80% doanh nghiệp tự chuyển giao công nghệ từ trong nước
Dù được kỳ vọng rất nhiều vào sự chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, song những gì đã diễn ra trong 5 năm qua đã khiến không ít người phải giật mình khi có tới 80% doanh nghiệp nội đều có xu hướng được chuyển giao từ trong nước.
Trong báo cáo kết quả điều tra “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam: Kết quả điều tra từ các năm 2010 - 2014”, ngoài các doanh nghiệp có vốn hoàn toàn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu, phần lớn các doanh nghiệp trong nước không nhận được chuyển giao công nghệ nào từ việc tương tác với các doanh nghiệp nước ngoài kể từ nhà cung cấp, khách hàng hoặc đối thủ cạnh tranh.
Thay vào đó, công nghệ có xu hướng được chuyển giao từ các doanh nghiệp trong nước, điều này nói lên chính sách không nên chỉ chú trọng tới hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài mà còn phải chú trọng tới các kênh chuyển giao công nghệ trong nước.
Báo cáo cũng cho biết, sự lan tỏa công nghệ là lý do chủ yếu cho các chính sách giảm thuế thu hút FDI và kỳ vọng rằng các doanh nghiệp trong nước cùng ngành sẽ được hưởng lợi từ kiến thức của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn sự chuyển giao công nghệ lại đến từ các doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, trong 5 năm qua, nếu xem xét cả doanh nghiệp trong cùng ngành và khác ngành, có khoảng 80% chuyển giao công nghệ đã diễn ra giữa các doanh nghiệp trong nước; các công ty nước ngoài cùng và khác lĩnh vực chỉ chiếm dưới 20% chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước.
Mặc dù đã có một số thay đổi rõ ràng giữa các năm như năm 2009 chỉ có 1% công nghệ được chuyển giao từ các công ty nước ngoài thì đến năm 2013 đã có khoảng 10% chuyển giao công nghệ đến từ các công ty này, nhưng đáng tiếc là sau đó lại giảm tới một phân ba. Xu hướng này được giải thích chủ yếu là do bản chất cạnh tranh của mối quan hệ giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
“Hiện tượng chèn ép doanh nghiệp địa phương là một quan ngại vì chiến lược của các doanh nghiệp trong nước thường dựa trên việc sao chép và thích ứng kinh nghiệm của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong khi các doanh nghiệp nước ngoài lại không dễ dàng tiết lộ các bí quyết” – báo cáo cho biết.
Trên thực tế, đầu vào cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là từ Việt Nam, theo báo cáo có khoảng 70% doanh nghiệp tìm nguồn cung ứng đầu vào độc quyền từ thị trường trong nước; chỉ có 5% doanh nghiệp mua nguyên liệu đầu vào độc quyền ở nước ngoài, trong khi khoảng 15% các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung ứng đầu vào từ cả thị trường trong nước và ngoài nước. Điều này cho thấy nguồn cung cấp nguyên liệu chính là từ các địa phương.
Một điểm đáng lưu ý, sự chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam là liên quan đến sự dịch chuyển lao động. Các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, kỹ năng và kinh nghiệm của nhân viên mới là nguồn quan trọng của chuyển giao công nghệ, 84% người lao động của các doanh nghiệp này là công dân Việt Nam, 15,5% là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và 0,5% còn lại là người hồi hương. Qua khảo sát cho thấy, tác động lan tỏa từ chuyển giao công nghệ tại Việt Nam không phải đến từ các nguồn nước ngoài, mà là các doanh nghiệp trong nước trong trường hợp coi sự chuyển giao công nghệ như là một kênh của công nghệ mới.
Báo cáo cho rằng, mức độ cạnh tranh trong một thị trường cụ thể có ý nghĩa đối với việc phân phối và lợi thế của tác động lan tỏa. Sự tham gia của các công ty nước ngoài có thể dẫn tới sự cạnh tranh lớn hơn, từ đó có thể tăng năng suất của doanh nghiệp trong nước bằng cách giảm bớt sự kém hiệu quả hoặc cũng thể làm giảm năng suất bằng cách giảm thị phần. Đây là điều mà Việt Nam cần xem xét ngay cả khi thu được những lợi ích từ việc xuất khẩu.
Theo phân tích của báo cáo, mặc dù các doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi từ các liên kết ngược thông qua hoạt động xuất khẩu như tăng cường quan hệ với khách hàng nước ngoài, song sự cải thiện về năng suất cũng chỉ được thể hiện rõ ở các doanh nghiệp có cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nguyên nhân chủ yếu là do những hạn chế về tài chính trong khi việc cải tiến công nghệ của doanh nghiệp lại phụ thuộc vào nguồn vốn sẵn có, vì thế rất cần có những chính sách bổ sung trong việc thu hút và quản lý FDI để có được hiệu ứng lan tỏa.
Các chuyên gia cho rằng, để đối mặt với những khó khăn tài chính, các doanh nghiệp cần đầu tư vào cải thiến công nghệ vì đây là phương thức tối ưu để cải thiện sản xuất.
Tiếp theo cần xây dựng cơ chế tín dụng minh bạch, sẵn có và ưu đãi so với mức cho vay thông thường. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích đầu tư cả trong và ngoài nước, hợp tác trong hoạt động nghiên cứu phát triển và cải tiến kỹ thuật cần phải được xem xét một cách nghiêm túc.