7 khuyến nghị cần ưu tiên đối với kinh tế Việt Nam
"Việt Nam nổi lên thành quốc gia thu nhập trung bình với một nền kinh tế năng động". Đó là nhận định của bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo đánh giá Quốc gia (SCD).
Theo Báo cáo đánh giá Quốc gia, WB đánh giá, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì bền vững những thành tựu đã đạt được và hoàn thành các mục tiêu mới đặt ra cho tương lai, WB đã khuyến nghị những ưu tiên cần làm của Việt Nam.
Một là, Việt Nam cần ưu tiên những chính sách thích hợp hướng đến giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số. Theo thống kê của WB, đến năm 2020, 84% số người vẫn còn nghèo là người dân tộc thiểu số.
Hai là, cần cung cấp hạ tầng phục vụ sản xuất và các đô thị có năng lực cạnh tranh. Tắc nghẽn hiện tại về hạ tầng có nguy cơ gây trở ngại cho tăng trưởng và tạo việc làm, đặc biệt ở các ngành dịch vụ, các ngành sản suất và chế biến đem lại giá trị gia tăng cao. Nên đặt mục tiêu huy động sự tham gia tích cực hơn của khu vực tư nhân về đầu tư vốn và cung cấp trực tiếp hạ tầng.
Ba là, tăng cường các thể chế thị trường và quản lý kinh tế vĩ mô bởi dù Việt Nam đã duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng nợ công tăng và khu vực tài chính đang rất dễ tổn thương do đang tồn tại nhiều nguy cơ. Bên cạnh đó là những tồn tại của các thể chế thị trường chưa đầy đủ, và môi trường đầu tư phiền toái là những trở ngại cho tăng trưởng năng suất, đặc biệt đối với khu vực tư nhân trong nước.
Bốn là, chuyển đổi nông nghiệp và sử dụng tài nguyên. Cách thức sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vừa cho năng suất thấp gây tác động xấu đến môi trường với mức độ tương đối lớn và rộng.
Vì năng suất thấp, công nghệ kém nên phải mở rộng diện tích diện tích trồng, lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu và nước cho cây trồng, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Cần được thay đổi bằng các biện pháp nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi từ quy trình sản xuất đến công nghệ để nâng cao năng suất.
Cần hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và hệ thống phân phối thực phẩm nông sản đang phát triển. Hội nhập theo chiều dọc trong chuỗi giá trị, cải thiện chất lượng và đầu tư cho chế biến thực phẩm giúp tạo ra việc làm chất lượng cao và đẩy mạnh sinh kế ở nông thôn.
Năm là, điều chỉnh cung cấp các dịch vụ công về y tế, an sinh xã hội và giáo dục cho phù hợp với những kỳ vọng mới và cấu trúc dân số thay đổi.
Sáu là, là nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm môi trường.
Bảy là, phải quan tâm hiện đại hóa những thể chế cốt lõi để tạo điều kiện tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế thu nhập trung bình đang phát triển nhanh chóng.