2 kịch bản dự báo kinh tế Việt Nam 2022: Tăng trưởng có thể đạt 6,9%
Nhóm nghiên cứu của CIEM đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2022. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo Kịch bản 1, và 6,9% trong Kịch bản 2.
Ngày 15/7, với sự hỗ trợ của Chương trình Ôxtrâylia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững”.
6 tháng đầu năm 2022: Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM , 6 tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến một loạt các động thái quan trọng của các nền kinh tế chủ chốt, mở đường cho một loạt xu thế mới có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến kinh tế thế giới.
Xung đột Nga-Ucraina kéo dài ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều hàng hóa cơ bản, đồng thời kéo theo xu hướng liên minh đối đầu-trả đũa giữa các siêu cường. Mỹ đã bắt đầu giai đoạn “bình thường hóa” lãi suất nhằm ứng phó với lạm phát cao. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã đi vào thực hiện, qua đó gắn kết các nền kinh tế Đông Á với đà phục hồi xuất khẩu trên diện rộng ở khu vực.
Những yếu tố trên đều có những hàm ý đối với duy trì ổn định kinh tế-ổn định xã hội và cải cách, trong khi vẫn phải thúc đẩy phục hồi kinh tế, vượt qua hiện trạng khó khăn kéo dài trong những năm trước – liên quan đến các biến thể virus corona mới, đối đầu chiến lược Mỹ-Trung Quốc, chuyển đổi số, phục hồi xanh, và yêu cầu cải tổ các thể chế đa phương.
Từ đầu năm 2022, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Cùng với việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, tỷ lệ bao phủ vắc xin được cải thiện và số ca nhiễm liên tục giảm, các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh đã dần được dỡ bỏ. Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, và nhấn mạnh ưu tiên cho ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục đề ra và tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Hỗ trợ người lao động và các nhóm yếu thế trong xã hội cũng là một ưu tiên quan trọng nhằm giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho quá trình thích ứng với bối cảnh làm việc mới.
"Các số liệu thống kê đã cho thấy đà phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022 và 7,72% trong quý II/2022, đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với khu vực châu Á. Đà phục hồi tăng trưởng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực, đặc biệt là dịch vụ", bà Minh nhận định.
Trong lĩnh vực lao động, việc làm, nhờ các giải pháp, chính sách kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, và hỗ trợ người lao động, tình hình lao động-việc làm đã sớm có những chuyển biến tích cực. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2022 đạt 51,6 triệu người, tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Theo Chỉ số phục hồi của Nikkei, Việt Nam đã liên tục cải thiện xếp hạng và mới đây nhất là được đánh giá ở vị trí thứ hai. Đánh giá này tích cực và thực chất.
“Có được những thành quả ấy một phần quan trọng chính là nhờ cách tiếp cận bài bản nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời duy trì đà cải cách, tạo không gian cho hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và người dân. Sâu xa hơn, đó là nhờ tư duy hướng tới bảo đảm hài hòa ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội, trên nền tảng cải cách thể chế kinh tế liền mạch, và sâu rộng”, bà Minh nói.
2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2022
Theo nhóm nghiên cứu của CIEM, triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 có thể chịu ảnh hưởng của 5 yếu tố gồm: (1) Khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể COVID-19 và các dịch bệnh mới; (2) Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; (3) Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng quan trọng, để giúp ổn định tâm lý thị trường và “neo” kỳ vọng lạm phát; (4) Khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại-công nghệ giữa Các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD...; (5) Khả năng tạo thêm cơ hội và kỹ năng cho lao động nữ, qua đó giúp tận dụng tiềm năng từ nhóm lao động này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Tại Hội thảo, Nhóm nghiên cứu của CIEM đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2022.
Trong Kịch bản 1, tình hình dịch bệnh ở thế giới và Việt Nam nhìn chung được kiểm soát, các nước duy trì xu hướng tạo thuận lợi cho đi lại của người dân. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2022. Mức giá của Mỹ tăng tới 7,682%. Giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 17,7%. Giá dầu thô thế giới tăng 42,0%. Về phía Việt Nam, tỷ giá VND/USD của NHTM tăng 2,5%. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 8,5%. Tín dụng tăng 14,0%. Giá nhập khẩu hàng hóa tăng 8,5%. Dân số tăng 1,07%, và số lao động có việc làm tăng 6,1% so với năm 2021. Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết tăng 10,7% so với năm 2021. Tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 1,5%. Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) đều giảm 5%. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 8,9%. Giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN ở mức 460,8 nghìn tỷ đồng.
Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong Kịch bản 1, chỉ điều chỉnh: (i) GDP của thế giới tăng 3,6%; (ii) tổng phương tiện thanh toán tăng 10,5%; (iii) tín dụng tăng 15%; (iv) giá nhập khẩu hàng hóa tăng 5%; (v) tỷ giá VNĐ/USD của NHTM tăng 2,0%; (vi) tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 0,8%; (vii) giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN ở mức 542,16 nghìn tỷ đồng; và (viii) đẩy mạnh tạo thuận lợi hóa cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…).
Bảng: Kết quả cập nhật dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022
Đơn vị: %
Chỉ tiêu |
Kịch bản 1 |
Kịch bản 2 |
Tăng trưởng GDP |
6,7 |
6,9 |
Lạm phát bình quân |
4,0 |
3,7 |
Tăng trưởng xuất khẩu |
15,8 |
16,3 |
Cán cân thương mại (tỷ USD) |
1,2 |
2,7 |
Nguồn: Dự báo cập nhật từ mô hình kinh tế lượng vĩ mô sử dụng số liệu năm, CIEM
Kết quả dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo Kịch bản 1 và 6,9% trong Kịch bản 2 (Bảng). Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 15,8% trong Kịch bản 1 và tăng 16,3% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,2 tỷ USD và 2,5 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2022 dự báo lần lượt ở mức 4,0% và 3,7%.
Phải đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế
Về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2022, bà Minh cho biết, ngay trong báo cáo nghiên cứu về “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam” do Chương trình Aus4Reform tài trợ và công bố vào tháng 4/2021, CIEM đã kiến nghị, phải đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế, để giảm bớt áp lực đối với lạm phát và tạo không gian mới cho doanh nghiệp phát triển.
“Những kiến nghị này đã được tiếp thu khi xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với một nhóm giải pháp riêng về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh”, bà Minh nêu rõ.
Người đứng đầu CIEM cũng khẳng định một thông điệp đã “thấm thía” rất nhiều trong hơn 10 năm qua. Đó là nội dung ổn định kinh tế vĩ mô khó có thể tách rời với cải cách thể chế kinh tế.
“Chúng ta đã bàn nhiều về lạm phát trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, bài học trong ứng xử với lạm phát và hệ lụy của khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009 đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị: chỉ thực hiện các biện pháp điều hành tổng cầu – tức là nới lỏng hay thắt chặt tài khóa-tiền tệ - thì khó có thể phát huy bền vững đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế”, bà Minh khẳng định.
Sau hơn hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, kinh tế thế giới vẫn gặp một loạt khó khăn, bất định ảnh hưởng đến đà phục hồi. Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã trở nên kém tích cực hơn do những khó khăn từ giai đoạn bùng dịch và một loạt vấn đề mới phát sinh. Xung đột Nga-Ucraina và các biện pháp theo hướng cấm vận-trả đũa của nhiều nền kinh tế, cùng với tác động của gia tăng xu hướng liên minh-đối đầu, đã có những ảnh hưởng sâu rộng, kéo dài ở bình diện toàn cầu đối với giá cả hàng hóa cơ bản, chuỗi cung ứng, an ninh lương thực và an ninh năng lượng…
Dù có nhiều khó khăn, bối cảnh ấy lại càng buộc các nước nhìn nhận nghiêm túc hơn yêu cầu hợp tác để xử lý những vấn đề chung. Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây đã thông qua một gói thỏa thuận.
“Dù có không ít ý kiến cho rằng, các kết quả này còn khiêm tốn so với yêu cầu đề ra, song đây có thể là nền tảng để hi vọng WTO sẽ đạt được nhiều chuyển biến trong thời gian tới, đặc biệt là trong xử lý các vấn đề mới, cải tổ WTO”, bà Minh cho biết.
Ở khu vực, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã đi vào thực hiện từ đầu năm, có sự tham gia của cả Australia và Việt Nam.
Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý tác động, phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới, trong khi áp lực lạm phát trong nước đã trở nên hiện hữu hơn. Dù vậy, bối cảnh 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ đặt Việt Nam trước những yêu cầu cải cách và điều hành mới.
“Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững” nhấn mạnh lại thông điệp cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và phục hồi xanh, gắn với củng cố ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam”, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Hồng Minh cho biết.
Trong bối cảnh này, theo bà Minh, việc duy trì “công thức” từ những năm trước đó - duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ theo hướng thị trường hiện đại - càng có ý nghĩa quan trọng.