30% kiều hối vào sản xuất

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Lượng kiều hối "chảy" về Việt Nam ngày càng tăng, trong số hơn 12 tỷ USD kiều hối, có tới 27-30% được chuyển vào sản xuất kinh doanh. Năm nay, kiều hối chuyển về được người dân bán lại cho ngân hàng đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việt Nam được xếp vào tốp 10 nước thu hút kiều hối hàng đầu thế giới và chỉ đứng thứ hai khu vực Đông Á, sau Philippines. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trước đây, lượng kiều hối chủ yếu được chảy vào bất động sản, chứng khoán hay chi tiêu thì nay, giá trị kiều hối được đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản chỉ còn 16% – 17%, khoảng 11% gửi ngân hàng, 20% đầu tư kinh doanh vàng, phần còn lại là tiêu dùng cá nhân.

8,6 tỷ USD đầu tư vào dự án

Hiện nay, tổng lượng kiều hối chuyển về nước chiếm từ 6%-7% GDP, gần bằng mức thực hiện của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và cao gấp hơn hai lần so với mức giải ngân vốn phát triển không hoàn lại (ODA).

Thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2015, cả nước đã có 52 tỉnh, thành có dự án đầu tư từ kiều hối với số lượng 2.000 dự án, quy mô vốn 8,6 tỷ USD. Đánh giá nguồn kiều hối, PGS.,TS. Phạm Văn Hùng, Trưởng Khoa Đầu tư, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phân tích trong tổng số kiều hối nói trên, 80% là đóng góp của hơn 4,5 triệu kiều bào trên toàn thế giới, chỉ có 7% do người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về gia đình.

“Tỉ lệ kiều hối chuyển về từ xuất khẩu lao động là không cao vì Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 100.000 người đi xuất khẩu lao động nhưng chưa tận dụng được lợi thế. Ngoài ra, nhóm phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài có số kiều hối gửi về không đáng kể”, ông Hùng cho hay.

Xét về cơ cấu, kiều hối từ Mỹ chiếm tới 7 tỷ USD, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đón dòng kiều hối cao nhất, khoảng 45%-55% tổng kiều hối của cả nước. Tuy nhiên, trước đó, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm, áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm niêm yết hàng ngày, siết lại đối tượng cho vay ngoại tệ đã khiến nhiều người cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam để gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ. Song, thực tế đã không như vậy.

Tính đến hết tháng 7/2016, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh cho biết, những tháng cuối năm mới là dịp cao điểm chuyển kiều hối về nước nên dự báo lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn trong cả năm 2016 ước tính lên tới 5,7 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với năm ngoái.

Tăng nhưng chưa hiệu quả

Tuy vậy, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là nước nhận kiều hối lớn nhưng sử dụng chưa hiệu quả vì hơn 50% kiều hối chuyển về được chi vào tiêu dùng, một phần để trả nợ ngân hàng, gửi tiết kiệm trong khi phần dành cho đầu tư sản xuất – kinh doanh không nhiều.

Thực tế, lượng kiều hối được đầu tư vào sản xuất kinh doanh có sự trồi sụt lớn trong các giai đoạn khác nhau. Số liệu nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, từ 2010 đến 2013 chiếm 27%-30%, năm 2014 chỉ còn 16% và đến năm 2015 tăng vọt lên 70,6%.

Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng do môi trường đầu tư của Việt Nam, chính sách thu hút dòng vốn chưa ổn định, không tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư.

TS. Nguyễn Thị Ái Liên, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phân tích: “Nếu môi trường đầu tư tốt, nhiều cơ hội kinh doanh thì người Việt Nam định cư và lao động ở nước ngoài sẽ gửi kiều hối về để đồng tiền của họ sinh lời. Nếu môi trường đầu tư không thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh thì kiều hối chủ yếu phục vụ mục đích tiêu dùng và hỗ trợ thành viên trong gia đình”.

Trong khi đó, ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng CIEM, gọi đây là “dấu hiệu cần phải để tâm trong xây dựng chính sách thu hút dòng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”.

Theo ông Chung, ở những thời điểm khác nhau, thị trường suy giảm độ hấp dẫn, các chính sách mới chưa đủ hấp dẫn, có nhiều thay đổi tích cực nhưng chưa thực hiện đủ mạnh, chưa đầy đủ thông tin để nhà đầu tư sẵn sàng. “Bởi vậy mà con số hơn 12 tỷ USD dù rất lớn, song lại chưa thể tính ngay vào các nguồn vốn đầu tư”, ông Chung nói.

Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU sắp có hiệu lực, nhiều Việt kiều ở nước ngoài muốn nắm bắt cơ hội, đầu tư về Việt Nam nhưng lại không có nhiều thông tin về môi trường đầu tư. Vì vậy, dòng vốn ở khu vực này vẫn đang có “điểm nghẽn”.

GS.,TSKH. Nguyễn Mại cho rằng: “Nhà nước cần tạo ra một bước đột phá về chính sách đối với Việt kiều theo hướng bình đẳng thực sự. Cần lập ra kênh thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước để cập nhật thông tin cho Việt kiều về tình hình đất nước, chính sách và luật pháp mới, cơ hội kinh doanh để họ có thêm sự lựa chọn khi quyết định gửi tiền về nước theo kiều hối hoặc đầu tư”.