THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG CHỈ ĐẠO:

5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính năm 2014

LH

(Tài chính) Tham dự “Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2013 và triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2014” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao thành tựu mà Ngành Tài chính đã đạt được trong năm 2013 và nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Ngành phải phấn đấu thực hiện được trong năm 2014.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao nhiệm vụ cho Ngành Tài chính. Ảnh: Lục Trường - Tạp chí Tài chính.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao nhiệm vụ cho Ngành Tài chính. Ảnh: Lục Trường - Tạp chí Tài chính.

Sáng 30/12/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xuống tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 của Ngành Tài chính, lắng nghe đồng chí Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp đọc báo cáo tổng kết đánh giá công tác điều hành, thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2013 và triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2014 cũng như một số tham luận và kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Phát biểu với Hội nghị, Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của ngành Tài chính trong năm 2013, đồng thời, đánh giá cao các thành công mà Ngành đã đạt được, Thủ tướng nhất trí với mười nhóm nhiệm vụ tài chính - NSNN của ngành Tài chính và nhấn mạnh vào 5 nhóm nhiệm vụ mà Ngành Tài chính phải nỗ lực thực hiện:

1, Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành Ngân hàng trong thực hiện các chính sách sau:

+ Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp: Duy trì chính sách lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp để doanh nghiệp có điều kiện về vốn để mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh; Phối hợp trong phát hành và huy động thông qua phát hành 400 ngàn tỷ đồng trái phiếu chính phủ;  Duy trì tỷ giá ổn định như năm 2013; Giảm bội chi xuống dưới mức 5,3%; Giảm nợ công, đảm bảo an ninh an - toàn tài chính quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

+ Chính sách quản lý giá (giá tiền tệ và giá hàng hóa): Không để tư thương đầu cơ gây sốt giá; Kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình, trước mắt không bù lỗ giá xăng dầu, tiếp đến, sẽ cương quyết thực hiện giá điện, phân bón, nước, than… theo cơ chế  thị trường; Đặc biệt là ngành y tế, giáo dục sẽ tăng cường khuyến khích xã hội hoá, đồng thời tính giá dịch vụ theo giá thị trường, nhưng phải đảm bảo công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ chi phí, đảm bảo lợi ích của người kinh doanh của Nhà nước và người dân. Quan trọng nhất là thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ giá hai (2) mặt hàng thiết yếu là thuốc và sữa, không để xảy ra đầu cơ nâng giá, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Chính sách bù lỗ cho các đối tượng chính sách, người có công… sẽ không bù lỗ qua giá hàng hóa, dịch vụ như trước đây nữa mà thực hiện bù lỗ trực tiếp bằng tiền cho người được thụ hưởng.

2, Tập trung vào công tác thu ngân sách  nhà nước (NSNN) thông qua việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn trốn, lậu thuế, chuyển giá… Đặc biệt là chính sách giảm thu, khoán thu thuế phải chặt chẽ nhằm chống tiêu cực, đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định và pháp luật.

3, Quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu: Năm 2014, ngành tài chính đặt mục tiêu triệt để tiết giảm chi tiêu, các khoản chi như tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công; chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm... không quá 70% mức dự toán năm 2013, hạn chế đi công nước ngoài, ngoại trừ đi để mở rộng đối ngoại, hợp tác kinh doanh...  

4, Ngành Tài chính phối hợp với ngành Ngân hàng trong triển khai công tác tái cơ cấu, trước mắt là tái cơ cấu đầu tư, chuyển mục tiêu sang đầu tư trung hạn; Tái cơ cấu thị trường tài chính, vì thị trường chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm là huyết mạch của nền kinh tế, phải đảm bảo để các thị trường này hoạt động lành mạch, vững vàng. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó tập trung cổ phần hóa và tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, cương quyết thoái vốn ngoài ngành, sử dụng đồng vốn, tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chủ yếu của từng ngành, từng lĩnh vực; đảm bảo các DNNN là động lực chi phối hoạt động của cả hệ thống doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tiếp tục chủ trương mở rộng thị trường thông qua thực hiện các hiệp định thương mại. Hiện Chính phủ đang xúc tiến 6 hiệp định thương mại, trong đó, quan trọng là Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình dương và Hiệp định thương mại tự do với các nước trong liên minh châu Âu, đây sẽ là động lực để các DN nước nhà mở rộng giao lưu thương mại quốc tế.

5, Tiếp tục các cải cách chính, cải cách thể chế: thông qua hoàn thiện và ban hành các luật, nghị định, thông tư, quyết định, trong đó, quan trọng là các thủ tục hành chính về thuế, hải quan, phải đảm bảo thông toán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, đồng thời ngăn chặn gian lận về thuế, hải quan... tăng cường nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thực hện thắng lợi nhiệm vu thu năm 2014.

Thủ tướng tin tưởng và nhắc Ngành Tài chính phải đoàn kết, nhất trí, phối hợp đồng bộ với các ngành, các cấp, các địa phương...  để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã nêu ra, góp phần đảm bảo kế hoạch chi cho văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đầu tư xây dựng cơ bản... phấn đấu GDP tăng cao hơn nữa, giữ ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm ở mức thấp hơn, triệt để chống tham nhũng và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hội nhập và nâng cao hơn nữa vị thế của nước ta trên trường quốc tế.