Yếu tố nào đẩy lạm phát eurozone cao nhất trong 24 năm?
Nhiều chuyên gia kinh tế tuy nhiên cho rằng lạm phát như vậy đã lập đỉnh, chính vì vậy không nên kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất chủ chốt trong năm sau.
Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu nhiều khả năng đã chạm mức cao kỷ lục trong tháng 11, nhiều chuyên gia kinh tế tuy nhiên cho rằng lạm phát như vậy đã lập đỉnh, chính vì vậy không nên kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất chủ chốt trong năm sau, theo nội dung bài báo mới được WSJ đăng tải.
Cũng giống như tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu trong nhiều tháng gần đây đã tăng nhanh hơn kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách. Dữ liệu này không khỏi khiến cho giới đầu tư, doanh nghiệp và các hộ gia đình cảm thấy băn khoăn về mức độ khả tín của đánh giá của ngân hàng trung ương về việc giai đoạn lạm phát cao này sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Nhiều chuyên gia kinh tế tại các tổ chức tư nhân dự báo rằng lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm từ đầu năm sau, nó phản ánh cho quan điểm của ECB việc giá cả tăng sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Những tổ chức chia sẻ quan điểm này bao gồm UBS, Morgan Stanley, BNP Paribas và Oxford Economics.
“Hiện đang có nhiều áp lực lên các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên ECB sẽ vẫn duy trì quan điểm lạm phát ngắn hạn, điều mà chúng tôi tin rằng hoàn toàn đúng”, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng UBS – ông Reinhard Cluse nhấn mạnh.
Tuy nhiên khi mà lạm phát sẽ vẫn duy trì trên ngưỡng mục tiêu của ECB trong vòng 6 tháng đầu của năm 2022, khả năng lương tăng và áp lực lạm phát tăng sẽ vẫn là khả năng, cùng lúc đó, tính thiếu ổn định và gián đoạn của chuỗi cung ứng cũng như tác động của nó lên giá cả hiện không rõ ràng.
Theo tính toán của Cơ quan Thống kê EU, giá cả trong tháng 11/2021 tại châu Âu tăng khoảng từ 4,3% đến 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức tăng cao nhất của lạm phát tính từ năm 1997. Trong vòng 24 năm, tỷ lệ lạm phát chỉ vượt 4% duy nhất trong 2 tháng, tháng đầu tiên là vào tháng 7/2008 và tháng thứ 2 là tháng 10 năm nay.
ECB dự kiến sẽ công bố kỳ vọng lạm phát năm 2022 vào tháng 12. Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách châu Âu nhiều khả năng không thông báo bất kỳ biện pháp nào nhằm ngăn lạm phát tăng nóng ngoại trừ việc xác nhận rằng chương trình mua trái phiếu nhằm giảm thiểu tác động kinh tế từ đại dịch COVID-19 sẽ chấm dứt vào tháng 3/2022.
Như vậy, quan điểm chính sách mới nhất từ châu Âu phản ánh rằng lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm trong năm 2022 và sẽ xuống dưới ngưỡng mục tiêu 2% trong năm 2023. Việc suy giảm này sẽ khởi đầu với việc mức tăng của giá cả chững lại trong tháng 1/2021.
Một lý do chính nằm ở nỗ lực của phía chính phủ Đức trong việc hỗ trợ nền kinh tế trong những tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19. Tháng 7/2020, chính phủ của nước có nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng. Điều này đồng nghĩa giá cả tiêu dùng từ tháng 7/2021 trở về sau bị so sánh với cái nền giá cả thấp giả tạo của cùng kỳ năm trước, áp lực lạm phát vì vậy cao hơn.
Từ tháng 1/2022, khoảng thời gian này sẽ chấm dứt bởi thuế VAT sẽ trở lại ngưỡng trước khủng hoảng.