12 sự kiện kinh tế xã hội nổi bật năm 2017

Theo bizlive.vn

VN-Index trở lại vùng 970 điểm, APEC Vietnam 2017 và cuộc “hồi sức” TPP, Bitcoin khuấy đảo năm 2017, Cách mạng 4.0 và “cuộc chiến” Uber, Grab với taxi truyền thống... là những sự kiện kinh tế nổi bật năm 2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tăng trưởng GDP: Từ nỗi lo đến kỳ tích
Nhìn lại năm 2017, một trong những điểm nổi bật, có ý nghĩa đối với nền kinh tế đó là việc tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,81%. Không chỉ là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua của Việt Nam, GDP năm 2017 còn ấn tượng bởi sự bứt phát ngoạn mục.
12 sự kiện kinh tế xã hội nổi bật năm 2017 - Ảnh 1  
Nếu hồi đầu năm 2017, sau khi công bố mức tăng trưởng 5,15% trong quý I, không ít nhận định cho rằng mục tiêu 6,7% là khó khả thi.
Hàng loạt dự báo của các tổ chức quốc tế cũng chỉ dừng ở mức 6,2-6,4%. Với kết quả đạt được ở các quý tiếp đó, nhiều tổ chức đồng loạt đã nâng dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,7%. Song với kết quả 6,81% vừa được Tổng cục Thống kê, không ít người bất ngờ.
Lý giải về mức tăng trưởng ngoạn mục này, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết là do sự cải thiện ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, có sự phục hồi đáng kể của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, bức tranh doanh nghiệp nhiều gam màu sáng, thu hút FDI tăng kỷ lục...
"Đây là con số tin cậy bởi Tổng cục Thống kê còn có các cuộc điều tra liên quan cũng như được kiểm chứng ở nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác", ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế xã hội năm 2017.
Xác lập nhiều con số kỷ lục
2017 là năm xác lập nhiều con số kỷ lục của nền kinh tế như số lượng doanh nghiệp thành lập mới, vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu rau củ quả hay lượng khách quốc tế…
Cụ thể, năm 2017 đánh dấu sự tăng trưởng nhanh về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, khi cả nước có khoảng 126.859 doanh nghiệp ra, vuợt qua kỷ lục năm 2016 đạt được là 110.100 doanh nghiệp.
12 sự kiện kinh tế xã hội nổi bật năm 2017 - Ảnh 2
Tăng 30%, tương đương 13 triệu lượt khách nước ngoài trong năm 2017 - ngành du lịch Việt Nam không chỉ vượt kế hoạch, mà còn có bước nhảy vọt trên trường quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt 500.000 tỷ đồng (23 tỷ USD), đóng góp khoảng 7% vào GDP.
Cũng trong năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới tại Việt Nam tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta là 35,88 tỷ USD (tăng 44,4% so với năm 2016), giải ngân đạt mức kỷ lục 16 tỷ USD.
Xuất khẩu rau quả cũng là một trong những nhân tố xác lập kỷ lục mới. Ước tính đến hết 2017 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu ngành rau củ quả đã vượt lúa gạo và cả dầu khí. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối năm 2017 cũng đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD...
APEC Vietnam 2017 và cuộc “hồi sức” TPP
APEC và trọng tâm là Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra từ ngày 6-11/11/2017 tại Đà Nẵng là sự kiện ngoại giao lớn nhất, nổi bật nhất của Việt Nam năm 2017.
Sự thành công của APEC 2017 được thể hiện ở nỗ lực của Việt Nam từ công tác chuẩn bị cho sự kiện cũng như chuẩn bị các nội dung thảo luận của từng hội nghị. Đây là đánh giá chung của các nền kinh tế thành viên tham dự.
12 sự kiện kinh tế xã hội nổi bật năm 2017 - Ảnh 3  
Báo chí trong nước và quốc tế cũng dành nhiều câu từ để nói về “cuộc hồi sức” TPP căng thẳng trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC.
Theo hãng tin Huffington Post, sau sự cố Thủ tướng Canada Justin Trudeau vắng mặt khiến cuộc họp của các bộ trưởng TPP chiều 10/11 bị hủy vào phút chót, Bộ trưởng thương mại Francois-Philippe Champagne đã triệu tập các phóng viên lúc nửa đêm để xác nhận kết quả đàm phán của cuộc họp được tổ chức sau đó.
Với sự nỗ lực của Nhật Bản, Việt Nam và các thành viên khác, các bộ trưởng đã đạt được đồng thuận vào “phút 89” về TPP-11 với tên mới “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP”. Những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới.
“Lùm xùm” BOT: Câu chuyện chưa có điểm dừng
Chưa năm nào người ta nhắc đến từ “BOT” nhiều như 2017. Những đồng tiền lẻ đã từ lâu ít được sử dụng… bỗng nhiên tái xuất và phổ biến ở nhiều trạm thu phí BOT với vai trò là “công cụ” thể hiện sự phản đối của người dân đối với các chủ đầu tư.
12 sự kiện kinh tế xã hội nổi bật năm 2017 - Ảnh 4Một tài xế trả tiền lẻ mệnh giá 200 đồng tại trạm BOT Cai Lậy.  
Đỉnh điểm là sự kiện BOT Cai Lậy - Tiền Giang. Trước và sau đó, hàng loạt trạm BOT khác cũng bị dân phản ứng ở Bến Thủy - Nghệ An, Đường 5 - Hưng Yên, Ninh An - Khánh Hòa, Biên Hòa - Đồng Nai…
Không phủ nhận BOT là một chủ trương đúng đắn trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, song không thể không làm rõ các vấn đề bất cập, lùm xùm phát sinh từ đây. Từ phản đối các trạm BOT đặt nhầm chỗ móc túi dân, hình thức đầu tư BOT cũng bị kiểm toán xem xét cả loạt về nhiều vấn đề khác. Không ít trạm BOT đặt trên đường cao tốc phải điều chỉnh, như giảm giá vé và thời gian thu phí; có trạm phải xóa bỏ...
Câu chuyện BOT được nhận định tiếp tục sẽ “nóng” trong năm 2018. Người dân đang trông chờ vào hướng xử lý của BOT Cai Lậy sau 2 tháng tạm dừng thu phí theo chỉ đạo của Thủ tướng. Không chỉ đối với BOT Cai Lậy, dư luận cũng hy vọng những bất cập tại các trạm BOT khác cũng sẽ sớm được xử lý…
Bitcoin khuấy đảo năm 2017
Bitcoin được bí mật tạo ra trên Internet từ năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng nó chỉ thực sự bùng nổ trong năm nay. Từ xuất phát điểm chỉ gần 1.000 USD một đồng ngày 1/1, giá tiền kỹ thuật số này có lúc lên tới hơn 20.000 USD. Rất nhiều người đã trở thành triệu phú, thậm chí tỷ phú trong năm nay, nhờ sở hữu Bitcoin.
12 sự kiện kinh tế xã hội nổi bật năm 2017 - Ảnh 5
Bitcoin vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi trên toàn cầu. Nhiều người cho rằng tiền kỹ thuật số này là tương lai của tài chính và tiền tệ thế giới. Trong khi đó, người khác lại gọi đây là “trò lừa đảo” hay “bong bóng của những bong bóng” và khẳng định Bitcoin sẽ không có kết cục tốt đẹp. Cả CEO của JP Morgan Chase - Jamie Dimon và huyền thoại đầu tư Warren Buffett đều tỏ ra hoài nghi về tiền ảo này.
Ở Việt Nam, câu chuyện Đại học FPT tuyên bố sẽ chấp nhận cho sinh viên đóng học phí bằng bitcoin được nhiều quan tâm. Tuy nhiên, đồng tiền ảo này không được pháp luật tại Việt Nam thừa nhận. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: “Bitcoin không phải phương tiện thanh toán hợp pháp”.
2017 được đánh giá là một năm không thể tin nổi của tiền ảo này. Tuy nhiên, khi Bitcoin vốn nổi tiếng là đồng tiền có diễn biến bất ngờ, chẳng ai biết chuyện gì sẽ có thể xảy ra trong năm tới.
Cách mạng 4.0 và “cuộc chiến” Uber, Grab với taxi truyền thống
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghiệp 4.0) với trung tâm là một thế giới siêu kết nối số đang làm thay đổi nhanh chóng và sâu rộng cuộc sống, hành vi của mỗi người dân, tạo điều kiện thuận lợi để tăng năng suất và phát sinh ra những mô hình, cách thức kinh doanh mới và những người có thu nhập thấp cũng có thể tận dụng và thụ hưởng trực tiếp thành quả.
Cũng chưa năm nào như năm 2017, người ta lại nhắc đến cụm từ cách mạng 4.0 nhiều đến như vậy. Nhắc đến cuộc cách mạng 4.0, người ta cũng nhắc đến những hiện tượng kinh tế - xã hội mới xuất hiện như Uber, Grab…
12 sự kiện kinh tế xã hội nổi bật năm 2017 - Ảnh 6
 
Uber, Grab hay những mô hình tương tự là phương thức kinh doanh theo công nghệ mới, sử dụng hợp đồng điện tử. Loại hình dịch vụ vận tải này là một ứng dụng đặc trưng của thời đại công nghệ 4.0, đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng và giảm chi phí cho xã hội. Xe hợp đồng điện tử đã tạo một môi trường cạnh tranh để taxi truyền thống cũng phải hạ giá thành và tăng chất lượng dịch vụ.
Một chuyên gia từng nói, Uber, Grab… hiện nay là phép thử với định hướng phát triển khoa học công nghệ trong thực tiễn đời sống, chính sách hiện nay. Chính phủ có chủ trương thúc đẩy công nghiệp 4.0 nhưng nếu chúng ta từ chối Uber, Grab hay cho phép địa phương thiết lập rào cản với loại hình này vô hình trung sẽ phát đi thông điệp, nói áp dụng khoa học công nghệ nhưng thực tế không làm được.
VN-Index trở lại vùng 970 điểm
Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu chịu các tác động trực tiếp từ khủng hoảng tài chính thế giới từ năm 2008 khi dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt rút ra.
Sau đúng 10 năm, ngày 4/12/2017, chỉ số VN-Index đạt đỉnh cao 970 điểm (tăng gần 46% so với ngày 30/12/2016), chính thức lấy lại toàn bộ điểm số đã mất kể từ cuối năm 2007. Mức vốn hóa thị trường đến cuối năm 2017 đạt gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020.
Ở quy mô vốn hóa này, thị trường chứng khoán Việt Nam đủ tiêu chuẩn định lượng về số doanh nghiệp vốn hóa lớn để sánh vai với các thị trường mới nổi.
Năm 2017 cũng là năm nhà đầu tư nước ngoài có hoạt động giao dịch mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, với việc mua ròng gần 26 nghìn tỷ đồng cổ phiếu. Đây là lượng giao dịch ròng trực tiếp thông qua giao dịch hàng ngày lớn nhất lịch sử, vượt xa cả thời kỳ bùng nổ năm 2007.
Năm của các thương vụ thoái vốn kỷ lục
Năm 2017 ghi dấu những thương vụ thoái vốn nhà nước kỷ lục và thành công. Ngày 18/12, gần hơn 343 triệu cổ phần nhà nước tại Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương với hơn 53% cổ phần đã được hai nhà đầu tư mua toàn bộ, trong đó có Công ty TNHH Vietnam Beverage, đơn vị có 49% cổ phần của ThaiBev của Thái Lan. Việc thoái vốn này đã giúp Nhà nước thu về gần 110.000 tỷ đồng - một trong những thương vụ thoái vốn Nhà nước lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
12 sự kiện kinh tế xã hội nổi bật năm 2017 - Ảnh 7
 Buổi đấu giá cổ phần Sabeco do Bộ Công Thương nắm giữ đã diễn ra khá chóng vánh và thành công, khi Nhà nước thu về gần 110.000 tỷ đồng với 2 lệnh của một tổ chức và một cá nhân.
Trước đó cũng phải kể tới thành công vụ thoái vốn 3,33% vốn CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) của SCIC tại mức giá 186.000 đồng/cp qua đó thu về cho Nhà nước 8.990 tỷ đồng.
Hai phiên đấu giá thành công nêu trên đã chuyển đi một thông điệp: nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong chờ những phiên thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn trong 2018. Những cái tên sắp tới sẽ là MobiFone, PV Oil, PV Power, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn…
Phát biểu tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói. “Vì sao thương vụ bán cổ phần Sabeco thành công lớn như thế? Nhà đầu tư họ thấy niềm tin thị trường, niềm tin xã hội vào Chính phủ, vào kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Doanh nghiệp mà có niềm tin thì sẽ phát triển”.
“Cuộc đua” giảm giá ô tô 2017
Từ 1/1/2017, thuế suất thuế nhập khẩu với ôtô theo cam kết WTO giảm. Các mẫu xe 2 cầu, xe SUV, xe có dung tích xi lanh trên 3.0L, có loại được giảm thuế suất từ 70% xuống còn 58%, từ 51% xuống còn 48% và từ 61% xuống còn 58%. Đồng thời, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam cũng giảm từ 40% xuống còn 30%.
Và gần như suốt cả năm 2017, người ta chứng kiến các cuộc đua giảm giá của các doanh nghiệp ô tô với hàng loạt chương trình khuyến mãi ưu đãi. Đây là điều chưa từng xảy ra trên thị trường ô tô Việt Nam từ trước tới nay và khiến người tiêu dùng vô cùng thích thú. Thậm chí, ngay cả những mẫu xe bán chạy nhất thị trường cũng nằm trong danh sách điều chỉnh giá như Vios, Innova, CR-V, Hyundai Grand i10, Kia Morning, Mazda 3, Mazda CX-5…
Tuy nhiên, “cuộc đua” giảm giá này không mang lại những con số tăng trưởng vượt bậc. Ttheo số liệu thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 11/2017, doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 10%, so với cùng kỳ năm 2016, trong đó xe ô tô du lịch giảm 12%, xe thương mại giảm 5% và xe chuyên dụng giảm 15%.
Cũng phải kể tới một nguyên nhân rất quan trọng khiến doanh số ô tô sụt giảm đó là tâm lý người tiêu dùng chờ đợi mua xe rẻ khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào Việt Nam về 0% từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, giá xe năm 2018 có giảm nữa hay không vẫn là ẩn số vì phụ thuộc vào chính sách với ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ.
Xét xử hàng loạt "đại án" kinh tế
Hàng loạt các vụ án lớn về kinh tế đã được đưa ra xét xử trong năm 2017. Nổi cộm lên là những vụ án kinh tế lớn, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng như vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỷ tại Ngân hàng Xây dựng; vụ án Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) cùng 50 bị cáo khác là đồng phạm vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
12 sự kiện kinh tế xã hội nổi bật năm 2017 - Ảnh 8Bị cáo Hà Văn Thắm trước vàng móng ngựa.   
Hay phải kể tới các vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn; vụ án cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Cuộc chiến giành lại vỉa hè
Trong năm 2017, việc Phó Chủ tịch UBND Q.1 TP. Hồ Chí Minh Đoàn Ngọc Hải kiên quyết giành lại vỉa hè cho người đi bộ đã gây sự quan tâm sâu sắc của dư luận xã hội, tốn nhiều giấy mực của báo chí. 
12 sự kiện kinh tế xã hội nổi bật năm 2017 - Ảnh 9
 Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND Q.1 TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là người rất nhiệt huyết trong cuộc chiến giành lại vỉa hè.
Sự quyết liệt trong công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường của quận 1, TP. Hồ Chí Minh đã tạo sức lan tỏa lớn đến các quận khác ở trung tâm thành phố này, đồng thời, "cuộc chiến" này cũng đang lan rộng ra Hà Nội. 
Tuy nhiên, đây là một việc làm vô cùng khó khăn, không phải chỉ có dân thường vi phạm mà cả nhân viên chính phủ, cơ quan chính quyền hoặc vi phạm được công an bao che. Tại Hà Nội các chiến dịch như vậy đã được thực hiện trong nhiều năm trước, nhưng lấn chiếm lại tiếp tục xảy ra sau đó.
Thực tế, sau khi lãnh đạo các địa bàn dừng xuống đường, vỉa hè nhiều nơi bị tái chiếm, hàng rong bày bán tiếp tục bày bán tấp nận. "Cuộc chiến" giành lại vỉa hè cho người đi bộ đến nay chưa có hồi kết.