20% lượng kiều hối mua vàng để tích trữ

PV.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia “Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam” do Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức ngày 29/9 tại Hà Nội.

8 tháng năm 2016, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP. Hồ Chí Minh qua các kênh chính thức ước đạt 2,85 tỷ USD. Nguồn: internet
8 tháng năm 2016, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP. Hồ Chí Minh qua các kênh chính thức ước đạt 2,85 tỷ USD. Nguồn: internet

Theo thống kê trong giai đoạn 3-5 năm gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và một số chuyên gia kinh tế, có tới 30% lượng kiều hối được gửi vào ngân hàng để lấy lãi, 20% đã mua vàng để tích trữ.

Đồng thời, hơn 16% đổ vào bất động sản, 30% được đầu tư cơ sản xuất kinh doanh và dịch vụ, 5-7% dành cho tiêu dùng. Trong khi, lượng đầu tư gián tiếp như đầu tư vào thị trường chứng khoán còn quá nhỏ.

Theo thống kê, trong giai đoạn 1991-2014, lượng kiều hối lũy kế về Việt Nam đạt khoảng 92 tỷ USD, cộng thêm với khoảng 10 tỷ USD vốn Việt kiều đầu tư về nước thông qua FDI. Tổng lượng kiều hối này gần tương đương nếu so với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thuần cùng kỳ vào Việt Nam.

Thống kê mới đây cũng cho thấy, 8 tháng năm 2016, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP. Hồ Chí Minh qua các kênh chính thức ước đạt 2,85 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo PGS.,TS. Phạm Văn Hùng - Trưởng Khoa Đầu tư (Đại học Kinh tế Quốc dân), hiện nay, hơn 80% lượng kiều hối về nước là từ Việt kiều, chỉ khoảng 7% đến từ lao động xuất khẩu.