2023 mở đầu 10 năm đột phá trong hạ tầng giao thông ở TP. Hồ Chí Minh


Theo Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, năm 2023 và năm tiếp theo, Thành phố sẽ khởi công hàng loạt dự án giao thông. Những công trình này khi đi vào hoạt động cũng sẽ đáp ứng sự chờ đợi của người dân suốt thời gian qua.

Nhiều công trình giao thông hiện đại ở TP Hồ Chí Minh được đưa vào sử dụng.
Nhiều công trình giao thông hiện đại ở TP Hồ Chí Minh được đưa vào sử dụng.

Khởi công nhiều dự án quan trọng

Năm 2023 được đánh giá là năm đặc biệt vì mở đầu 10 năm đột phá trong hạ tầng giao thông ở TP. Hồ Chí Minh và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là năm bắt đầu triển khai hàng loạt dự án lớn mang tính liên vùng, cũng như gỡ các bài toán ùn tắc khu vực cửa ngõ như các dự án kết nối Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và khu vực Cảng Cát Lái.

TP. Hồ Chí Minh sẽ khởi công nhiều hạng mục giao thông kết nối với các địa phương trong khu vực, đó là việc khởi công dự án mở rộng Quốc lộ 50 tăng cường kết nối với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây, khắc phục tình trạng kẹt xe liên tục trong những năm qua giữa TP. Hồ Chí Minh đi về phía Tây - Tây Nam. Dự án này cũng tăng cường kết nối khu vực cửa ngõ phía nam TP. Hồ Chí Minh với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Theo đó, đoạn còn lại của Vành đai 2 và Vành đai 3 sẽ khởi công vào tháng 6/2023, Metro số 1 sẽ vận hành chính thức cuối năm. Trước đó, TP. Hồ Chí Minh khởi công ba công trình lớn là dự án nút giao An Phú (TP. Thủ Đức), đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) và mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).

Thành phố, cũng sẽ đẩy nhanh triển khai các tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài; TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Bến Lức - Long Thành; kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; rạch Xuyên Tâm.v.v…

Bí Thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài là tuyến đường đặc biệt quan trọng góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TP. Hồ Chí Minh với Campuchia. Liên quan đến dự án này, Chính phủ đã lập hội đồng thẩm định liên ngành với dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài sau khi Thành phố trình chủ trương. Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, năm 2023 Thành phố cố gắng hoàn tất lập dự án, lựa chọn nhà đầu tư, và khởi công công trình vào 2024, hoàn thành cùng với Vành đai 3. Được biết cao tốc này là điểm đầu của Vành đai 3 và kết nối với Vành đai 4 nên có ý nghĩa chiến lược về kết nối vùng.

Đối với đoạn Vành đai 2 còn lại, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho hay, đã cơ bản chuẩn bị xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với tổng mức đầu tư đoạn 1 và đoạn 2 khoảng 17.000 tỷ đồng. Nếu thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2023, công trình có thể hoàn thành vào 2026.  Đối với dự án Vành đai 3 hiện đã phê duyệt dự án đầu tư, tách biệt dự án xây lắp với giải phóng mặt bằng. Dự kiến khởi công vào tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành vào 2026.

Ngoài ra, Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng đã giao cho Sở Giao thông vận tải lập chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6 năm 2023 cùng với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, và Long An. Dự kiến, tuyến đường được hoàn thành vào năm 2027.

Cũng theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, năm 2024, Thành phố cũng dự kiến khởi công tuyến Metro số 2 và hoàn thành sau 4 năm. Các công trình như cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ đang được chuẩn bị để thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cùng với các dự án trọng điểm quốc gia, Thành phố cũng triển khai nhiều công trình trọng điểm cấp thành phố để giải quyết ùn tắc giao thông.

Chú trọng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

Để các dự án triển khai đúng tiến độ, TP. Hồ Chí Minh đã chú trọng đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, theo đó lĩnh vực này được Thành phố đặc biệt quan tâm cũng như các địa phương quyết tâm vào cuộc. Chính vì thế đến nay Thành phố đã sẵn sàng nhận mặt bằng được khoảng 10 dự án để tiếp tục thi công, vốn là các dự án đã chờ đợi rất lâu trước đây, như cầu Vàm Sát 2, cầu Long Kiểng, cầu Hang Ngoài và dự kiến trong quý 1/2023 có khoảng 15 dự án, như cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, cầu Ông Bồn, cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa... sẽ được bàn giao để các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai.

Nhờ việc đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng, hàng loạt dự án được khởi công vào cuối năm 2022 như mở rộng đường Trần Quốc Hoàn, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50… Năm 2023 được dự báo sẽ chứng kiến hàng loạt công trình được khởi động trở lại, tạo nên một giai đoạn phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông ở TP. Hồ Chí Minh.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh tranh thủ nguồn vốn Trung ương, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã giao các sở, ngành nghiên cứu khai thác nguồn lực từ đất đai, mời gọi nguồn lực đầu tư từ xã hội nhằm có đủ vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông Thành phố thời gian tới.

Thành phố xác định sẽ chủ động chuẩn bị các thủ tục, điều kiện cần thiết để dự án đủ điều kiện bố trí vốn, không để xảy ra tình trạng “vốn chờ thủ tục”. Thành phố cũng thực hiện tốt khâu chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư các dự án khởi công mới; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết.

Theo đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ rà soát toàn bộ danh mục các công trình, dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn dự án bố trí nhiều vốn nhưng không giải ngân hết, không có khả năng tiếp tục triển khai.

Thành phố cũng rà soát, bổ sung các công trình trọng điểm, cấp bách có đủ điều kiện triển khai, đảm bảo tính khả thi ngay trong năm 2023 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới như dự án đoạn 1 và đoạn 2 đường Vành đai 2, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, cao tốc Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh...

Được biết, TP. Hồ Chí Minh đã được Trung ương giao chủ trì 10 dự án hạ tầng để thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển Đông Nam Bộ, cụ thể như vành đai 3, 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường ven biển, đường sắt đô thị, đường thuỷ, phát triển cảng logistics... Trong quý 1/2023, Thành phố phải cơ bản hoàn thiện các đề án thuộc nhóm nhiệm vụ này để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, từ đó triển khai./..