5 điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép mua bán hàng hóa
(Tài chính) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và những hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa cần tuân thủ theo những quy định của pháp luật Việt Nam.
Thông tư 08/2013/TT-BTP quy định, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền đầu tư để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa trong phạm vi quy định của Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ, các quy định khác của pháp luật có liên quan và bao gồm những hoạt động sau:
- Xuất khẩu hàng hóa;
- Nhập khẩu hàng hóa;
- Phân phối hàng hóa;
Hai là, hình thức đầu tư phải phù hợp với lộ trình đã cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với pháp luật Việt Nam. Có hai hình thức đầu tư:
- Đầu tư trực tiếp: Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn đầu tư nước ngoài; Liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; Đầu tư phát triển kinh doanh; Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT; Mua cổ phần hoặc góp vốn tham gia quản lý đầu tư; Đầu tư việc sáp nhập và mua lại doanh nghiêp và một số hình thức khác.
- Đầu tư gián tiếp: Mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và giấy từ có giá khác; Thông qua quỹ đầu tư chứng khoán; Thông qua một số định chế tài chính trung gian khác.
Trường hợp pháp luật Việt Nam được ban hành sau khi Việt Nam là thành viên của điều ước quốc tế có quy định thuận lợi hơn so với quy định của điều ước quốc tế đó thì nhà đầu tư có quyền lựa chọn việc áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế hoặc pháp luật Việt Nam.
Ba là, hàng hoá, dịch vụ kinh doanh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và phù hợp với pháp luật Việt Nam, không nằm trong danh mục những hàng hóa cấm kinh doanh.
Bốn là, phạm vi hoạt động phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và phù hợp với pháp luật Việt Nam. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hoạt động trong phạm vi giấy phép kinh doanh của mình.
Năm là, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận:
- Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam có đầu tư vào hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thì nộp hồ sơ để làm thủ tục đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư. Cơ quan nhà nước quản lý đầu tư lấy ý kiến của Bộ Công thương và chỉ cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa nếu được Bộ Công thương chấp thuận bằng văn bản. Trong trường hợp này, Giấy chứng nhận đầu tư có giá trị đồng thời là Giấy phép kinh doanh. Thủ tục đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.
- Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư vào kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đề nghị bổ sung kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu mà không kinh doanh phân phối hoặc các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thì cơ quan nhà nước quản lý về đầu tư căn cứ vào lộ trình mở cửa thị trường trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên cấp hoặc bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư, không cần chấp thuận của Bộ Công thương.
- Việc lập thêm cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất (nếu cơ sở bán lẻ thứ nhất đã được thành lập theo quy định của pháp luật nhưng chưa được cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ) sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có sự chấp thuận của Bộ Công thương.
Lưu ý đối với nhà đầu tư nước ngoài không thuộc các nước, các vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ xem xét việc chấp thuận cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa đối với từng trường hợp cụ thể.