10 lỗi khi dùng thuốc
(Tài chính) Đọc kỹ những khuyến cáo ghi rõ trên vỏ hộp của những loại thuốc không cần toa và tờ hướng dẫn sử dụng nằm bên trong vỏ hộp của những loại thuốc bắt buộc kê toa.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,5 triệu người bị bệnh hoặc tổn thương sức khỏe nghiêm trọng và khoảng 100.000 người tử vong do sử dụng sai dược phẩm. Điều đáng tiếc là những trường hợp tử vong này đều có thể phòng tránh được. Dưới đây là 10 lỗi lầm trong sử dụng thuốc thường gặp nhất, gây nguy hiểm đến tính mạng thậm chí tử vong.
1. Nhầm lẫn tên thuốc
Điều này dễ xảy ra khi toa thuốc được kê bởi những thầy thuốc có chữ viết rất khó đọc, các nhân viên bán thuốc nhìn cũng “không ra” nên bán cho bệnh nhân một loại thuốc không phải là thuốc họ cần. Điều này rất dễ xảy ra vì các nhà thuốc đều sắp xếp thuốc theo thứ tự a, b, c...Theo “Chương trình báo cáo lỗi lầm do sử dụng thuốc quốc gia” (Mỹ) thì những trường hợp sai sót do tên thuốc hoặc cách đọc thuốc na ná nhau chiếm đến 25%.
2. Khi các loại thuốc “đụng hàng”
Mỗi loại thuốc đều có tác dụng phụ và tác dụng phụ càng tăng lên nếu sử dụng 2 loại thuốc cùng một lúc bởi chúng có thể tương tác với nhau theo nhiều cách. Ví dụ, nếu bệnh nhân sử dụng một loại thuốc có tác dụng phụ làm tăng huyết áp và một loại thuốc khác cũng có tác dụng phụ là tăng huyết áp thì rất nguy hiểm... Nổi tiếng nhất về tương tác thuốc là một loại thuốc chống đông máu wafarin (coumadin), vì vậy khi được kê thuốc này, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ khi muốn dùng thêm thuốc khác.
3. Dùng nhiều loại thuốc có cùng đặc tính
Cái chết của một tài tử trẻ của Úc Heath Ledger là một ví dụ điển hình. Cái chết do cách sử dụng thuốc của Heath Ledger sau này được nhiều chuyên gia y học gọi là “Hội chứng Heath Ledger”. Tài tử Heath Ledger đã sử dụng nhiều loại thuốc có cùng đặc tính để trị cho những chứng bệnh khác nhau. Do dùng chung thuốc giảm đau với thuốc chống lo âu và một loại thuốc ngủ, Heath Ledger đã... ngủ giấc ngàn thu vì sự kết hợp thuốc gây ra nhiều độc tính. Không chỉ riêng những thuốc phải kê toa, các loại thuốc được bán không cần toa cũng có thể gây hại tương tự, chẳng hạn như các loại thuốc kháng histamine, thuốc trị cảm, ho...
4. Dùng thuốc không an toàn so với độ tuổi
Khi lớn tuổi, cơ thể chúng ta xử lý thuốc hoàn toàn khác với khi chúng ta còn trẻ. Người cao tuổi còn bị “dính” thêm nhiều vấn nạn khác như mất trí, xây xẩm, dễ té ngã, huyết áp cao... Vì vậy, những loại thuốc gây ra tác dụng phụ như trên càng làm tần suất rủi ro tăng cao, nhất là những người bước qua tuổi 65. Nhà thuốc nên giúp bệnh nhân uống thuốc thuận lợi bằng cách chia liều thuốc sẵn trong một dụng cụ để uống trong tuần.
5. Uống nhầm liều lượng
Thuốc được kê bằng nhiều đơn vị đo lường khác nhau, các đơn vị thường được viết tắt và chỉ cần nhầm lẫn một dấu chấm thôi thì cũng đủ gây họa, chẳng hạn 1.0 mg và 10 mg. Sự nhầm lẫn thường xảy ra nhất ở đơn vị microgram (mcg) và milligram (mg, 1 mg = 1.000 mcg). Điều này thường xảy ra ở bệnh viện khi bệnh nhân được tiêm tĩnh mạch và cũng thường gặp ở bệnh nhân ngoại trú. Vì vậy, bác sĩ cần viết chữ rõ ràng trên toa thuốc.
6. Uống rượu chung với thuốc
Rất nhiều loại thuốc được khuyến cáo không dùng chung với rượu bia (thường được dán thêm những nhãn phụ trên hộp thuốc, nhãn này thường có màu cam). Đây thực sự là “pha phối hợp nguy hiểm” vì rượu bia sẽ làm gia tăng độc tính các thuốc an thần, thuốc giảm đau và nhiều loại thuốc khác. Theo các chuyên gia về sức khỏe thì bệnh nhân tuyệt đối không được uống rượu bia khi sử dụng bất cứ dược phẩm nào. Đối với những dược phẩm không cần kê toa thì rượu bia cũng chẳng tốt gì hơn.
7. Tuy hai mà một
Mỗi loại thuốc bao giờ cũng có 2 tên: tên chung (hay tên hóa học) và tên biệt dược. Tên biệt dược là tên hãng dược phẩm đặt ra với quyền bảo hộ mậu dịch, còn tên chung là tên của chất làm thuốc. Mỗi hãng dược phẩm lấy tên biệt dược khác nhau nhưng tên chung thì chỉ có một. Ví dụ như một loại thuốc lợi tiểu có tên chung là furosemide nhưng được hãng này lấy tên là Lasix còn hãng khác thì lấy tên là Furix... Thực chất 2 thuốc này chỉ là một với hoạt chất là furosemide. Bệnh nhân có thể dùng 2 thuốc này cùng một lúc mà không biết chúng chỉ là một, nghĩa là bệnh nhân đã dùng gấp đôi liều thuốc.
8. Dùng chung thuốc kê toa với thuốc khác
Một số dược phẩm bán không cần toa có thể gây ra những phản ứng vô cùng nghiêm trọng. Thuốc không cần kê toa nổi tiếng trong việc tương tác với các thuốc kê toa là Maalox chuyên trị những khó chịu ở hệ tiêu hóa có chứa một hoạt chất là bismuth subsalicylate. Chất này có thể gây phản ứng nghiêm trọng cho các thuốc kê toa như thuốc chống đông máu, thuốc dùng cho những bệnh nhân có đường huyết thấp...
Một loại dược thảo nổi tiếng nhất là Saint-John’s-wort được bán khắp nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, loại dược phẩm này xuất hiện khá nhiều dưới dạng “hàng xách tay”. Nếu thấy trong loại thuốc mà bạn sử dụng có ghi thành phần Saint-John’s-wort thì hãy thận trọng. Loại thuốc này có công dụng là trị trầm cảm mà không cần phải kê toa. Nó có thể tương tác một cách nguy hại đối với các loại thuốc kháng trầm cảm cần kê toa; tương tác với các thuốc kháng đông máu (như Warfarin) hoặc những loại thuốc tim mạch (như Digoxin)...
9. Khi thực phẩm “ngáng chân”
Thủ phạm gây hậu quả nghiêm trọng nhất là dịch ép nước bưởi. Các nhà nghiên cứu cho rằng các chất có trong bưởi đã làm mất tác dụng của một loại enzyme có tên là CYP3A4, hiện diện trong các tế bào màng ruột và có khả năng phân giải nhiều loại thuốc. Ví dụ như thuốc dùng để hạ huyết áp có thể sẽ làm hạ huyết áp quá mức; nếu thuốc tăng hấp thu thì sẽ đồng nghĩa với việc tăng những tác dụng phụ có hại hoặc gây ra ngộ độc thuốc, chẳng hạn như khi đang dùng thuốc hạ cholesterol, nếu có hiện diện của nước ép bưởi trong cơ thể thì nồng độ thuốc này trong máu sẽ cao hơn, gây ra sự rối loạn cơ, tổn thương gan...
10. Không để ý bệnh nhân suy gan, thận
Khi gan, thận bị suy sẽ làm hạn chế khả năng giải độc của cơ thể. Do đó khi gan, thận bị suy thì dược phẩm sẽ tích lũy trong cơ thể ở liều lượng cao hơn mức bình thường. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Lỗi lầm thường xảy ra khi bác sĩ không hề biết bệnh nhân bị suy gan hay suy thận nên không giảm liều dùng mà vẫn kê thuốc như kê cho một người bình thường. Có rất nhiều loại thuốc mà bác sĩ không được phép kê toa khi bệnh nhân bị suy gan, thận.