30 năm đổi mới: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục và ổn định
(Tài chính) Sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam là số ít trong các nước chuyển đổi thành công trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục và ổn định. Nhìn lại chặng đường dài phát triển để có thêm động lực lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
GDP tăng đều qua các năm
Nước ta đã chuyển đổi thành công từ thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đường lối đổi mới của Đảng đã được thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN hình thành và phát triển.
Chế độ sở hữu và cơ cấu các thành phần kinh tế được đổi mới cơ bản từ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể là chủ yếu sang nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phân kinh tế đan xen hỗn hợp, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho khai thác tiềm năng trong và ngoài nước vào phát triển kinh tế- xã hội. Phân phối tính đến hiệu quả.
Các loại thị trường cơ bản đã ra đời và từng bước phát triển thống nhất trong cả nước, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước đã đi vào cuộc sống, doanh nghiệp và doanh nhân được tự chủ kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh để phát triển.
Minh chứng cho các thành quả đạt được một cách rõ nét nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 1986-1990, giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới, khủng hoảng kéo dài nhưng đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. GDP tăng 4,4%/năm. Giai đoạn 1991-1995 GDP bình quân tăng 8,2%/năm. Giai đoạn 1996-2000 mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực, thiên tai nghiêm trọng xảy ra liên tiếp nhưng chúng ta vẫn duy trì được tốc độ tăng GDP đạt 7%. Bình quân từ năm 1991-2000 GDP tăng 7,6%/năm.
Giai đoạn từ 2001-2010 GDP tăng bình quân 7,26%. Giai đoạn 2011-2015 dự kiến đạt khoảng 6%/năm. Tính chung cho cả giai đoạn GDP tăng bình quân gần 7%, trong đó có tới 20 năm liên tục GDP tăng bình quân 7,43%. Thành tích này nếu so sánh thấp hơn Hàn Quốc, Singapore, nhưng cao hơn hầu hết các nước khu vực ASEAN còn lại.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, ổn định còn được minh chứng ở tiềm lực và quy mô nền kinh tế ngày một lớn mạnh. Theo số liệu công bố tại Diễn đàn Quan hệ đôi tác phát triển Việt Nam năm 2013 GDP Việt Nam đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đã tăng hơn 20%, đạt khoảng 1.960 USD so với mức 1.600 USD năm 2012 và nhiều khả năng hoàn thành sớm mục tiêu đạt 2.000 USD vào năm 2015 mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra.
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2012, GDP tính theo PPP Việt Nam đạt 322 tỷ USD, so với khu vực thế giới, Việt Nam đứng thứ 42.
Ưu tiên đột phá là hoàn thiện thể chế
Trong những năm qua, trên thực tế, chúng ta đã có bước tiến dài về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Diện mạo mới của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của nước ta vững mạnh thêm nhiều. Những thành tựu, kinh nghiệm của 30 năm đổi mới đã tạo cho đất nước thế và lực mới.
Đây cũng là một đột phá chiến lược đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết phải tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời phải có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội.
Tuy nhiên, chúng ta không bằng lòng với những thành tựu đạt được, bởi chưa xứng với tiềm năng, kinh tế phát triển chưa bền vững. Tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Trong khi đó, nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ...
Tư tưởng kinh tế cốt lõi trong các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI là tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Tiền đề để thực hiện thành công nhiệm vụ này là triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược, trong đó, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường vừa là một đột phá then chốt, có tác động trực tiếp đến quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Do đó, việc xác định rõ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường được cho là chìa khóa để thành công.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô nhanh và bền vững, Chính phủ đã có những định hướng ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành. Mục tiêu trước mắt trong 2 năm 2014-2015, Chính phủ ưu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 6,0%/năm. Trên cơ sở đó, tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, bảo đảm phục hồi và nâng cao chất lượng tăng trưởng và đảm bảo tăng trưởng ở mức hợp lý.
Thực hiện chính sách tiền tệ đảm bảo cung ứng vốn một cách có hiệu quả cho nền kinh tế, đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục phát triển đồng bộ và lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, giảm dần nợ xấu thông qua việc tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Triển khai có hiệu quả hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Bổ sung giải pháp mới để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường nhằm tập trung đầu tư cho các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi và bệnh viện. Sử dụng một phần thích đáng chi đầu tư công để tham gia các dự án PPP, vốn đối ứng ODA và kinh phí giải phóng mặt bằng…