6 điểm nghẽn về thể chế và quản trị ở Việt Nam

Thanh Giang

Nội dung này được Nhóm đối tác phát triển đưa ra tại Hội thảo khoa học về các văn bản và khuyến nghị chính sách của DPG đóng góp cho xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 được Bộ Kế hoach và Đầu tư tổ chức mới đây.

DPG nhận định, vấn đề tham nhũng là điểm nghẽn cần lưu tâm
DPG nhận định, vấn đề tham nhũng là điểm nghẽn cần lưu tâm

6 điểm nghẽn cơ bản

Tại Hội thảo, các chuyên gia Nhóm đối tác phát triển (DPG) đã đưa ra sáu điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là: Tính minh bạch không đầy đủ và trách nhiệm giải trình yếu; Tham nhũng vẫn được xem là tràn lan; Quy trình lập pháp còn rườm rà và thiếu sự tham vấn công chúng đầy đủ; Thách thức trong việc đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của người dân; Năng lực của chính quyền và bộ máy hành chính còn yếu trong khi khâu điều phối liên bộ, ngành chưa đủ; Thiếu sự tiên lượng, khả năng thích ứng và sự lanh lẹ kịp thời.

Theo các chuyên gia, tính minh bạch không đầy đủ và trách nhiệm giải trình yếu, thể hiện ở: Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam, Chỉ số Ngân sách mở (OBI).

“Các chỉ số này cho thấy thiếu thông tin chất lượng và đáng tin cậy về các vấn đề công và tiến trình xây dựng chính sách một cách kịp thời”…

Khẳng định điều này, các chuyên gia DPG nêu rõ: Yêu cầu pháp lý cho sự minh bạch không phải lúc nào cũng được thực thi; Việc thiếu minh bạch cũng hạn chế khả năng công dân yêu cầu chính quyền phải chịu trách nhiệm giải trình; Hệ thống kiểm soát quyền lực hiệu quả giữa các cơ quan khác nhau của Nhà nước còn hạn chế; Niềm tin vào hệ thống tư pháp tương đối thấp, cả khu vực doanh nghiệp và cá nhân công dân…

Bên cạnh đó, vấn đề tham nhũng cũng là điểm nghẽn cần lưu tâm. DPG đánh giá: Bất chấp những nỗ lực trong phòng, chống tham nhũng, hối lộ vẫn lan rộng. Các nhóm lợi ích với đầy quyền lực áp dụng các cách thức quản trị có thể không bị coi là bất hợp pháp hoặc tham nhũng, nhưng điều đó vẫn có thể làm suy yếu sự phân bổ tài nguyên một cách minh bạch cũng như bình đẳng về cơ hội.

Giải pháp khắc chế

Trên cơ sở những điểm nghẽn trên, DPG khuyến nghị, Việt Nam cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan và công chức nhà nước. 

Theo đó, trước tiên cần tăng cường tính minh bạch, gồm minh bạch ngân sách và truy cập thông tin; Tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan và công chức nhà nước bằng cách tăng cường tính độc lập của các thể chế như các cơ quan tư pháp, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan giám sát khác, bao gồm việc thông qua và áp dụng các bộ quy tắc ứng xử;

Đồng thời với đó, cần nâng cao hiệu quả việc thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), bao gồm cả việc công khai tài sản của các quan chức nhà nước và buộc người đứng đầu các tổ chức chịu trách nhiệm về tham nhũng trong tổ chức của họ; Thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập; Tăng cường năng lực của Kiểm toán Nhà nước và tăng cường theo dõi việc thực hiện các kết luận và khuyến nghị kiểm toán…

Cùng với đó, Việt Nam cần thúc đẩy sự tham gia của công chúng, nâng cao hiệu quả của Chính phủ, bao gồm thúc đẩy cải cách hành chính. Đặc biệt, Việt Nam cần chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển dịch theo hướng mô hình quản trị nhà nước tiên lượng.

“Các thiết chế mạnh mẽ và quản trị nhà nước tốt không thể đạt được trong ngắn hạn, vì vậy quan trọng là phải xây dựng một kế hoạch từng bước để cải thiện tình hình một cách ổn định”, DPG khuyến cáo.

Theo các nhà khoa học, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ 2021-2030, Chính phủ cần quan tâm đến các vấn đề: Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn; các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn; các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với bối cảnh Việt Nam; tái cơ cấu khu vực tài chính và ngân hàng của Việt Nam; vai trò của khu vực kinh tế tư nhân; Nguồn vốn con người và phát triển xã hội…