GS. Nguyễn Mại:
"Kinh tế tư nhân mới là động lực tăng trưởng nhanh nhất cho Việt Nam"
"Chúng ta đã tự làm được hầm Đèo Cả, Vingroup làm được Vinfast và vừa rồi Thaco khánh thành nhà máy ô tô hầu như là tự động hóa. Hoàn toàn có một thực tế là hiện nay chúng ta có một khu vực có thể tạo ra tăng trưởng rất nhanh, đó là khu vực kinh tế tư nhân", GS Nguyễn Mại khẳng định.
Phát biểu tại Hội thảo "Kinh tế vĩ mô quý I/2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới" diễn ra sáng ngày 11/4, GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, phải phân biệt được tăng trưởng do năng suất mang lại và tăng trưởng do yếu tố đầu tư mang lại, đồng thời phải xác định được đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong nước.
"Chúng ta đã tự làm được hầm Đèo Cả, Vingroup làm được Vinfast và vừa rồi Thaco khánh thành nhà máy ô tô hầu như là tự động hóa, công nghiệp 4.0. Hoàn toàn có một thực tế là hiện nay chúng ta có một khu vực có thể tạo ra tăng trưởng rất nhanh, đó là khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như lúc nào đó chúng ra mở cửa cho khu vực này thì nó sẽ tăng trưởng và nếu còn kìm hãm thì sẽ không thể lớn mạnh được", GS Nguyễn Mại khẳng định.
Nói về đầu tư nước ngoài (FDI) trong tăng trưởng GDP quý I/2018, GS Nguyễn Mại nêu ra một thực tế là tổng kết kết quả GDP do Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố "không ai nói gì đến số vốn đăng ký tính theo từng dự án".
"Năm 2014, số vốn bình quân trên một dự án FDI đăng ký là 10,43 triệu USD đến năm 2018 chỉ còn 3,5 triệu USD, quy mô vốn đăng ký càng ngày càng nhỏ đi. Rất nhiều dự án có quy mô 1-2 triệu USD mà với quy mô vốn này tư nhân trong nước hoàn toàn có thể làm được. Tại sao lại tạo dư địa để dồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển?", GS Nguyễn Mại đặt vấn đề.
"Kinh tế tư nhân mới là động lực kinh tăng trưởng nhanh nhất cho kinh tế Việt Nam", Chủ tịch VAFIE khẳng định và kiến nghị trong 3 quý sắp tới và cả những năm sau, những cải cách của Nhà nước phải tạo môi trường thuận cho khu vực tư nhân phát triển, để các tập đoàn kinh tế tư nhân đã lớn mạnh càng lớn mạnh hơn và những doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành những doanh nghiệp lớn hơn.
Trước đó, trao đổi với Nhadautu.vn, GS Nguyễn Mại cũng cho rằng chưa thể vội mừng với con số tăng trưởng GDP quý I/2018 khi vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
"Làm thế nào để tăng trưởng có chất lượng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh được nâng cao. Phải đầu tư vào đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển (R&D). Gần đây có ý kiến cái làm được nhanh là phải cơ cấu lại lao động vì hiện nay lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao. Nếu chuyển dịch lao động năng suất thấp sang la động năng suất cao sẽ tạo đà tăng trưởng nhanh hơn", GS Nguyễn Mại cho biết.
Cũng theo GS Nguyễn Mại, muốn làm được điều này phải có nguồn vốn, thời gian dài. Trong mỗi ngành cũng nên chuyển dịch các sản phẩm năng suất thấp sang sản phẩm có năng suất, giá trị gia tăng cao.
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt 7,38% so với cùng kỳ. Với mức tăng 9,7% trong quý này, công nghiệp và xây dựng góp 3,39 điểm phần trăm vào mức tăng chung của GDP, kế đến là dịch vụ tăng 6,7% và góp 2,75 điểm phần trăm; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,05%, góp 0,46 điểm phần trăm. Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây.
GDP quý I tăng mạnh còn có sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp với mức trên 4%, mức tăng mạnh nhất trong 13 năm qua. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu, du lịch, tiêu dùng trong dân cư... cũng đóng góp đáng kể cho tăng trưởng.
Trong số động lực tăng trưởng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được nhắc tới như là điểm cộng góp vào mức tăng GDP quý I, đặc biệt đến từ các "điểm sáng" như Samsung và Formosa.
Đóng góp chính cho tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý I chủ yếu là sản xuất thiết bị điện tử và linh kiện, đặc biệt là Samsung. Nếu năm 2010 sản xuất linh kiện, điện thoại di động mới góp 9,9% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp thì năm 2015 đã tăng lên 17,8%. Ước tính năm 2018, giá trị sản xuất của Samsung sẽ tăng khoảng 18% so với năm 2017. Trong khi đó, năm 2018 dự kiến giá trị sản xuất của Formosa được đánh giá là nhanh, mức tăng 26,7%.