48 giờ “nỗ lực cuối cùng” dành cho Hy Lạp
(Taichinh) - Các nhà lãnh đạo châu Âu quyết định dành cho Chính phủ cánh tả của Hy Lạp 48 giờ đồng hồ để thực hiện nỗ lực cuối cùng nhằm thỏa mãn các yêu cầu của chủ nợ, tiến tới chấm dứt 5 tháng bế tắc trong cuộc đàm phán mang tính quyết định tới số phận của Athens và tương lai của đồng tiền chung Euro.
Theo tin từ Bloomberg, các nhà lãnh đạo 18 quốc gia khác trong Eurozone ngày 22/6 có chung quan điểm rằng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Chính phủ của ông cuối cùng đã thực sự nghiêm túc về việc đạt thỏa thuận. Trước đó, Athens đã trình lên một kế hoạch cải cách mà các biện pháp được đưa ra bắt đầu phù hợp với yêu cầu của các chủ nợ.
Bản kế hoạch này của Hy Lạp được coi là một bước ngoặt lớn, bởi trong suốt 5 tháng qua, ông Tsipras một mực phản đối các yêu cầu cải cách mà bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra.
Với cơ sở là sự nhượng bộ từ Athens, các nhà lãnh đạo châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh bất thường diễn ra tại Brussels, Bỉ đã nhất trí sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Hy Lạp nhằm đạt một sự đột phá vào ngày thứ Tư tuần này. Theo dự kiến, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, thì các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đặt bút ký vào một thỏa thuận vào cuối tuần này.
Gói đề xuất mà Hy Lạp đưa ra cho thấy “một bước tiến nhất định, nhưng cung cần phải nói rõ rằng chúng tôi vẫn chưa tới được nơi cần tới”, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trước báo giới tối ngày 22/6 tại Brussels. “Những giờ phút cân nhắc căng thẳng nhất còn đang ở phía trước”.
Thị trường chứng khoán và trái phiếu Hy Lạp cùng tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 22/6 sau khi Chính phủ nước này trình gói đề xuất mới lên EU, với chỉ số Athens Stock Exchange Index tăng 9%.
Đề xuất này nhấn mạnh các vấn đề lương hưu và mục tiêu tài khóa vốn là rào cản chính trong việc đạt thỏa thuận. Trong đó, Chính phủ Hy Lạp cam kết sẽ cắt giảm các lựa chọn cho phép nghỉ hưu sớm, tăng thuế bán hàng, tăng thuế đánh vào người có thu nhập trung bình và cao, và áp thuế mới vào cacs công ty có lợi nhuận ròng hàng năm hơn 500.000 Euro.
Các cuộc đàm phán với chủ nợ sẽ tiếp tục trong 48 giờ tiếp theo để đạt một “giải pháp toàn diện và khả thi” - ông Tsipras phát biểu trước báo giới rạng sáng ngày 23/6. Theo Thủ tướng Hy Lạp, Chính phủ nước này muốn đất nước “có thể sớm tự đứng lên trên đôi chân của chính mình”.
Nếu không đạt được thỏa thuận với chủ nợ để được giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo, Hy Lạp sẽ không có tiền để trả cho IMF khoản nợ 1,6 tỷ Euro đáo hạn vào ngày 30/6. Trong trường hợp đó, Hy Lạp chính thức vỡ nợ và có nguy cơ phải ra khỏi khối Eurozone.
Cho dù đạt được thỏa thuận với châu Âu trong tuần này, Thủ tướng Tsipras vẫn cần tới sự ủng hộ của Quốc hội Hy Lạp để thỏa thuận được thông qua. Trong khi đó, đa số trong Quốc hội nước này đang thuộc về các nghị sỹ cùng liên minh cánh tả Syriza với ông Tsipras - đảng phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” như cắt giảm lương hưu.
Về phần mình, Đức đòi các nghị sỹ Hy Lạp phải đi trước bằng cách thông qua các thay đổi chính sách kinh tế trước khi Hạ viện Đức nhất trí thỏa thuận hỗ trợ cho Hy Lạp.
“Tôi tin không chỉ chúng tôi có mong muốn hoàn tất quy trình ra quyết định trong tuần này”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker phát biểu.