Bộ trưởng Công Thương: Không nên kéo dài ưu đãi giá FIT cho điện gió
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc kéo dài thời gian áp dụng giá FIT ưu đãi với điện gió là không đúng bản chất của chính sách, gây bất bình đẳng với các dự án khác cùng cơ chế nhưng đã thực hiện đúng tiến độ.
Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 9/11, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tập trung trả lời ý kiến một số đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề điện năng.
Bộ trưởng cho biết, một số dự án điện gió xin kéo dài thời gian áp dụng giá FIT. Tuy nhiên, đây là cơ chế giá hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích phát triển trong một thời gian nhất định. Vì vậy, việc kéo dài thời gian áp dụng là không hợp lý, không đúng bản chất của chính sách, gây bất bình đẳng các dự án cùng cơ chế.
Ngoài ra, hiện nay giá đầu vào của các vật tư, nguyên liệu, thiết bị trong lĩnh vực điện gió giảm hơn so với thời điểm ban hành chính sách hỗ trợ và tiếp tục xu hướng giảm mạnh.
"Nếu kéo dài thời gian hưởng chính sách này, có thể xảy ra hậu quả về pháp lý, gây thiệt hại về kinh tế cho nhà nước và các đối tượng sử dụng điện", ông Diên nói và cho biết thêm, trong quá trình lấy ý kiến, Bộ Công Thương đã "không nhận được sự thống nhất" của các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan.
Thay vào đó, ông Diên cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo quy định về phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời theo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Điểm cốt yếu là cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá điện. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ đàm phán giá với EVN trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.
Đối với việc phát triển năng lượng tái tạo tại một số địa phương, người đứng đầu ngành Công Thương đánh giá là cơ hội, tiềm năng, nhưng năng lượng sạch vẫn có giá thành cao, chưa phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng sử dụng điện ở Việt Nam.
Đồng thời, theo Bộ trưởng, nước ta hiện có một nghịch lý là những nơi có tiềm năng tốt để phát triển các loại hình điện năng lại là nơi có phụ tải rất thấp. Chẳng hạn như: Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phụ tải chỉ chiếm 4-10% khả năng cung ứng về nguồn, trong khi ở miền Bắc phụ tải luôn tăng mà nguồn vẫn chỉ ở ngưỡng thấp.
"Việc phát triển quá nóng các nguồn điện trong thời gian qua ở một vài địa phương như thế đã khiến cho hệ thống truyền tải điện không thể đáp ứng, không thể huy động hết công suất các nhà máy hiện có, gây lãng phí nguồn lực xã hội", Bộ trưởng nhận xét. Theo đó, việc mở rộng quy mô, nâng công suất các dự án, nhà máy cần được "cân nhắc, tính toán thật kỹ".
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công thương ngày 2/11 cho hay, trong số 106 dự án điện gió có công suất 5.755,5 MW đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD ở thời điểm đầu tháng 8/2021, chung cuộc đã có 3.298,95 MW công suất đã được COD trước ngày 1/11/2021.
Báo cáo của EVN cũng nhắc tới tên của 62 dự án điện gió không vận hành trước ngày 1/11/2021, dù đã có Hợp đồng mua bán điện (PPA).
Trong số 62 dự án này, ngoài những dự án chưa “động đậy” nhiều trên thực tế, thì có 4 dự án điện gió được ghi chú kèm theo dòng chữ “đã hòa lưới nhưng chưa hoàn thành thử nghiệm để COD”. Điều này nghĩa là dự án chưa hoàn tất các thử nghiệm theo quy định để đủ điều kiện công nhận vận hành thương mại (COD), đồng nghĩa với việc không kịp hưởng chính sách được mua điện với giá cố định là 8,5 UScent/kWh (trong đất liền), hay 9,8 UScent/kWh (trên biển) theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ở thời điểm hết ngày 31/10/2021.
Cũng trong báo cáo của EVN còn có danh sách 15 dự án điện gió khác được liệt kê là mới COD được một phần dự án.