Yêu cầu về tiêu chuẩn niêm yết chứng khoán: Sẽ không có bất cứ ngoại lệ nào

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn phải nâng cao chất lượng phát hành, chất lượng của công ty niêm yết. Do vậy, các yêu cầu về tiêu chuẩn niêm yết sẽ không có sự vận dụng ngoại lệ với bất kỳ loại hình nào và các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cũng phải bình đẳng như các công ty cổ phần khác.

 Yêu cầu về tiêu chuẩn niêm yết chứng khoán: Sẽ không có bất cứ ngoại lệ nào - Ảnh 1
Chủ tịch Vũ Bằng
Đây là chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng bên lề "Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2015" vừa được tổ chức.

Phóng viên: Năm 2014, TTCK đã có nhưng kết quả khả quan, tuy nhiên, nhiệm vụ năm 2015 của ngành được đặt ra còn rất lớn. Ông có thể cho biết đâu là những giải pháp trọng tâm nhất để hoàn thành được mục tiêu đặt ra trong năm nay?

Chủ tịch Vũ Bằng: Năm 2015, UBCKNN sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp rất quan trọng nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Thứ nhất, chúng tôi tiếp tục thúc đẩy công tác tái cấu TTCK, trong đó tập trung vào tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán và TTCK để hoàn thành căn bản chương trình, đề án tái cấu trúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

TTCK Việt Nam năm 2015 kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng hơn về quy mô, thanh khoản; khả năng huy động vốn qua phát hành cổ phiếu cũng sẽ tiếp tục được mở rộng, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài được dự báo cũng sẽ có sự cải thiện nếu như tỷ lệ sở hữu được nới lỏng và chính sách tiền tệ, tài chính được linh hoạt hơn.

Thứ hai, tập trung cho việc chuẩn bị TTCK phái sinh. Có thể nói, năm 2015 là năm chuẩn bị điều kiện cho thị TTCK phái sinh ra đời. Nghị định về TTCK phái sinh hiện đã trình Chính phủ và khả năng quý 1 này sẽ được ban hành. Vì vậy, năm nay sẽ tập trung cho công tác đào tạo, tập trung cho cơ sở hạ tầng, tập trung cho triển khai hệ thống tại các Sở GDCK và công ty chứng khoán, lựa chọn các công ty chứng khoán đủ điều kiện tham gia thị trường…

Đây là một nội dung công việc rất lớn, bởi việc soạn thảo Nghị định đã khó, việc triển khai một nhiệm vụ mới và đầy phức tạp thì còn khó khăn hơn. Chúng tôi hạ quyết tâm cùng với các Sở GDCK và các tổ chức kinh doanh chứng khoán, cùng các thành viên thị trường để tích cực triển khai vấn đề này.

Nhóm giải pháp thứ ba là thúc đẩy cổ phần hóa gắn với việc giao dịch và niêm yết trên TTCK. Hiện tại, Nghị định 58 đang được sửa đổi một cách gấp rút để trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, sẽ thể chế hóa và tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về công tác cổ phần hóa gắn với giao dịch và niêm yết.

Nghị định 58 nếu được sửa đổi và ban hành sớm thì sẽ gỡ được khó khăn cho công tác cổ phần hóa hiện nay. Đồng thời, khi gắn cổ phần hóa với giao dịch trên thị trường sẽ thúc đẩy công tác quản trị công ty tại các DN đã được cổ phần hóa và thoái vốn, tạo ra hàng hóa quy mô lớn cho TTCK.

Nhóm giải pháp tiếp theo là vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đây là một nội dung mà Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN rất quan tâm; tuy nhiên, năm 2014, nhiệm vụ này chưa hoàn thành. Chúng tôi có chủ trương sửa Nghị định 58 trong đó thể chế hóa vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài vào TTCK một cách căn cơ và bài bản hơn.

Các biện pháp tiếp theo của vấn đề thu hút vốn ngoại là việc nâng hạng TTCK. Đây cũng là một mảng bao gồm rất nhiều công việc phải làm. Theo đó, có 3 yêu cầu đối với việc nâng hạng: thứ nhất là cải thiện kinh tế vĩ mô; thứ hai, quy mô và thanh khoản của TTCK; thứ ba, tăng khả năng tiếp cận của các tổ chức nước ngoài với thị trường.

Hai yếu tố đầu về cơ bản là chúng ta đáp ứng được; còn yếu tố thứ 3 thì phải gắn với việc nới room và các chính sách, giải pháp tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận TTCK Việt Nam. Việc nâng hạng thị trường không chỉ cần cơ quan quản lý mà tất cả các thành viên thị trường đều phải nỗ lực, từ việc thực hiện báo cáo tài chính bằng tiếng Anh, trang web và nhiều vấn đề khác liên quan,…

Chưa dừng ở đó, sau khi được nâng hạng sẽ tạo áp lực rất lớn cho thị trường để chúng ta phải tiếp tục duy trì yêu cầu của thị trường mới nổi. Tuy nhiên, đây là áp lực tốt, thúc đẩy cơ quan quản lý, các thành viên thị trường tiếp tục nỗ lực cải cách làm sao để thu hút tốt hơn dòng vốn, giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

Điểm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử nghiêm các vi phạm trên TTCK.

Trong công tác thực hiện cổ phần hóa gắn với giao dịch, niêm yết trên TTCK, nhiều DN thực hiện cổ phần xong mà muốn niêm yết ngay, bỏ qua thị trường UPCoM. Vậy có cơ chế nào để DN “niêm yết thẳng” không, thưa ông?

Hiện chúng tôi đang sửa đổi Nghị định 58 và sẽ có một số tháo gỡ vướng mắc về cổ phần hóa và thoái vốn, chẳng như các vấn đề liên quan tới kiểm toán, cũng như các yêu cầu mà trong Luật Chứng khoán chưa tương thích với Quyết định 51.

UBCKNN luôn thống nhất một quan điểm: Trong chiến lược phát triển TTCK vẫn phải nâng cao chất lượng phát hành, chất lượng của công ty niêm yết, không được để tổn thương định hướng này. Do vậy, các yêu cầu về tiêu chuẩn niêm yết sẽ không có sự vận dụng ngoại lệ với bất kỳ loại hình nào và các DNNN cũng phải bình đẳng như các công ty cổ phần khác.

Bởi DN muốn lên niêm yết không chỉ là chất lượng, quy mô DN, không chỉ là báo cáo tài chính về lợi nhuận lỗ - lãi mà còn là quản trị công ty. Một DNNN muốn lên niêm yết phải có thay đổi về quản trị công ty, phải được tập dượt về quản trị công ty, thì khi lên niêm yết mới tôn trọng cổ đông, tôn trọng các thành viên thị trường khác và minh bạch hơn nữa trong hoạt động. Chính vì vậy, chúng tôi không hy sinh các tiêu chuẩn niêm yết đối với DN cổ phần hóa và thoái vốn.

Cùng với đó, chúng tôi đưa ra quy định bắt buộc đối với DN đã cổ phần hóa xong thì trong vòng một tháng là phải vào giao dịch trên UPCoM để tạo điều kiện cho nhà đầu tư giao dịch và tạo thanh khoản cho cổ phiếu đó. Khi đó, DN khi lên UPCoM thì cũng sẽ chịu thêm áp lực về công bố thông tin, quản trị công ty,…

Còn sau 6 tháng giao dịch trên UPCoM nếu DN đủ điều kiện niêm yết theo như quy định chung, thì cơ quan quản lý sẵn sàng ủng hộ DN lên niêm yết chính thức trên thị trường chứng khoán. Quá trình này cũng là thời gian để DN nâng cao quản trị công ty, cấu trúc lại DN cũng như chuẩn bị hồ sơ để chuẩn bị lên niêm yết.

Một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra là tiến hàng nâng hạng TTCK. Điều này sẽ mang lại lợi ích gì cho thị trường, thưa ông?

Rõ ràng trong một cơ chế hội nhập mà Việt Nam đã tham gia WTO và sắp tới là TPP, thì TTCK Việt Nam không thể đứng ngoài TTCK toàn cầu. Chúng ta muốn huy động được dòng vốn trên toàn cầu, thì bắt buộc phải cải cách theo chuẩn mực quốc tế.

Tôi cho rằng, nếu được nâng hạng thì hình ảnh của TTCK Việt Nam sẽ tốt hơn và thực chất hơn về yêu cầu quản trị, quy mô, thanh khoản,… theo đó vấn đề thu hút dòng vốn nước ngoài cũng sẽ được cải thiện.

Xin cảm ơn ông!