kiện để ký kết càng sớm càng tốt, chậm nhất là trong tháng Tám tới.
Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài hơn 403km, đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Điểm đầu tuyến tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận TP. Hải Phòng.
Tính toán sơ bộ, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 194.929 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 8 tỷ USD).