6 trọng tâm của ngoại giao kinh tế

Gia Hân

Trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 18/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nêu rõ 6 trọng tâm trong ngoại giao kinh tế, cùng những giải pháp để đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã triển khai đồng bộ, sáng tạo 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, gồm ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.

Đề cập đến vấn đề về ngoại giao kinh tế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu ra 6 trọng tâm trong ngoại giao kinh tế thời gian tới cụ thể:

Thứ nhất, phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đã thiết lập và nâng tầm quan hệ; qua đó xác định những trọng tâm hợp tác trong từng lĩnh vực với các đối tác và trên cơ sở đó sẽ thông tin cho các địa phương, bộ ngành để cùng nhau phối hợp triển khai để tranh thủ tốt nhất cơ hội mở ra.

Thứ hai, tăng cường công tác nghiên cứu, phát hiện và kết nối các cơ hội để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.

Thứ ba, đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hợp tác về chuyển đổi năng lượng.

Thứ tư, hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực địa phương, doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn của đất nước ta; triển khai bằng các dự án hợp tác rất cụ thể.

Thứ năm, phát huy lợi thế, nâng cao hơn nữa vai trò ngoại giao trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ cho điều hành của Chính phủ và các cơ quan của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ sáu, tham gia đóng góp tích cực vào các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương, duy trì được chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

Quang cảnh Phiên họp chiều 18/3.
Quang cảnh Phiên họp chiều 18/3.

Liên quan đến vấn đề về xuất nhập khẩu sang một số đối tác còn khó khăn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, xuất khẩu sang thị trường EU bị giảm trong năm 2023 do chính các thị trường này cũng gặp khó khăn về kinh tế, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu giảm. Đồng thời, các nước có những quy định mới, chính sách mới. Vì vậy, Bộ Ngoại giao đã phối hợp thông tin đến các bộ, ngành và các doanh nghiệp về những quy định mới để tiếp tục tháo gỡ. 

Theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn -  Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, thị trường Trung Đông, Châu Phi đang nổi lên là một trong những thị trường rất tiềm năng của xuất khẩu Việt Nam. Vì thế, đại biểu đoàn Bến Tre đã đề nghị Bộ Ngoại giao có giải pháp hỗ trợ các địa phương cũng như các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản, trái cây sang các thị trường này.

Trả lời đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành triển khai một số giải pháp. Trong đó là chỉ đạo các cơ quan đại diện tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư du lịch, quảng bá các sản phẩm thế mạnh vào khu vực Trung Đông, châu Phi, đặc biệt là khu vực vùng Vịnh. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh, nhất là các sản phẩm đồ gỗ sang các thị trường Trung Đông, châu Phi....