8 lợi ích của việc triển khai mô hình nhóm chất lượng

Tĩnh Đồng

Nhóm kiểm soát chất lượng (QCC) có thể áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp. Lợi ích từ việc triển khai và vận hành QCC với doanh nghiệp nói chung và các thành viên trong QCC nói riêng là rất lớn.

Để có thể vận hành QCC hiệu quả, phía doanh nghiệp cần xem trọng công tác QCC. Ảnh: Internet
Để có thể vận hành QCC hiệu quả, phía doanh nghiệp cần xem trọng công tác QCC. Ảnh: Internet

Tạo đồng thuận, nhất quán trong giải quyết vấn đề

QCC là một nhóm gồm những người làm chung một công việc (hoặc các công việc có sự liên quan tới nhau) cùng tự nguyện họp lại để thảo luận, trao đổi, phân tích và giải quyết các vấn đề liên quan tới công việc (thường là về quản lý chất lượng, cải tiến, môi trường làm việc, các vấn đề của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình).

Hiểu một cách đơn giản, trong một nhà máy sẽ có một nhóm công nhân có công việc liên quan cùng ngồi lại thảo luận về việc tìm ra cách cải tiến, giải quyết vấn đề đang gặp phải hoặc họp tìm một ý tưởng sáng tạo thì đây là QCC.

QCC thường chỉ quy tụ từ 6 - 10 người để tránh ảnh hưởng tới vận hành công việc, thuận tiện trong việc tập hợp các thành viên trong nhóm, dễ dàng kiểm soát buổi gặp mặt.

Các thành viên của QCC là những người có chung một công việc hoặc có các công việc riêng nhưng có sự liện quan. Việc tham gia các buổi họp mặt sẽ được dựa trên tinh thần tự nguyện.

Các thành viên trong QCC cũng cần nắm về khái niệm quản lý và kiểm soát chất lượng, biết cách sử dụng các công cụ quản lý chất lượng (điển hình là 7 QC Tools, các công cụ Lean), các phương pháp giải quyết vấn đề (điển hình là 8D) và kỹ năng làm việc nhóm.

Ngoài ra, thành viên của QCC thường là thành viên ban ISO (ISO 9001), một phần của hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM) hoặc ban kiểm soát của công ty.

Lợi ích từ việc triển khai và vận hành QCC với doanh nghiệp và cả các thành viên trong QCC là rất lớn như: Tạo sự đồng thuận, nhất quán trong việc giải quyết vấn đề hoặc cải tiến; tạo ra một môi trường làm việc có sự tôn trọng con người và ý nghĩa công việc.

Cạnh đó, khai tác tối đa tiềm năng về con người của doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp; nâng cao năng lực và khả năng giải quyết vấn đề của nhân viên.

Cải thiện khả năng trao đổi thông tin trong doanh nghiệp (giữa nhân viên với nhân viên, giữa nhân viên với quản lý/ quản đốc); giảm lãng phí, nâng cao năng xuất lao động và thu nhập của người lao động.

Nâng cao được nhận thức của nhân viên về chất lượng, từ đó nâng cao được chất lượng của sản phẩm và dịch vụ, giảm được phiền hà và than phiền của khách hàng; xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng tới việc cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ (văn hóa chất lượng).

Trở ngại lớn khi doanh nghiệp chưa thực sự hiểu về QCC

Các chuyên gia năng suất, chất lượng cho biết: Thông thường, việc thực hiện dự án của QCC sẽ được áp dụng theo phương pháp 8D, do đó có quy trình các bước thực hiện có phần tương tự như sau: Chọn đề tài và nhận diện vấn đề; tìm hiểu và nắm bắt hiện trạng; phân tích hiện trạng; thiết lập mục tiêu và lập kế hoạch hoạt động (sử dụng SMART); phân tích nguyên nhân gốc rễ; lựa chọn đối sách cho vấn đề và hành động; xác nhận kết quả, tiêu chuẩn hóa và làm báo cáo.

Ngày nay, có nhiều doanh nghiệp thuộc 60 quốc gia đã triển khai mô hình QCC. Tại Việt Nam, QCC thường được các doanh nghiệp từ Nhật Bản triển khai, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất.

Tại một số doanh nghiệp, QCC được tổ chức có tuổi thọ ngắn để có thể giải quyết một số vấn đề phát sinh nhất định, hay một vấn đề cụ thể như cải tiến một quy trình phòng ban, thiết kế một sản phẩm mởi, khắc phục lỗi của một sản phẩm...

Để có thể vận hành QCC hiệu quả, phía doanh nghiệp cần xem trọng công tác QCC. Các thành viên trong nhóm QCC phải nhận thức được tầm quan trọng của QCC, biết cách sử dụng các công cụ cần thiết và có các kỹ năng phù hợp để đảm bảo trọng tâm của QCC đó là con người là trọng tâm.

Từ thực tiễn cho thấy, trở ngại rất lớn của doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai mô hình QCC thời gian qua là: Những khác biệt về kinh tế, văn hóa và cách quản trị; doanh nghiệp chưa thực sự hiểu về QCC; doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm xây dựng và vận hành QCC.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp chỉ xây dựng QCC ở mức phong trào, không quá quan tâm tới việc vận hành; các thành viên chưa được đào tạo về các kỹ năng và năng lực cần thiết; công tác QCC chưa được xem trong, khi rảnh mới làm...