4 lý do khiến Fed không thể nâng lãi suất trong năm 2015
(Taichinh) - Tất cả các yếu tố lạm phát, tiền lương, tốc độ lưu thông tiền tệ và giá hàng hóa đều cho thấy Fed sẽ chưa thể nâng lãi suất trong năm nay.
Vấn đề nâng lãi suất của Fed luôn là tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu vì nó ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.
Tuy nhiên, suốt nhiều tháng qua, sau khi Fed chưa có bất động thái nào, các nhà phân tích lẫn giới đầu tư cũng có lý khi tin rằng Fed sẽ không thể nâng lãi suất trong năm nay, và đây là 4 lý do chính khiến họ càng vững tin vào điều đó:
Lạm phát
Nhìn chung, lãi suất là một chức năng của tăng trưởng kinh tế và cũng là áp lực gây ra lạm phát. Lãi suất cho các cá nhân và doanh nghiệp vay được dựa trên nhu cầu tín dụng, vốn được thúc đẩy bởi sức mạnh của nền kinh tế.
Có một số điều quan trọng cần lưu ý trong biểu đồ bên dưới. Đầu tiên có thể nhận thấy hầu như không có sự tương quan cao giữa những lần tăng lãi suất của Fed và lợi suất trái phiếu 10 năm do Kho bạc Mỹ phát hành. Mặc dù nhiều nhà đầu tư trái phiếu đang cho rằng lãi suất dài hạn đang đứng trước một đợt tăng mạnh mẽ và mang tính dài hạn, có đủ bằng chứng cho thấy rằng chúng sẽ giảm khi Fed tăng lãi suất.
Thứ hai, xét theo các dữ liệu lịch sử, xu hướng đi xuống trong các áp lực gây lạm phát đồng nhất với những đợt giảm lãi suất của Fed. Thông thường Fed hạ chi phí vay nhằm tạo ra lạm phát, nhưng không có điều ngược lại. Với mức lạm phát, lãi suất và tăng trưởng kinh tế hiện tại đều rất thấp như hiện nay, có ít tiền lệ lịch sử cho thấy rằng Fed sẽ nâng lãi suất trong một môi trường “ốm yếu” như thế.
Lương
Theo Jeffrey Gundlach, CEO của công ty đầu tư DoubleLine Capital, tăng trưởng lương yếu cũng có thể khiến Fed hoãn việc tăng lãi suất. Một điều thú vị là, Fed có thể đã thật sự bỏ lỡ cơ hội tăng lãi suất vào năm 2013 khi lương và thu nhập tăng vì... “vách đá tài chính”.
Trong lịch sử, nhìn chung Fed thường bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất khi lương tăng và số lượng việc làm tăng, đồng thời hạ lãi suất khi lương giảm. Với mức lương hiện tại đang giảm, tăng lãi suất có thể sẽ khiến cơ hội tăng lương giảm sâu hơn nữa.
Tốc độ lưu thông tiền tệ
Tốc độ lưu thông tiền tệ là một chỉ dấu quan trọng thể hiện các hoạt động kinh tế. Trong lịch sử, tình trạng tốc độ lưu thông tiền tệ đạt đỉnh hoặc suy giảm đều là các dấu hiệu cảnh báo sớm một môi trường kinh tế yếu hơn trong tương lai.
Ngoài ra, các lần tăng lãi suất của Fed thường trùng với khi tốc độ lưu thông tiền tệ tăng lên vì khi đó các mức tăng trưởng trong hoạt động kinh tế có thể chịu được tác động của các chi phí vay cao hơn.
Mặc dù có tốt hơn trước đây nhưng các hoạt động kinh tế nhìn chung cũng đang còn ở mức độ bị ảnh hưởng của suy thoái. Mức giảm tốc độ lưu thông tiền tệ là bằng chứng tương tự. Nó cũng giải thích vì sao mức tăng lương lại yếu, lực lượng lao động lại thu hẹp, và càng nhiều người lại phụ thuộc vào an sinh xã hội. Điểm quan trọng là tốc độ lưu thông tiền tệ đó cho thấy rằng Fed sẽ tiếp tục hoãn việc tăng lãi suất.
Hàng hóa
Cuối cùng, giá cả hàng hóa, được đo lường bằng chỉ số CPI-All Commodities, cũng cho thấy rằng Fed không nên tăng lãi suất sớm. Trong lịch sử, lãi suất của Fed tăng trùng với thời điểm giá hàng hóa tăng nhờ nền kinh tế mạnh. Khi hoạt động kinh tế đạt được sức mạnh, chi phí vay có thể sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, cũng giống như chuyện tăng lương, Fed có thể đã vuột mất cơ hội tăng lãi suất cho vay sau cuộc khủng hoảng tài chính, khi mà các hoạt động kinh tế tốt hơn và giá cả các mặt hàng cũng tăng. Nhưng giờ đây, với nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu đang suy yếu và giá cả lại giảm, có rất ít cơ hội để Fed nâng lãi suất mà không gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế vốn đã “ốm yếu”.