Tăng tín dụng và áp lực điều hành
Mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 21% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đang được NHNN nỗ lực thực hiện.
Nhiều cảnh báo tăng trưởng tín dụng
Song xem ra ngày càng có nhiều cảnh báo về rủi ro xung quanh việc tăng trưởng tín dụng nóng của Việt Nam. Điều này cho thấy NHNN đang phải gánh trên vai trách nhiệm vừa phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng, vừa phải có sự điều chỉnh hợp lý để tín dụng chảy vào những lĩnh vực cần thiết, nhằm giảm thiểu rủi ro và đóng góp hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.
Trong buổi Báo cáo “Cập nhật triển vọng phát triển châu Á năm 2017” mới đây, các chuyên gia của NH Phát triển châu Á (ADB) đã bày tỏ lo ngại rủi ro khi Việt Nam kích thích tăng trưởng bằng nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa.
Bởi bất kỳ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nào cũng sẽ làm trầm trọng thêm nợ xấu vốn đã và đang là vấn đề nghiêm trọng của hệ thống NH. Trước đó, sau đợt tham vấn thường niên về tình hình kinh tế Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, tín dụng của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong 2 năm qua, khiến tỷ lệ tín dụng/GDP tăng thêm 23,5%.
Nếu tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 của Việt Nam đạt mục tiêu 15-17%, tỷ lệ tín dụng/GDP sẽ còn nới rộng hơn nữa và mức độ rủi ro ổn định tài chính sẽ cao hơn.
Đồng tình với IMF, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng, quyền Giám đốc Quốc gia của NH Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng mặc dù tăng trưởng GDP với hàm lượng tín dụng cao nhằm hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư, nhưng tín dụng tăng nhanh có thể làm gia tăng quan ngại về chất lượng tài sản, đặc biệt khi những rủi ro trên bảng cân đối liên quan đến nợ xấu được tích lũy những năm qua chưa được giải quyết triệt để.
Trong báo cáo mới đây, nhóm nghiên cứu của HSBC cũng nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2017, tín dụng đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 6 năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng kỳ vọng sẽ còn tăng tiếp trong quý IV-2017 và dễ dàng vượt mức 18,3% của năm 2016. Nếu tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm vẫn tương ứng với tốc độ tăng trưởng của năm ngoái, đến cuối năm sẽ đạt mức 19,3%. Thực tế, việc cắt giảm lãi suất của NHNN trong tháng 7 sẽ giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng và đạt được mục tiêu mới 21%.
Chính sách tài khóa cũng phải có điều chỉnh hợp lý, không chỉ quan tâm nguồn thu, đầu vào ngân sách mà phải quan tâm đầu ra, sử dụng ngân sách như thế nào, giải quyết vướng mắc trong đầu tư công, xử lý tham nhũng… để tăng hiệu quả cho nền kinh tế. Đó là vấn đề cần phải sớm hoàn thiện để cùng với chính sách tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng, thay vì đặt quá nhiều yêu cầu lên chính sách tiền tệ đến cuối cùng sẽ dẫn đến sự mất cân đối.
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU
Thực ra tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành NH, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả. Thí dụ, các lĩnh vực liên quan đến bất động sản cho thấy vẫn đang góp phần nhiều nhất cho tổng tăng trưởng tín dụng cả nước, mặc dù trong những tháng gần đây sự đóng góp của bất động sản đã giảm. Ngoài ra, các DNNN hiện đang hấp thụ một lượng tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế Việt Nam so với các DN vừa và nhỏ.
Do đó, tăng trưởng tín dụng cao không đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát, có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai.
Điều hành của Ngân hàng Nhà nước
Điều hành của Ngân hàng Nhà nước
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, việc đẩy tín dụng là cần thiết. Tuy nhiên, tăng lên mức 21% là rất cao. Vì theo thông lệ, tín dụng tăng trưởng 2,5 lần tăng trưởng GDP là phù hợp, nếu GDP tăng trưởng 6,7% thì tín dụng chỉ tăng khoảng 16,75%. Nếu tăng tín dụng lên mức 21% sẽ đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông, làm tăng lạm phát và có thể dẫn đến tình trạng cho vay ồ ạt, dẫn đến rủi ro về tín dụng.
Đồng thời, để tăng tín dụng nhanh, các NH thường nhắm vào những lĩnh vực hút vốn nhanh và lớn là bất động sản và chứng khoán, còn lĩnh vực sản xuất kinh doanh hấp thụ vốn chậm hơn do nếu vay phải có phương án sản xuất kinh doanh và phải theo tiến độ của chu trình sản xuất kinh doanh. Nếu như vậy, tín dụng sẽ không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, để vừa thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng kích thích tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được những rủi ro này, trách nhiệm của NHNN rất lớn. NHNN cần phải hỗ trợ, hướng dẫn các NHTM đưa tín dụng vào những lĩnh vực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, NHNN với vai trò là nhà quản lý cao nhất trong hệ thống NH phải có hướng dẫn, khuyến cáo và qua thanh tra giám sát có thể biết NH nào hay đẩy tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro để có yêu cầu điều chỉnh lại. Mặt khác, NHNN có thể dùng công cụ chính sách tiền tệ như lãi suất, dự trữ bắt buộc và thị trường mở để hãm phanh việc tăng lạm phát.
Trước nay, NHNN thường sử dụng công cụ thị trường mở để hút vốn nhưng 2 công cụ còn lại, nhất là công cụ dự trữ bắt buộc rất ít sử dụng. Vì vậy, để ngăn chặn rủi ro, NHNN có thể dùng công cụ dự trữ bắt buộc để hạn chế thanh khoản của các NH, từ đó các NH đưa vốn đến đúng nơi; sử dụng công cụ lãi suất điều hành, trong đó có lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu để giảm chi phí vốn hỗ trợ các NH giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. NHNN là cơ quan chủ quản, đứng trên vai trò nhà điều hành chính sách tiền tệ, NHNN không trực tiếp cho vay nhưng có thể điều động các NHTM cho vay đúng địa chỉ và hiệu quả, từ đó mới thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế.
Cần sự san sẻ chính sách tài khóa
Cần sự san sẻ chính sách tài khóa
Trước yêu cầu tăng tín dụng lên 21% của Chính phủ và các bước chuẩn bị của NHNN để thực hiện mục tiêu này, một số chuyên gia đã khuyến cáo thực thi chính sách cũng phải tính đến đường rút lui. Chẳng hạn năm nay tăng trưởng tín dụng lên 21-22% chưa tác động đến kinh tế vĩ mô, nhưng năm tới sẽ khó lùi mục tiêu tăng trưởng tín dụng về 17-18%, còn nếu đặt mục tiêu tín dụng cao hơn năm trước sẽ gia tăng rủi ro.
Song theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, không nhất thiết năm nào cũng tăng tín dụng giống nhau, mà mục tiêu tăng trưởng tín dụng dựa trên nhu cầu của nền kinh tế từng thời điểm. Năm nay, nếu đầu tư ổn sẽ tạo ra tăng trưởng tiềm năng, vì đầu tư năm nay chưa tác dụng ngay mà phải chờ đến năm tới. Hiện nay tăng trưởng tiềm năng chỉ còn ở mức 6,2-6,3%, nên việc tăng đầu tư thông qua đẩy các yếu tố tài nguyên, lao động, vốn cũng sẽ hỗ trợ đẩy tăng trưởng tiềm năng lên và giảm áp lực cho năm tới.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, không có quy luật tín dụng phải tăng cao hơn năm trước vì mỗi năm có độ tăng trưởng khác nhau. Đối với Việt Nam, tăng tín dụng hơn 20% như hiện tại là do đòi hỏi, yêu cầu của nền kinh tế, nhưng các năm tới tăng trưởng tín dụng ở mức nào phải dựa vào quy mô của nền kinh tế và tùy theo nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, trong một quốc gia, 2 chính sách tác động mạnh đến nền kinh tế là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Về chính sách tiền tệ, NHNN là cơ quan chủ trì, còn về chính sách tài khóa do Bộ Tài chính chủ trì. Nếu chỉ đặt gánh nặng thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên chính sách tiền tệ sẽ không có sự cân bằng cho nền kinh tế.