Bộ Tài chính: Kịp thời phổ biến pháp luật về tài chính


Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật, bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về tài chính là một trong những nội dung lớn theo Quyết định số 1173/QĐ-BTC ban hành ngày 7/8/2020 của Bộ Tài chính về Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Ngày Pháp luật tài chính năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thường xuyên, kịp thời phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tài chính nói riêng có vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong công cuộc đổi mới của nước ta hiện nay.

Trong nhiều năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tài chính trong ngành Tài chính đã được các đơn vị nhận thức, quan tâm, chỉ đạo và thực hiện kịp thời, thường xuyên. Nhu cầu thông tin pháp luật về tài chính của cán bộ quản lý tài chính, của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài chính và nhân dân trong thời gian qua cũng đã từng bước được đáp ứng đầy đủ.

Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin pháp luật, nhất là các luật mới ban hành đến cán bộ công chức tài chính, các cơ quan, tổ chức, cá nhân để nắm bắt và tổ chức thực thi hiệu quả, đồng thời gắn phổ biến pháp luật với xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật tài chính.

Trên cơ sở chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, Chiến lược tài chính đến năm 2020 và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, với chức năng là một bộ đa ngành, đa lĩnh vực, có phạm vi quản lý rất rộng, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 6 luật; trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 07 nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp, chính sách tài chính; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua 07 nghị quyết của UBTVQH; trình Chính phủ ban hành 138 nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 36 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 740 thông tư, trong đó có nhiều văn bản ban hành đã hướng tới việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước…

Qua đó, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin pháp luật, nhất là các luật mới ban hành đến cán bộ công chức tài chính, các cơ quan, tổ chức, cá nhân để nắm bắt và tổ chức thực thi hiệu quả, đồng thời gắn phổ biến pháp luật với xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật tài chính.

Trong đó, thể chế pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quản lý thuế được hoàn thiện theo đúng lộ trình, vừa bảo đảm yêu cầu về hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, vừa đáp ứng yêu cầu cải cách hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, đầu tư, đổi mới công nghệ…Qua đó, góp phần tạo môi trường sản xuất kinh doanh ngày càng thuận lợi, tạo điều kiện khai thác các nguồn lực và sức sản xuất của các thành phần kinh tế.

Pháp luật về tài chính, ngân sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đẩy mạnh và tăng cường phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, bảo đảm tính thống nhất của ngân sách nhà nước và vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; đồng thời phát huy tính chủ động của ngân sách cấp chính quyền địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch, công khai trong quản lý ngân sách. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu chi ngân sách; tăng cường giám sát việc huy động, phân bổ nguồn lực tài chính, huy động vốn vay, trả nợ, quản lý nợ công; bảo đảm an toàn và an ninh tài chính quốc gia; góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tạo cơ chế để từng bước đổi mới quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ được ngân sách nhà nước cấp kinh phí.

Đối với một số lĩnh vực khác như quản lý tài sản công, quản lý nợ công, chứng khoán… hệ thống pháp luật cũng tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Đặc biệt, trong 06 tháng đầu năm 2020, trước bối cảnh nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 kèm theo những tác động không thuận của kinh tế thế giới, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 03 Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020); trình Chính phủ trình UBTVQH thông qua 02 Nghị quyết của UBTVQH và đang trình Chính phủ để trình UBTVQH đối với 03 Nghị quyết của UBTVQH. Đồng thời, trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 70 Thông tư.

Qua đó, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid 19 đã được kịp thời thể chế hóa và đi vào cuộc sống như Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; nhiều thông tư giảm từ 30% đến 50% mức phí, lệ phí trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chứng khoán nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19...

Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật lĩnh vực tài chính

Ngày 7/8/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1173/QĐ-BTC về Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Ngày Pháp luật tài chính năm 2020. Theo đó, Bộ Tài chính đặt ra các yêu cầu phải kịp thời phổ biến, tuyên truyền luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài chính mới ban hành, đặc biệt là các nội dung các Luật được thông qua tại kỳ họp Quốc hội khóa 8,9 như: Bộ luật Lao động sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành quy phạm pháp luật...

Việc tổ chức thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm để đạt hiệu quả công tác cao nhất. Các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cần bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính, phát huy thế mạnh của từng đơn vị. Đồng thời, gắn hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, công tác soạn thảo văn bản, hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo chức năng.

Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2020 của Bộ Tài chính còn được thực hiện thông qua các hoạt động triển khai Ngày Pháp luật Tài chính và Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2020. Công tác thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng mà nòng cốt là các báo, tạp chí ngành Tài chính, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tạo kênh thông tin quan trọng trong việc lấy ý kiến rộng rãi đối với văn bản quy phạm pháp luật ngay trong quá trình soạn thảo.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh việc biên soạn, in ấn các tài liệu, ấn phẩm, tờ rơi, sách hệ thống hóa về văn bản quy phạm pháp luật tài chính… để phổ biến đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của ngành tài chính và đối tượng khác có liên quan.