Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:
Yêu cầu về một sức bật lớn hơn của ngành Tài chính trong năm 2017
Năm 2016 là năm thắng lợi toàn diện của ngành Tài chính, thu ngân sách Trung ương đã vượt 7,8% dự toán; đảm bảo kịp thời các nhiệm vụ chi, tiềm lực dự trữ quốc gia tăng gấp đôi... Tuy nhiên, dư địa phấn đấu năm 2017 khá hạn hẹp, GDP tăng 6,7%, bội chi ngân sách dưới 3,5%, lạm phát khoảng 4%, đây là thách thức đòi hỏi Bộ Tài chính phải nỗ lực hơn nữa trong thực hiện các mục tiêu này.
Vượt thu 7,8% vào “phút chót”
Đánh giá cao những kết quả mà ngành Tài chính đã đạt được trong năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận: Năm vừa qua, Chính phủ mới bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh đầy thách thức, khó khăn chồng chất cả về thiên tai và nhân tai. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, nước ta đã vượt qua thử thách lớn lao này, đã hoàn thành vượt mức 12 chỉ tiêu Quốc hội giao. GDP mặc dù chỉ đạt ở mức xấp xỉ chỉ tiêu đặt ra, song cũng là con số cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, được quốc tế đánh giá cao.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát giữ được ở mức Quốc hội quy định (dưới 5%); phối hợp của chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ đạt kết quả tốt; Các cân đối lớn nền kinh tế được đảm bảo; Đáng mừng là phát triển doanh nghiệp của nước ta đạt kỷ lục, lần đầu tiên đạt con số 110 nghìn doanh nghiệp mới với số vốn đăng ký tăng 48%, gần 1 triệu tỷ đồng; Giải ngân FDI đạt kỷ lục 15,8 tỷ USD;
Các lĩnh vực có sự tham gia lớn của ngành Tài chính đều được nâng lên một bước. Về Thể chế pháp luật, cơ chế chính sách tài chính, quản lý giá, cũng đã có sự điều chỉnh, đổi mới phù hợp hơn với thực tiễn cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Quản lý nợ công có diễn biến tích cực, nhiều giải pháp được đề xuất tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng kéo dài thời hạn, giảm chi phí vay, an ninh tài chính quốc gia được đảm bảo, tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay.
Ngành Tài chính cũng là một trong những ngành luôn tiên phong, đi đầu trong triển khai quyết liệt chủ trương cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. Các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng tích cực. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có chuyển biến, thoái vốn được đẩy mạnh hơn, hiệu quả hơn.
Kết quả thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016 đến “phút chót” đã vượt 7,8% dự toán, dù trước đó có những dự báo khó khăn, ngân sách trung ương có thể hụt thu tới 17.000 tỷ đồng. “Hai năm nay, thu ngân sách, kiểm soát bội chi làm rất tốt, tôi biết các đồng chí rất vất vả, nhất là tổng cục thuế, tổng cục hải quan. Nhiều lúc phê bình nhau gắt gao, thúc đẩy từng cơ quan, đơn vị, nếu không sẽ khó đạt được con số này”, chia sẻ về điều này Thủ tướng biểu dương: Năm nay đúng là năm thắng lợi toàn diện của ngành Tài chính, tôi không nghĩ thắng lợi đến mức như vậy. Con số trên cho thấy sự quyết tâm cao độ, nỗ lực vượt bậc của ngành Tài chính và của các địa phương trên cả nước. Qua đó, chúng ta đã bảo đảm đủ nguồn chi NSNN theo dự toán và bổ sung nguồn để thực hiện chính sách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội, tăng chi trả nợ và xử lý một số nhiệm vụ cấp bách khác.
Đối với lĩnh vực chi ngân sách, Thủ tướng cũng ghi nhận: Quản lý điều hành chi đã chặt chẽ hơn, kịp thời xử lý các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh, tiềm lực tài chính quốc gia tăng lên đáng kể. Theo đó, đến năm 2016, tổng mức dự trữ quốc gia đã tăng gấp đôi. “Tinh thần là chúng ta không để người dân thiếu cơm, lạt muối, đứt bữa trong thiên tai, lũ lụt. Muốn thế phải xử lý hỗ trợ kịp thời, mà trong đó ngành Tài chính, dự trữ quốc gia đã thể hiện rất tốt vai trò này”, Thủ tướng nhận định.
“Mừng chưa hết đã thấy lo”
Chia sẻ điều này trước Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2016, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc góp ý một số nội dung đối với ngành Tài chính.
Cụ thể là ngành Tài chính cần sớm nghiên cứu xây dựng một chương trình cụ thể để triển khai Nghị quyết 07/NQ-TW của Bộ Chính trị (ngày 8/11/2016) về “Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”. Bởi tỷ lệ nợ công tăng nhanh, nợ công 5 năm qua tăng trung bình là 18,4%, nhanh gấp 3 lần tốc độ kinh tế.
Hiện nay, dư địa chính sách tài khóa còn hạn hẹp, cân đối ngân sách khó khăn, thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ. Chi thường xuyên tăng là nguyên nhân chính khiến ngân sách luôn căng thẳng. Để có tiền đầu tư phát triển, tăng trưởng chúng ta buộc phải đi vay, điều này khiến nợ công tăng... Chi thường xuyên tăng rất nhanh trong những năm gần đây là nguyên nhân chính làm NSNN luôn căng thẳng. “Có chuyên gia cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi”, Thủ tướng nói.
Về môi trường đầu tư kinh doanh, mặc dù tăng 9 bậc nhưng Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam còn thấp, xếp thứ 82/190 nước và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều tiêu chí xếp hạng của chúng ta rất thấp (nộp thuế đứng thứ 167, giải quyết mất khả năng thanh toán 125, khởi nghiệp chỉ xếp thứ 121). Lãng phí, thất thoát trong xã hội, trong đầu tư, nhất là sử dụng tài sản công, xe công, NSNN trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn lớn...
“Tôi nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế, yếu kém nêu trên với mong muốn chúng ta hãy đổi mới mạnh hơn, nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm và phải làm tốt hơn. Ngành tài chính năm 2016 đã làm tốt thì năm 2017 phải làm tốt hơn nữa. Chính phủ tin tưởng rằng các đồng chí phải phấn đấu đi đầu trong thực hiện chủ đề năm 2017: “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng bày tỏ.
Siết chặt kỷ luật ngân sách, chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngay từ đầu năm 2017
Đề cập tới các nhiệm vụ, giải pháp năm 2017, Thủ tướng nhắc lại các mục tiêu của năm như GDP 6,7%, bội chi dưới 3,5%, lạm phát 4%... Tất cả theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều là những mục tiêu ở mức cao trong dư địa phấn đấu, khi dư địa của chúng ta còn rất hạn hẹp, đòi hỏi sự vào cuộc và quyết tâm rất lớn của toàn ngành Tài chính nói riêng và toàn hệ thống chính trị nói chung. “Vai trò tham mưu của Bộ Tài chính là rất quan trọng, đòi hỏi phải có tư duy đột phá trong tái cơ cấu ngân sách, góp phần đạt các mục tiêu Quốc hội đề ra trong năm 2017. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho Bộ Tài chính”, Thủ thướng nói.
“Không thể chủ quan trước bối cảnh này”, nhấn mạnh điều này Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Ngành Tài chính trong năm 2017 phải thực hiện tốt các công cụ chính sách tài khóa để ổn định nền kinh tế vĩ mô, vừa cải cách tạo đột phá trong thu chi ngân sách để giảm bội chi, kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo khả năng trả nợ, đồng thời góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Đồng thời, quán triệt sâu sắc, triển khai đầy đủ, hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội và của Chính phủ về chủ trương và các giải pháp cân đối ngân sách, kiểm soát quản lý nợ công, nhất là triển khai toàn diện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước để có kế hoạch đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả tất cả chính sách tài khóa – tiền tệ - thương mại – đầu tư, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát mạnh mẽ bội chi ngân sách, tái cơ cấu đầu tư công, kiểm soát tỷ lệ nợ công trong mức cho phép…
Chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hành động thì quản lý ngân sách phải được thiết kế theo hướng khuyến khích tính năng động, sáng tạo, tự chủ, trách nhiệm của các địa phương trong thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Do vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: Cần phải tiến tới bỏ tư duy kinh tế kiểu cào bằng, bình quân chủ nghĩa trong phân bổ nguồn lực tài chính công và quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu mỗi bộ, ngành, địa phương để xóa bỏ bao cấp, tạo ra động lực phát triển cân đối và toàn diện thời gian tới.
Theo đó, ngành Tài chính cần nhanh chóng thiết lập kỷ luật ngân sách và cải thiện hiệu quả thu chi NSNN. Cụ thể, về thu NSNN, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngay từ đầu năm. Thực hiện nghiêm và hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục miễn giảm thuế nông nghiệp. Đồng thời, rà soát các chính sách ưu đãi thuế hiện hành xem đã hợp lý và hiệu quả; Ưu đãi nào ít có tác dụng mà lại gây thiệt hại cho ngân sách thì cần nhanh chóng hủy bỏ; Cần chấn chỉnh việc lạm thu các khoản đóng góp ở cơ sở đang gây bức xúc trong xã hội…“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, chia sẻ điều này để thấy rằng, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, chúng ta cần ưu tiên nguồn ngân sách vào những vấn đề cấp thiết cho xã hội, cho phát triển.
Về chi NSNN, cần quản lý chặt, quán triệt tinh thần triệt để tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức, cắt giảm chi hội nghị, hội thảo, đoàn ra, chi mua sắm tài sản đắt tiền. Theo tinh thần này, Thủ tướng cũng yêu cầu: Công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể gây thất thoát, lãng phí NSNN và tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. “Chúng ta làm điều này là thể hiện tinh thần trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã thí điểm đi đầu về khoán xe công, được nhân dân rất hoan nghênh, Thủ tướng yêu cầu tổng kết mặt được và chưa được “chứ không chỉ khoán kinh phí đi từ nhà đến cơ quan”.
“Xe công cũng chỉ là một hạt ngọc trong kho châu báu là khối tài sản công khổng lồ đang quản lý rất phân tán, kém hiệu quả của chúng ta. Nguồn lực công lớn nhất là nguồn lực từ trụ sở, đất đai có quy mô rất lớn nhưng chưa được định giá chính xác, sử dụng có phần tùy tiện, là tâm điểm của tham nhũng, của lợi ích nhóm và cũng là điểm nghẽn tăng trưởng của nền kinh tế. Cần phải nghiên cứu và thí điểm áp dụng các phương thức quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lực đặc biệt quan trọng này”, Thủ tướng nêu rõ.