Nghi ngại về tính bền vững của tăng trưởng
Mặc dù tăng trưởng GDP quý I đạt mức cao nhất trong 10 năm qua (7,38%) song sự băn khoăn, nghi ngại về tính bền vững là tâm lý bao trùm tại hội thảo “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 11/4.
Báo cáo của CIEM chỉ rõ, tăng trưởng GDP quý I trước hết được cải thiện chủ yếu nhờ cán cân thương mại. Theo đó, cùng kỳ năm ngoái, cán cân thương mại đạt chỉ số âm (-4,42%) trong khi năm nay đạt 1,19%.
Trên bình diện thế giới, Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc về đà tăng trưởng xuất khẩu, cao hơn nhiều so với Thái Lan, Singapore, Nhật Bản… Bên cạnh đó, đóng góp của tiêu dùng vào tăng trưởng GDP giảm do chính sách kiểm soát tín dụng cho vay tiêu dùng, cơ cấu tín dụng đầu tư cho sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn cho tiêu dùng (tín dụng trung – dài hạn tăng 4,3%).
Một yếu tố nữa giúp tăng trưởng GDP là ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, lạm phát tương đối thấp (1,34%) do vai trò của điều hành giá. Việt Nam đã ít nhiều xử lý được một số tác động bất lợi từ thị trường thế giới. Trong đó, bất định trên thị trường chứng khoán được theo dõi sát.
Ngoài ra, năng lực ứng phó với những biến động bất lợi ít nhiều được cải thiện. Cụ thể, dư địa tiền tệ đã hiện hữu hơn, không chạy theo nới lỏng tín dụng. Tỷ giá được điều hành linh hoạt hơn. Cuối cùng là yếu tố dự trữ ngoại hối với khoảng 60 tỷ USD.
Mặc dù tăng trưởng GDP quý I đạt mức cao nhất trong 10 năm qua (7,38%) song sự băn khoăn, nghi ngại về tính bền vững là tâm lý bao trùm tại hội thảo. Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM Nguyễn Anh Dương tỏ ý băn khoăn về mức tăng trưởng trên. Lý do được đưa ra là điều này khác so với chu kỳ và tính mùa vụ của các năm trước, khi thông thường quý I tăng thấp nhất, quý II có đột phá, quý III tăng chậm lại và đạt mức tăng cao nhất trong quý IV.
“Điều tôi lo ngại nhất ở lập luận lý giải cho mức tăng này là đà tăng trưởng của quý IV năm ngoái kéo sang năm nay. Nếu đúng như vậy thì liệu các quý sau GDP tăng chậm lại có kéo theo tăng trưởng của quý I năm 2019 cũng sẽ theo đà thấp?”, ông Dương đặt câu hỏi.
Cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô
Theo giới chuyên gia, vẫn còn nhiều thách thức ảnh hưởng đến việc tăng trưởng một cách bền vững. Cụ thể, cách quản lý vẫn chưa đủ thận trọng trong điều hành giá hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý giá. Bằng chứng là cuối năm ngoái, khi chỉ số lạm phát có thể thấp hơn mục tiêu thì vội điều chỉnh tăng giá điện. Hệ quả là chi phí sản xuất kinh doanh trong tháng 1 và 2 năm nay cao nên phải tìm cách hãm lại.
Chưa hết, cách điều hành tài khóa chưa chủ động hướng tới củng cố dư địa ứng phó với các cú sốc bất lợi khi phản ứng tương đối nhanh trong đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, chưa thực sự chặt chẽ trong xử lý gian lận thuế. Tư duy lại hội nhập kinh tế quốc tế vẫn chưa đủ thực dụng khi nói nhiều đến CPTPP nhưng hành động chưa thực sự nhiều và rõ nét để tận dụng cơ hội này.
Nhóm nghiên cứu của CIEM dự báo trong năm nay, triển vọng tăng trưởng GDP sẽ đạt mức 6,67%; lạm phát 3,81%; tăng trưởng xuất khẩu đạt 12,15%; cán cân thương mại -0,68%. Để đạt được mức tăng trưởng GDP mang tính bền vững, các chuyên gia khuyến nghị trước tiên cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó ưu tiên giữ ổn định tỷ giá.
“Đã đến lúc cần tăng năng suất, chất lượng dịch vụ trước thì mới tăng giá chứ không tăng giá định kỳ. Bắt đầu có thể nghiên cứu, lên kế hoạch truyền thông về việc năm sau không tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Nhiều năm qua việc tăng này đã vượt quá lạm phát”, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM Nguyễn Anh Dương nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, phải thúc đẩy cải cách kinh tế vĩ mô, gồm tinh giản bộ máy nhà nước, giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh. Đồng thời, cần tích cực hơn trong việc chuẩn bị cho Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Ngoài ra, cần phòng ngừa, ứng xử hữu hiệu với các cú sốc bất lợi.
Đầu tiên là cần chủ động, tích cực hơn trong quan hệ với đối tác, nhìn nhận trong bối cảnh chung thì cùng hành động thế nào thay vì riêng Việt Nam hành động riêng lẻ. Có cơ chế hành động nhanh, chẳng hạn nếu họ áp dụng biện pháp hạn chế thương mại với Việt Nam thì liệu cơ quan tham tán thương mại ở đó có cần báo cáo về nước hay được chủ động tháo gỡ trong phạm vi cho phép? Hay nếu đó là chuyện xảy ra trong nước thì các địa phương có cần chủ động, thay vì để Chính phủ phải bắt tay vào tất cả các việc không?
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung dẫn chứng, trên thực tế, khối doanh nghiệp tư nhân đang có nhiều hình thức kinh doanh mới. Chẳng hạn trong nông nghiệp, có doanh nghiệp muốn thay đổi cơ cấu sản phẩm nhưng lại không được chuyển từ đất trồng lúa sang cây trồng khác có năng suất cao hơn.
“Chúng ta hay nói đến Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng cách tư duy, quản lý điều hành vẫn chưa tương xứng. Điều này cần thay đổi nhất bởi tăng trưởng được hay không phụ thuộc vào tốc độ và bản chất của cải cách”, ông Cung nói.