5 cơ hội với chứng khoán cuối năm

Theo M.Hồng/thoibaonganhang.vn

Phân tích thị trường, xác định những yếu tố ảnh hưởng, phân lập 5 cơ hội trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm, vừa được Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đề cập trong báo cáo công bố Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2020, phát hành ngày hôm nay, 21/7.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu

Năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi động với những ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Chỉ số VN-Index có sự đảo chiều giữa quý I và quý II.

Tính đến cuối quý I, chỉ số VN-Index sụt giảm 31% so với đầu năm, các nhà đầu tư bán ròng cả quý I khoảng 9.200 tỷ đồng trong 33 phiên liên tiếp.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu về mức thấp đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư mới hay còn gọi là “nhà đầu tư F0” bắt đáy thị trường. Đây được đánh giá là dòng tiền đầu tư thông minh, luân chuyển từ các kênh đầu khác đến kênh chứng khoán và là tác động lớn của đại dịch tới các thị trường tài chính.

Khi Chính phủ thực hiện giãn cách xã hội khiến một lượng lớn doanh nghiệp, cá nhân tạm ngừng kinh doanh, dòng tiền có thể được đưa vào kinh doanh bị ngưng trệ, có thời gian để nghiên cứu đầu tư nên nhiều nhà đầu tư chuyển sang đầu tư chứng khoán nhằm kiếm lời.

Thêm vào đó, sự phát triển của công nghệ, các ứng dụng giao dịch chứng khoán được nâng cấp giúp cho việc đăng ký tài khoản, đặt lệnh giao dịch thuận tiện và sự xuất hiện nhiều chuyên gia, nhà đầu tư lâu năm, thông qua các ứng dụng công nghệ như YouTube, Facebook… để chia sẻ kiến thức, xu hướng thị trường và hướng đến những nhà đầu tư tiềm năng nhưng chưa có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán.

Một yếu tố khác nữa góp phần thu hút “nhà đầu tư F0” và giữ chân các nhà đầu tư cũ khi chi phí giao dịch, thuế được gỡ bỏ, nhiều công ty chứng khoán giảm lãi suất vay margin cho khách hàng, nhà đầu tư.

Số lượng tài khoản chứng khoản mở mới trong tháng 3 và tháng 4 tăng đột biến, từ tháng 3 đến tháng 6, thị trường có thêm 137.000 tài khoản được mở. Tính đến hết tháng 6, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt trên 2,5 triệu tài khoản, tăng 7,1% so với cuối năm 2019.

Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, bên cạnh những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có rất nhiều tài khoản có quy mô lớn, từ vài chục đến trăm tỷ đồng tham gia vào thị trường và đây là yếu tố đòn bẩy giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ và thanh khoản thị trường quý II tăng cao.

VN-Index cuối tháng 6/2020 tăng trên 25% so với mức đáy của thị trường vào cuối tháng 3/2020, thanh khoản bình quân trên 3 sàn tăng mạnh, nhưng hoạt động huy động vốn có xu hướng chậm lại.

Theo số liệu của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trên 3 thị trường HOSE, HNX, UPCoM giá trị giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm đạt trên 5.600 tỷ đồng, tăng 21,4% so với bình quân năm 2019; trong đó, quý II/2020, thanh khoản tăng 40% so với quý I. Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán ước đạt 107.000 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp niêm yết và chuyên gia chứng khoán cho thấy tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh, tình hình phát triển công ty, khả năng kiểm soát dịch bệnh và diễn biến, thực trạng nền kinh tế là những yếu tố ảnh hưởng nhất đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp.

Đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến giá cổ phiếu doanh nghiệp.
Đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến giá cổ phiếu doanh nghiệp.
 

Dòng tiền không chỉ chảy mạnh vào thị trường chứng khoán cơ sở mà trên thị trường phái sinh cũng sôi động, tăng trưởng tốt và thiết lập kỷ lục mới. Trong 6 tháng đầu năm, khối lượng giao dịch bình quân đạt 164.228 hợp đồng/phiên, tăng 85% so với cuối năm 2019. Khối lượng OI của toàn thị trường tại thời điểm 30/6 đạt 27.068 hợp đồng, tăng 67,3% so với phiên giao dịch đầu năm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh đầu tư thu hút lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, dần trở thành một lựa chọn đầu tư mới cho khách hàng cá nhân. Trong thời gian qua đã đánh dấu sự tăng trưởng mạnh về cả quy mô, tính thanh khoản và khả năng tiếp cận. Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến nay ước tính ở mức 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019. Các nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp - tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.

Top 5 cơ hội cho thị trường chứng khoán

Nhìn chung định giá của thị trường chứng khoán của Việt Nam đang ở mức hấp dẫn tương đối so với khu vực xét trên chỉ số P/E, P/B và ROE. Trong năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều tổ chức tài chính khu vực, quốc tế, các hãng xếp hạng tín nhiệm, chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam là một trong những điểm sáng của kinh tế khu vực châu Á.

Theo đó, có 62,5% chuyên gia chứng khoán và doanh nghiệp niêm yết trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng thị trường sôi động, diễn biến khá tích cực; 37,5% dự đoán thị trường có nhiều biến động, thêm những cú sốc mới.

Triển vọng thị trường chứng khoán với thiên hướng khá tích cực là chủ đạo trong khảo sát của Vietnam Report cũng hoàn toàn có cơ sở mặc dù nền kinh tế đang có nhiều thách thức: Dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, các nền kinh tế chủ chốt và đối tác thương mại lớn của Việt Nam hồi phục chậm và chưa ổn định sau dịch, mối quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng gây nhiều quan ngại cho nền kinh tế toàn cầu, rủi ro nợ xấu tăng trong hệ thống ngân hàng. Nhưng bên trong thách thức vẫn là những cơ hội song hành.

Việc kiểm soát dịch tốt góp phần làm thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc, tuy nhiên trong giai đoạn tới, nếu không có ca nhiễm nội địa mới, yếu tố này sẽ không còn là động lực mạnh tác động lên thị trường. Các chuyên gia và doanh nghiệp niêm yết trong khảo sát của Vietnam Report nhận định 5 yếu tố tích cực mới để thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam: Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng so với các nước trong khu vực (60%); Các biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (60%); Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công (46,67%); Khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid -19 trên toàn thế giới (46,67%); Các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA được thông qua.

Top 5 yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán.
Top 5 yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán.
 

Theo đánh giá của Fitch, Việt Nam là một trong số 4 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được kì vọng sẽ có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Dưới tác động của Covid-19 kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 0,36% trong quý II/2020.

Bloomberg nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm nay, trong khi các nền kinh tế Đông Nam Á khác đều khá ảm đạm. Về triển vọng trong năm 2021, các chuyên gia của Bloomberg đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất Đông Nam Á với mức tăng GDP 8,1%, tiếp theo là Philippines với 7,5%, Malaysia 5,7%, Indonesia 5%, Singapore 4,8% và Thái Lan 4%.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam thúc đẩy đầu tư công dự chi hơn 700 nghìn tỷ đồng (hơn 30 tỷ USD) cho đầu tư công trong năm 2020, để kích thích kinh tế phục hồi và nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam, tạo ra cơ hội phát triển một số ngành và lĩnh vực.

Việc Việt Nam khống chế đại dịch Covid-19 hiệu quả, tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư về một điểm đến an toàn, và mở ra cơ hội cho Việt Nam thành một quốc gia đón được làn sóng FDI đang chuyển dịch trong thời gian tới, nhất là từ các chuỗi cung ứng từ các doanh nghiệp Trung Quốc và các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc.

Nhìn lại bài học từ cuộc khủng hoảng 2008-2009, thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi mạnh hơn so với khu vực và quốc tế nhờ gói kích cầu tương ứng với 10% GDP gồm: (1) Hỗ trợ lãi suất vay tín dụng 17 nghìn tỷ; (2) Vốn đầu tư phát triển nhà nước 90,8 nghìn tỷ; (3) Miễn, giảm thuế 28 nghìn tỷ; (4) Khoản chi an sinh xã hội 9,8 nghìn tỷ. Đặc biệt, gói hỗ trợ lãi suất vay đã tạo lực hút lượng tiền lớn đưa vào lưu thông các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản. Mặc dù bản chất của hai cuộc khủng hoảng khác nhau, nhưng các chuyên gia và doanh nghiệp niêm yết trong khảo sát của Vietnam Report kỳ vọng các biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất sẽ tạo thêm cú hích vào thị trường chứng khoán như trong giai đoạn 2008-2009.

Với lần này, khả năng kiểm soát đại dịch trên toàn thế giới, cùng với các gói kích cầu liên tục từ chính phủ các nước, nhất là việc điều chế thành công vaccine chống Covid-19 sẽ giúp các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam hoạt động bình thường, nền kinh tế thế giới phục hồi và qua đó tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Hiệp định EVFTA tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực và cũng giúp cải thiện dòng vốn vào thị trường chứng khoán, các các quỹ đầu tư, và hỗ trợ ổn định tỷ giá, thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và mở rộng cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn và thu hút đầu tư, đặc biệt là dòng vốn gián tiếp từ các nhà đầu tư EU.

Theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp niêm yết trong khảo sát Vietnam Report có hai nhóm cổ phiếu tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Nhóm thứ nhất liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu, không phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh, quan hệ kinh tế - chính trị giữa các nước, tình hình bầu cử như hàng tiêu dùng, thực phẩm. Nhóm thứ hai được hưởng lợi từ tác động kinh tế chính trị, đại dịch, và chính sách kích cầu của Chính phủ như: nhóm cổ phiếu Bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng và thu hút vốn FDI; nhóm Xây dựng và Vật liệu xây dựng được hưởng lợi từ đẩy mạnh đầu tư công, hạ tầng; nhóm Công nghệ thông tin - Viễn thông hưởng lợi từ đại dịch Covid-19 đẩy nhanh hơn xu hướng chuyển đổi số. Kết quả khảo sát cho thấy 8 ngành hấp dẫn đầu tư nhất trong năm 2020: (1) Dược và Y tế; (2) Tài chính - Ngân hàng; (3) Hàng tiêu dùng; (4) Công nghệ thông tin - Viễn thông; (5) Năng lượng; (6) Bất động sản; (7) Nguyên vật liệu; (8) Hàng và Dịch vụ công nghiệp.

5 cơ hội với chứng khoán cuối năm - Ảnh 1

Xu hướng đầu tư trong thời kỳ “bình thường mới”

Trong báo cáo công bố ngày 1/7/2020, các chuyên gia của Ngân hàng JPMorgan đưa ra nhận định đại dịch Covid-19 có thể tạo ra bước chuyển ngoặt lớn đối với xu hướng đầu tư bền vững, thuật ngữ chuyên môn thường gọi là “đầu tư ESG” (Environmental, Social, and Governance Investing). Theo quan điểm ESG, trước khi đưa ra quyết định, nhà đầu tư sẽ xem xét cách tiếp cận đối với các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị của một công ty bên cạnh các tiêu chí truyền thống như tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận, năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Theo thống kê của Morningstar, năm 2019 đánh dấu sự bùng bổ của các quỹ ESG với 483 quỹ được bổ sung, chiến lược tập trung của các quỹ này vào các lĩnh vực “kinh tế xanh” bao gồm: Năng lượng tái tạo; Dịch vụ môi trường; Nước; Bất động sản xanh; Giao thông xanh; Thực phẩm; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Năng lượng hiệu quả.

Số lượng quỹ ESG.
Số lượng quỹ ESG.
 

Các quỹ tập trung vào tính bền vững đã thu hút một lượng vốn kỷ lục trong quý đầu tiên của năm nay, ngay cả khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu. JPMorgan đưa ra dự báo tổng tài sản có cách tiếp cận đầu tư bền vững trên toàn cầu sẽ đạt giá trị 45.000 tỷ đô la vào cuối năm 2020. Trong khi đó, tổng tài sản nắm giữ của các quỹ chuyên đầu tư bền vững trên toàn cầu có giá trị khoảng 1.000 tỷ đô la, với châu Âu và Bắc Mỹ chiếm 90% thị phần.

Đánh giá uy tín truyền thông

Đối với các doanh nghiệp niêm yết, việc công bố thông tin thường xuyên là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo tính minh bạch trên thị trường chứng khoán. Khi đó, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông sẽ góp phần xây dựng uy tín doanh nghiệp, và được xem như yếu tố quan trọng có tác động đến tâm lý và xu hướng đầu tư, qua đó gây ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị của doanh nghiệp. Cùng với quan điểm đầu tư của ESG, việc đánh giá uy tín truyền thông của Vietnam Report không chỉ chú trọng về tính sức khỏe tài chính của doanh nghiệp mà còn đánh giá trên nhiều khía cạnh khác như chiến lược quản trị, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tính đổi mới, sự bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp.

Sự chủ động của doanh nghiệp trên truyền thông cũng được đánh giá là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến việc quản trị rủi ro uy tín truyền thông của doanh nghiệp. Theo thông lệ, để đảm bảo thông tin chính xác và tăng độ tin cậy với các đối tượng tiếp nhận, ít nhất 1/3 lượng thông tin về doanh nghiệp trên truyền thông cần được dẫn nguồn từ doanh nghiệp và các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp (thành viên của Ban quản trị/Ban lãnh đạo). Dữ liệu phân tích Media Coding cho thấy các doanh nghiệp niêm yết trong nghiên cứu của Vietnam Report ngày càng chủ động công bố thông tin. Trong giai đoạn 6/2018 - 5/2019, các bài báo từ nguồn doanh nghiệp công bố chỉ chiếm 19,14%; còn lại do các phương tiện truyền thông đưa tin. Giai đoạn 6/2019 - 5/2020, lượng tin từ nguồn doanh nghiệp công bố tăng lên đến 48,31%.

Nguồn trích dẫn thông tin trong bài báo.
Nguồn trích dẫn thông tin trong bài báo.
 

Kết quả phân tích Media coding của Vietnam Report chỉ ra những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với các doanh nghiệp niêm yết: Tài chính/ Kết quả kinh doanh; Chứng khoán; Sản phẩm; Hình ảnh/PR/Scandals; Vị thế thị trường. Trong đó, tin tích cực tập trung nhiều hơn ở các chủ đề Hình ảnh/PR (55,95%); Vị thế thị trường (48,38%); Quản trị doanh nghiệp (33,27%).

Top 10 chủ đề xuất hiện nhiều trên truyền thông.
Top 10 chủ đề xuất hiện nhiều trên truyền thông.
 

Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là "an toàn" khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, tuy nhiên ngưỡng "tốt nhất" là trên 20%. Trong số doanh nghiệp được nghiên cứu có 76,32% doanh nghiệp đạt được mức 10%, và 58,33% doanh nghiệp đạt ngưỡng trên 20%; nhóm Blue chip có tỷ lệ an toàn thông tin tốt hơn với 72,09% doanh nghiệp đạt ngưỡng trên 20%; trong khi nhóm Mid cap chỉ có 43,48% doanh nghiệp đạt ngưỡng này. Cũng cần lưu ý rằng, doanh nghiệp càng xuất hiện nhiều trên truyền thông thì việc đạt tỷ lệ “tốt nhất” càng khó hơn so với các doanh nghiệp có ít sự hiện diện, đặc biệt là duy trì tỷ lệ này trong suốt 12 tháng của một năm hoạt động.

Xét về độ bao phủ trên truyền thông: Novaland, Vpbank, FPT, Vietinbank là những doanh nghiệp có đa dạng chủ đề xuất hiện trên truyền thông nhất, tập trung vào các nhóm ngành Bất động sản, Tài chính - Ngân hàng. Những doanh nghiệp có tỷ lệ chênh lêch giữa tin tích cực và tiêu cực cao là Tienphongbank, SSI, HDbank.

Xét về lượng tin bài theo tháng: Số lượng tin trong tháng 3 và tháng 4 cao hơn so với các tháng khác, đặc biệt trong thời gian tháng 4 thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp niêm yết trong nghiên cứu của Vietnam Report vẫn tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông. Các chủ đề xuất hiện nhiều và tăng cao trong tháng 4 so với các tháng khác: Tài chính/Kết quả kinh doanh; Hình ảnh/PR; Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Giá sản phẩm, dịch vụ; Mối quan hệ với khách hàng; Điều kiện kinh doanh. Điều này cũng cho thấy các doanh nghiệp niêm yết đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ và chia sẻ khó khăn cùng khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

Lượng thông tin theo tháng.
Lượng thông tin theo tháng.
 

Tỷ lệ thông tin tích cực, tiêu cực theo tháng: Xét theo giai đoạn từ tháng 6/2018 đến tháng đến tháng 5/2020, đa phần là những tin tích cực, tỷ lệ tin tích cực có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ tin tiêu cực được kiểm soát dưới 10%, có sự gia tăng trong những tháng đầu năm của năm 2020 nhưng đang có xu thế đi vào ổn định.

Biến động thông tin tích cực, tiêu cực của các doanh nghiệp niêm yết phân theo tháng nghiên cứu.
Biến động thông tin tích cực, tiêu cực của các doanh nghiệp niêm yết phân theo tháng nghiên cứu.
 

Giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ cho thị trường chứng khoán

Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vị thế là kênh thu hút vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, góp phần xây dựng nền tài chính, tiền tệ, lành mạnh, ổn định, và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng vốn linh hoạt, có hiệu quả hơn.

Theo dữ liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 30/6/2020, trên cả ba sàn có trên 1.600 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, trong đó có nhiều doanh nghiệp niêm yết đã tạo dựng được hình ảnh và uy tín trên thị trường.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn khá non trẻ với nhiều điểm yếu cần khắc phục như quy mô vốn hóa thị trường Việt Nam và giá trị giao dịch còn thấp so với các nước trong khu vực, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong tổng giao dịch còn hạn chế.

Bên cạnh đó, tính minh bạch và công khai trên thị trường chứng khoán còn tồn tại nhiều vấn đề.

Nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 vẫn diễn biến khó lường, các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng 5 giải pháp trọng tâm cần sự hỗ trợ của Chính phủ: Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thị trường chứng khoán (93,33%); Tái cấu trúc tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng công nghệ (73,33%); Tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường, thực hiện kiểm tra, xử phạt nghiêm theo quy định (73,33%); Tăng hạn mức tín dụng cho thị trường chứng khoán (46,67%); Bổ sung thêm gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (46,67%).

5 cơ hội với chứng khoán cuối năm - Ảnh 2

Mặc dù, Luật Chứng khoán năm 2019 đã được sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ của quốc tế, tạo cơ sở và tạo nền tảng pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của thị trường chứng khoán, nhưng trong bối cảnh kinh tế mới, xu hướng giao dịch online tăng lên, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc niêm yết đối với các doanh nghiệp có nguồn gốc FDI dẫn đến việc nhiều các doanh nghiệp có nguồn gốc FDI chưa thực hiện niêm yết được trên các Sở Giao dịch chứng khoán, nhiều yếu tố khác chưa được tính đến, và cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường chứng khoán.

Các chuyên gia và doanh nghiệp niêm yết trong khảo sát của Vietnam Report nhận định so với thời điểm khủng hoảng 2008 - 2009 còn nhỏ, quy mô gói kích cầu của Việt Nam còn nhỏ đang ở mức 4,8% GDP. Khi Chính phủ bổ sung thêm gói hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ tạo lực đẩy mạnh hơn cho sự phục hồi của nền kinh tế, bên cạnh đó là bổ sung gói kích cầu riêng cho thị trường chứng khoán.

Cũng trong ngày hôm nay, Vietnam Report công bố Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2020 với hai phân loại nhóm cổ phiếu Blue Chip và Mid Cap.

5 cơ hội với chứng khoán cuối năm - Ảnh 3
5 cơ hội với chứng khoán cuối năm - Ảnh 4