Bộ Tài chính kịp thời xây dựng, trình Chính phủ dự thảo nghị định thi hành chính sách miễn, giảm thuế

Trần Huyền

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được sớm thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và hiện đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kịp thời xây dựng Nghị định thi hành

Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (giá trị gia tăng) 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được sớm thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế, thuận lợi trong việc xuất hóa đơn cũng như kê khai, nộp thuế và triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Bộ Tài chính đã rất khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 nêu trên.

Hiện nay, dự thảo Nghị định đã được trình Chính phủ sau khi lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như đăng trên Trang thông tin điện tử Chính phủ, Trang thông tin điện tử Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến các chính sách này sẽ có tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 là khoảng 02 nghìn tỷ đồng.

Đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Nguyễn Quốc Hưng cho biết, việc xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ đảm bảo bám sát các nội dung quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Nghị định được xây dựng đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; đồng thời phù hợp với xu thế chung của thế giới về thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về giảm thuế giá trị gia tăng, để thuận tiện cho tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý thuế, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật chuyên ngành, dự thảo Nghị định đã nêu rõ hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng theo các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.

Bộ Tài chính cũng hướng dẫn giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, không phân biệt đối tượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức hay hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Do vậy, việc áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng sẽ không phân biệt phương pháp tính thuế là phương pháp khấu trừ hay phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu. Quy định này nhằm tạo điệu kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân được thụ hưởng chính sách.

Về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể điều kiện cũng như hồ sơ thực hiện trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP để các doanh nghiệp, tổ chức dễ dàng áp dụng.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân hiểu và sớm được thụ hưởng lợi ích từ chính sách giảm thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2022.