5 trở ngại lớn trong phát triển kinh tế số
Đánh giá của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo "Định hướng xây dựng kinh tế số Việt Nam" diễn ra ngày 28/6 chỉ ra rằng, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số.
Nếu khắc phục được các trở ngại, nắm bắt cơ hội và khai thác được tiềm năng, Việt Nam chắc chắn có thêm động lực để giải quyết các thách thức trong phát triển kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng phát triển bền vững.
Cơ hội để giải quyết các thách thức
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, kinh tế số được xác định là trụ cột cốt yếu và có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo đột phá cho tăng trưởng mỗi quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang bùng nổ mạnh mẽ. Nền kinh tế số dựa trên nền tảng kỹ thuật số và công nghệ thông minh để tối ưu hóa mọi quy trình, phương thức sản xuất, đặc biệt là những công nghệ đang và sẽ tác động lớn như: Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo… làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Tại Việt Nam, xu thế số hóa trong nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ từ các lĩnh vực thương mại, thanh toán đến y tế, du lịch…
Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương ghi nhận, nước ta trong những năm gần đây đã phát triển không ngừng cả về nền tảng và thị trường kinh doanh kinh tế số. Thương mại điện tử - một trong những cấu phần quan trọng nhất của kinh tế số tại Việt Nam - đã tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường.
Quy mô ngành thương mại điện tử ước đạt ngưỡng 5 tỷ USD năm 2016, số người sử dụng Internet đạt gần 64 triệu người (chiếm 67% dân số), đưa Việt Nam lên vị trí các nước có sử dụng Internet lớn nhất thế giới. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đánh giá, những con số này cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế số tại nước ta là vô cùng to lớn.
Song quan trọng hơn, theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, khai thác được những lợi thế trong phát triển kinh tế số sẽ giúp nền kinh tế giải quyết được những thách thức trong phát triển kinh tế đất nước, tái cơ cấu ngành công thương nhằm bắt kịp xu hướng phát triển công nghiệp và thương mại thế giới, từ đó cải chính mô hình kinh doanh theo hướng tối ưu hóa nguồn lực đầu vào, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển bền vững. Kinh tế số được dự đoán sẽ mang lại thay đổi to lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và vận hành cung cầu của thế giới.
Trên cơ sở đó, tại Hội thảo, Bộ Công Thương đã định hướng xây dựng Đề án Phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Dự kiến, bản đề án này sẽ được xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới nhằm phát triển mạnh kinh tế số.
Cần giải quyết sớm các trở ngại
Cụ thể, theo ông Hải, chúng ta đang có 5 trở ngại lớn trong phát triển kinh tế số. Đầu tiên là hạ tầng chính sách và thể chế. “Hiện hạ tầng chính sách và thể chế không phải là không có, nhưng sự liên thông và hoàn thiện của chính sách đòi hỏi sự cố gắng hơn nữa”, ông Hải nói. Thứ hai là trở ngại trong thanh toán ứng dụng công nghệ số, bởi người dân còn giữ thói quen dùng tiền mặt. Thứ ba, rủi ro về công nghệ như lộ thông tin, lộ bí mật khách hàng khiến nhiều DN ngại ứng dụng công nghệ…
Trong khi đó, giá cả áp dụng công nghệ còn cao cũng là thách thức. Trở ngại thứ tư trong phát triển kinh tế số là hạ tầng cho kinh tế số còn mỏng, hệ thống logistics còn yếu kém và còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Cuối cùng là trở ngại về nhân lực. Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, vừa qua, Bộ Công Thương đã có cuộc khảo sát nhân lực cho kinh tế số tại các tỉnh, kể cả các tỉnh có kết nối với Trung ương khá tốt thì cán bộ làm về công nghệ thông tin cũng rất ít, chỉ một vài người có thể điều hành được sàn giao dịch…
Trước những cơ hội và thách thức nêu trên, đề cập về sự chuẩn bị của DN Việt Nam, dự kiến sau hội thảo này, Bộ Công Thương sẽ bắt tay chuẩn bị xây dựng Đề án Phát triển kinh tế số. Đáng chú ý, việc soạn thảo Đề án sẽ tạo cơ hội để các DN tham gia ngay từ đầu, nhất là các DN có liên quan đến kinh tế số như hạ tầng, viễn thông, DN những ngành công nghiệp chủ chốt…
“Đây là một sự đổi mới, vì thông thường các cơ quan nhà nước làm nhiệm vụ soạn thảo, xây dựng chính sách, sau đó lấy ý kiến phản biện xã hội, trong đó có DN”, ông Hải nhấn mạnh.