4 giải pháp về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

PV.

TS. Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng:“Mặc dù ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn.Mức tăng trưởng tín dụng tăng dần qua các năm nhưng vẫn thấp hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế”…

TS. Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ tại hội thảo  “Chạm tay vào tài sản vô hình” .
TS. Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ tại hội thảo “Chạm tay vào tài sản vô hình” .

Tại hội thảo “Chạm tay vào tài sản vô hình” do Hiệp hội DNNVV thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, TS. Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã chỉ ra một số tồn tại,hạn chế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV Việt Nam trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có vấn đề về vốn.

TS. Trần Thị Hồng Hạnh cho biết, DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, chiến lược kinh doanh chưa rõ ràng, bị động về thị trường tiêu thụ, tính minh bạch về tài chính chưa cao, năng lực quản trị điều hành còn hạn chế….. Mặc dù ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ vốn đối với DNNVV, tăng trưởng dư nợ cho vay khối DNNVV năm sau luôn cao hơn năm trước (từ mức 830.744tỷ đồng của năm 2011 tăng 4% lên mức 938.516tỷ đồngcủa năm 2012; năm 2014 tăng 7,83% so với năm 2013 và đạt mức 1.052.264 tỷ đồng; năm 2015tăng 12,12% so với năm 2014…), nhưng mức cho vay vẫn còn khiêm tốn. Tính đến 31/3/2016, dư nợ tín dụng cho DNNVV 1.070.810 tỷ đồng tăng 1,76% so với 31/12/2015, nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng cho lĩnh vựccông nghệ cao là 30.419 tỷ đồng tăng 7,81%;xuất khẩu: 188.819 tỷ đồng….

“Sự kiện Việt Nam tham gia Hiệp định TPP, AEC và hàng loạt Hiệp định tự do thương mại đa phương, song phương đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong SXKD và tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, rào cản lớn về vốn đang là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình phát triển…”, TS. Trần Thị Hồng Hạnh nêu rõ.

Theo TS. Trần Thị Hồng Hạnh, có 4giải pháp về vốn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế:

Thứ nhất, huy động vốn từ nội lực của các DNNVV thông qua việc phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, tăng NSLĐ để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Đây được coi là hình thức huy động vốn theo chiều sâu đối với các doanh nghiệp.

Thứ hai, phát triển Thị trường vốn thông qua việc nghiên cứu triển khai các giải pháp để khuyến khích, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN, phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết để tăng khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp.

Thứ ba, khuyến khích các TCTD thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng cung ứng cho DNNVV thông qua phát triển ngân hàng bán lẻ, áp dụng công nghệ trong quản trị cho vay để tối ưu hóa các chi phí và chuẩn hóa các hoạt động cho vay, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho DNNVV, phát triển thẻ thanh toán, mở rộng tài trợ vốn có bảo đảm bằng động sản, tài sản trí tuệ, bao thanh toán…

Thứ tư, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN về hỗ trợ DNNVV phát triển.

Phần trình bày tham luận của TS. Trần Thị Hồng Hạnh đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các đại biểu tham dự. Tại hội thảo, nhiều câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến việc vay vốn, trong đó có vấn đề vay vốn bằng tài sản sở hữu trí tuệ đã được TS. Trần Thị Hồng Hạnh giải đáp trực tiếp.

Hội thảo “Chạm vào tài sản vô hình” với chủ đề “Nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ và kêu gọi vốn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia thị trường AEC và TPP” thu hút sự tham gia của khoảng 300 DNNVV tp.HCM. Hội thảo cũng nghe các tham luận và phần giải đáp câu hỏi với sự tham gia của nhiều diễn giả đến từ các đơn vị uy tín như Hiệp Hội Doanh nghiệp Tp. HCM, Microsoft, CleverAds, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)…