Tỉnh Bến Tre:

5 dự án điện gió phát điện hòa vào lưới điện quốc gia

Theo Phương Thảo/Báo Đồng Khởi

Đến hết ngày 31/10/2021, tỉnh Bến Tre có tổng cộng 5 dự án điện gió được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và phát điện hòa vào lưới điện quốc gia là 93,7/210MW (số MW thực tế hòa lưới/số MW đăng ký hòa lưới).

Thi công điện gió tại vùng biển thuộc tỉnh Bến Tre. Ảnh: T.Thảo
Thi công điện gió tại vùng biển thuộc tỉnh Bến Tre. Ảnh: T.Thảo

Cụ thể, Nhà máy điện gió VI-3 Bến Tre (Ba Tri): 30/30MW; Nhà máy điện gió Bình Đại (Mê Kông): 4,2/30MW; Nhà máy điện gió VPL Bến Tre: 25,2/30MW; Nhà máy điện gió số 5 - Thạnh Hải 1 (Tân Hoàn Cầu): 30/30MW; riêng Nhà máy điện gió số 5 - Thạnh Hải 2,3,4 (Tân Hoàn Cầu) được bổ sung giai đoạn sau nhưng nhờ tận dụng hạ tầng giai đoạn 1 nên đã kịp COD được 4,25/90MW.

Các dự án điện gió này được phê duyệt tại Quyết định số 2497/QĐ-BCT ngày 18/3/2015 của Bộ Công Thương được công nhận COD để hưởng cơ chế giá ưu đãi theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg.

Ngày 25/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung danh mục 13 dự án điện gió tỉnh vào quy hoạch phát triển điện lực, với tổng công suất 828MW. Ngoài ra, hiện tại tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch điện VIII 26 dự án, với tổng công suất 6.418,6MW.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu, việc triển khai các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi. Dự kiến đến hết năm 2021, sẽ có ít nhất 5 dự án điện gió đi vào hoạt động, với công suất 150MW, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy.

Các dự án điện gió có nhiều ưu điểm vượt trội so với các dự án năng lượng khác như: không phát thải khí nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường; việc phát triển dự án năng lượng tái tạo phù hợp với Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng phát triển về hướng Đông của tỉnh. Những dự án vận hành kịp công nhận COD để hưởng chính sách ưu đãi theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sẽ có điều kiện thuận lợi trong hiệu quả hoạt động, phát triển ổn định lâu dài.

Từ ngày 1/11/2021, cơ chế ưu đãi giá mua điện của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 hết hiệu lực, trong khi Chính phủ chưa ban hành cơ chế mới đối với các dự án hoàn thành sau ngày 31/10/2021 nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam tạm thời không thực hiện đóng điện các dự án hiện tại đã cơ bản hoàn thành.

Do đó, các dự án chưa có thông số đầu vào đánh giá hiệu quả đầu tư dự án để có kế hoạch bố trí tài chính thực hiện dự án; các dự án đầu tư trên biển nên phải phụ thuộc thời tiết khi có gió chướng phải tạm dừng thi công; dự án triển khai trong lúc dịch COVID-19 phức tạp, nên hạn chế khả năng huy động nguồn lực thiết bị, chuyên gia nước ngoài vào dự án. Sự cản trở của người dân trong quá trình triển khai thi công dự án cũng là khó khăn lớn trong thời điểm hiện nay.

Mặt khác, các dự án phát điện sau sẽ bị hạn chế giải tỏa công suất điện lên hệ thống, do hạ tầng lưới điện truyền tải chưa đáp ứng đồng bộ. Đặc biệt, các dự án đã triển khai thi công gần như hoàn thành nhưng do chưa có quy định sau ngày 31/10/2021 nên chưa thể đóng điện vận hành hòa lưới thử nghiệm, hiệu chỉnh kỹ thuật nhằm hoàn thành nghiệm thu công trình.

Nhằm tạo điều kiện phát triển nguồn năng lượng sạch trong thời gian tới, nhất là nguồn năng lượng gió mà tỉnh có thế mạnh, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu kiến nghị: “UBND tỉnh Bến Tre tiếp tục có ý kiến đề xuất Chính phủ xem xét cho chủ trương kéo chính sách ưu đãi giá mua điện theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg đến hết tháng 3-2022, nhằm bù đắp thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà các dự án phải tạm dừng thi công từ tháng 7 đến tháng 10/2021. Đồng thời, Chính phủ sớm ban hành chính sách mới về giá mua điện gió để các chủ dự án làm cơ sở đánh giá hiệu quả đầu tư để có quyết định trong đầu tư dự án. Tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đầu tư dự án điện gió nói chung, các công trình đường dây tải điện nói riêng, nhằm thu hút các nhà đầu tư thực hiện các công trình lưới điện truyền tải đồng bộ để giải tỏa công suất các dự án điện gió đầu tư sau này lên lưới điện quốc gia”.