5S - Giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng ngành Y tế
Trong những năm qua, ngành Y tế đã tích cực áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và cải thiện dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân. Trong số đó, có thể kể đến việc rất nhiều bệnh viện áp dụng công cụ 5S trong quản lý chất lượng bệnh viện.
Khái niệm 5S (5S methodology) bắt nguồn từ Nhật Bản vào đầu những năm 1980 của thế kỷ XX. Theo định nghĩa 5S là Seiri (Sàng lọc những thứ không cần thiết tại nơi làm việc và bỏ đi), Seiton (Sắp xếp mọi thứ ngăn nắp để dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy), Seiso (Sạch sẽ vệ sinh thiết bị, dụng cụ và nơi làm việc), Seiketsu (Săn sóc nơi làm việc bằng cách luôn thực hiện 3S trên) và Shitsuke (Sẵn sàng giáo dục rèn luyện để mọi người thực hiện 4S trên một cách tự giác).
5S đã được áp dụng và mang lại hiệu quả cho tất cả các lĩnh vực ở mọi quốc gia trên thế giới. Đây là một phương pháp cơ bản nhưng rất hiệu quả nhằm cải tiến môi trường làm việc, nâng cao năng suất, là nền tảng cơ bản để thực hiện các hệ thống đảm bảo chất lượng.
Tại Việt Nam, có rất nhiều bệnh viện đã áp dụng phương pháp 5S trong quản lý chất lượng bệnh viện. Có thể kể đến các bệnh viện công lập như: Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Trưng Vương thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện đa khoa Trung Ương Quảng Nam… đến các bệnh viện tư nhân như: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu…
Không chỉ các bệnh viện công lập hay bệnh viện tư nhân lớn áp dụng 5S mà các bệnh viện, phòng khám tại các tỉnh cũng áp dụng mô hình này. Việc các đơn vị y tế áp dụng thành công phương pháp này chính là tiền đề cho việc ứng dụng phương pháp “tinh gọn trong y tế” (Lean Hospital) giúp cho hoạt động của bệnh viện trôi chảy, tinh gọn, giảm chi phí vận hành và nâng cao chất lượng trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh.
Các bệnh viện thực hiện 5S đã cho thấy rõ hiệu quả thiết thực như: dụng cụ y tế được sắp xếp gọn gàng, thuận tiện cho quá trình sử dụng và bảo quản, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian và chi phí, tiết kiệm đáng kể văn phòng phẩm.
Ngoài 5S thì ngành Y tế thời gian qua còn áp dụng rất nhiều công cụ cải tiến khác nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và cải thiện dịch vụ khám chữa bệnh. Đã có một số bệnh viện đi tiên phong trong việc áp dụng các phương pháp và mô hình quản lý chất lượng mang lại hiệu quả thiết thực góp phần hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Có thể kể đến Bệnh viện Nhi Đồng I, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí áp dụng mô hình TQM/CQI; Bệnh viện FV, Bệnh viện mắt Cao Thắng áp dụng mô hình công nhận chất lượng HAS, JCI. Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập đơn vị Quản lý Rủi ro và nhiều bệnh viện khác đã áp dụng tiêu chuẩn ISO và các phương pháp tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Các bệnh viện thực hiện 5S đã cho thấy rõ hiệu quả thiết thực như: dụng cụ y tế được sắp xếp gọn gàng, thuận tiện cho quá trình sử dụng và bảo quản, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian và chi phí, tiết kiệm đáng kể văn phòng phẩm. Ngoài ra, 5S còn tạo dựng môi trường gọn gàng, khoa học, tạo hưng phấn cho người lao động.
Với vai trò quan trọng của 5S, để phát triển đội ngũ cán bộ có kiến thức và kỹ năng trong việc triển khai áp dụng và đánh giá thực hành 5S, các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh cần chú trọng và đẩy mạnh công tác đào tạo. Nguồn nhân lực này được coi là “hạt nhân” trong việc triển khai và duy trì 5S tại các đơn vị và góp phần lan tỏa văn hóa 5S ra toàn ngành y tế.
Theo đó, Viện Năng suất Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình tập huấn “Hướng dẫn áp dụng và triển khai đánh giá 5S tại Bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh” cho cán bộ nhân viên của nhiều Bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước. Thông qua khóa đào tạo thực hành 5S do Viện Năng suất Việt Nam tổ chức, các học viên có thêm kiến thức về 5S và học hỏi kinh nghiệm triển khai thực tế đã tạo động lực cho các cán bộ trong việc quyết tâm triển khai 5S tại đơn vị mình.