9 tháng, tăng trưởng tín dụng ước đạt 11,02%

PV.

Theo số liệu mới nhất của Tống cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,02%, cao hơn mức tăng 10,46% của cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong đó, tính đến thời điểm 20/9/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,59% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 11,76%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,08% (cùng kỳ năm 2016 tăng 12,02%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,02% (cùng kỳ năm trước tăng 10,46%).

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống.

Trước đó, từ ngày 10/7/2017, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành thêm 0,25% và thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ. Các tổ chức tín dụng cũng tích cực thực hiện các chính sách và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất, như lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được các ngân hàng giảm 0,5%/năm; đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh được giảm 0,5%-1%/năm.

Ngoài ra, các ngân hàng còn đồng thời giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn 8%/năm. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Đặc biệt đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 4%-5%/năm.