Định hướng phát triển thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn 2021-2030

Tuấn Phùng (Tổng hợp)

Ngoài việc bám sát những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, định hướng phát triển thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 cần quan tâm đến những yếu tố đặc thù của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến những xu hướng vận động mới của thị trường tài chính trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ và việc áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế để thị trường tài chính Việt Nam có thể hòa nhập cùng dòng chảy của thị trường tài chính thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: media.warriortrading.com
Ảnh minh họa. Nguồn: media.warriortrading.com

Phát huy tốt vai trò “huyết mạch kinh tế”

Sau 30 năm đổi mới, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường tài chính Việt Nam đã được hình thành và ngày càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong huy động tiết kiệm và phân bổ các nguồn vốn. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế tài chính thế giới biến động phức tạp, liên tục và đa chiều, kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó thị trường tài chính được đánh giá phát triển lành mạnh và an toàn, phát huy tốt vai trò “huyết mạch kinh tế”, đảm bảo tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng và khu vực doanh nghiệp, đồng thời phục vụ hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Tài chính năm 2021 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 16/11/2021, đến nay, Việt Nam đã phát triển đồng bộ các loại thị trường, tái cấu trúc thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức hoạt động trên thị trường để động viên các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô thị trường tài chính không ngừng gia tăng, đáp ứng nhu cầu cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó quy mô thị trường vốn tăng trưởng mạnh, giảm bớt gánh nặng cung ứng vốn của khu vực ngân hàng.

Cụ thể, theo TS. Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP vào năm 2020; dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 30% GDP vào năm 2020; tổng doanh thu ngành Bảo hiểm đạt 2-3% GDP vào năm 2015 và 3-4% GDP vào năm 2020. Trong khi thị trường tiền tệ ngày càng phát triển và đi vào ổn định, tín dụng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu hợp lý, chất lượng tín dụng được cải thiện hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô...

Đánh giá về những kết quả nổi bật trong phát triển thị trường tài chính giai đoạn vừa qua, tại Diễn đàn Tài chính năm 2021, TS. Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng, Việt Nam đã phát triển bộ máy giám sát tài chính đồng bộ, có khả năng phân tích, đánh giá, cảnh báo trung thực mức độ rủi ro của toàn bộ hệ thống tài chính và từng phân đoạn trong hệ thống tài chính. Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và tái cấu trúc thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm và đạt được một số kết quả tích cực. Đặc biệt, trên thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán cũng được tái cấu trúc trên cơ sở nâng cao tiêu chuẩn an toàn và quản trị của các định chế, phù hợp với thông lệ quốc tế, chú trọng giám sát tuân thủ và giám sát rủi ro. Thị trường trái phiếu chính phủ được tái cấu trúc mạnh mẽ nhờ hoàn thiện khung pháp lý, tái cấu trúc hiệu quả kỳ hạn trái phiếu chính phủ trong danh mục. Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ từ năm 2016, góp phần giảm gánh nặng cho tín dụng ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cũng theo TS. Vũ Nhữ Thăng, hệ thống định chế tài chính hoạt động ngày càng lành mạnh, an toàn, chuẩn mực hơn, mô hình quản trị công ty, kiểm soát rủi ro được cải tiến và dần tiệm cận thông lệ quốc tế. Khuôn khổ pháp lý cho thị trường tài chính dần được hoàn thiện, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển ổn định và bền vững của hệ thống tài chính...

Định hướng phát triển thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn 2021-2030

Theo TS. Vũ Nhữ Thăng, đối với Việt Nam, để xây dựng một thị trường tài chính lành mạnh và hiệu quả, cần phải tập trung cải cách khu vực tài chính dựa trên quan điểm khuyến khích, nghĩa là thiết lập một hệ thống các quy định và chế tài để các thành viên thị trường nhận thức đó là lợi ích tốt nhất trên cơ sở đó hành động một cách hiệu quả và thận trọng. Theo đó, Chính phủ có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm khung pháp lý, quy định và chính sách giám sát đầy đủ, hoàn thiện. Bên cạnh đó, cần theo dõi sát sự vận động của các xu hướng của thị trường tài chính trong tương lai để có sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho thị trường tài chính trong nước phát triển nhanh và đúng hướng...

Chuyên gia này cũng cho rằng, định hướng phát triển thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 cần bám sát những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó là những định hướng lớn liên quan đến những yếu tố đặc thù của thị trường tài chính Việt Nam, đơn cử như hài hòa về mặt cấu trúc giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, về tái cơ cấu các TCTD, về phát triển và nâng hạng thị trường chứng khoán, sự tham gia sâu hơn của khu vực bảo hiểm để cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế... Đồng thời, định hướng trong giai đoạn này cũng cần đặc biệt quan tâm đến những xu hướng vận động mới của thị trường tài chính trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ và việc áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế để thị trường tài chính Việt Nam có thể hòa nhập cùng dòng chảy của thị trường tài chính thế giới.

Trao đổi về định hướng phát triển thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tại tại Diễn đàn Tài chính năm 2021, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng đưa ra một số định hướng lớn cần được xem xét, gồm:

Một là, phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn với quy mô ngày càng lớn, có tính ổn định, minh bạch, cơ cấu thị trường tài chính phù hợp để hỗ trợ vốn phát triển kinh tế. Theo đó, phát triển thị trường tiền tệ ổn định, minh bạch, hiện đại, phù hợp với định hướng và lộ trình cơ cấu lại thị trường tài chính; Phát triển thị trường vốn theo chiều sâu nhằm gia tăng vốn trung và dài hạn, phục vụ phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia sâu hơn của khu vực bảo hiểm vào thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường vốn để cung ứng vốn trung và dài hạn một cách bền vững; Gia tăng vai trò của các tổ chức trung gian thị trường để giúp thị trường tài chính hoạt động lành mạnh, gia tăng tính minh bạch của thị trường...

Hai là, phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại theo xu hướng của quốc tế về tài chính toàn diện, công nghệ tài chính. Theo đó, phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, các sản phẩm dịch vụ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ, các sản phẩm fintech trong tĩnh vực tiền tệ - ngân hàng... Khuyến khích và sớm có hướng dẫn quản lý sử dụng fintech trong các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán; Nghiên cứu xây dựng cơ chế thử nghiệm đối với các sản phẩm, dịch vụ chứng khoán áp dụng công nghệ fintech trước khi chính thức cấp phép triển khai... Cùng với đó, hình thành cấu trúc thị trường và sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực chứng khoán nhằm bảo đảm tính cạnh tranh với các nước khác trong quá trình hội nhập để thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn tới...

Ba là, tiếp tục tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tài chính, đặc biệt là hệ thống các TCTD. Cụ thể, tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán thông qua việc tiến hành rà soát, đánh giá phân loại các tổ chức này theo chất lượng tài chính và khả năng cung cấp dịch và trên cơ sở mức độ rủi ro đối với thị trường; đổi mới hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định và bảo vệ tối đa tài sản và quyền lợi của các nhà đầu tư...

Bốn là, tăng cường và phát huy vai trò của các định chế tài chính nhà nước nhằm phát triển sâu thị trường tài chính. Theo đó, phát triển và nâng cao năng lực các định chế tài chính nhà nước như ngân hàng phát triển, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ đầu tư phát triển địa phương... để các tổ chức này có thể tham gia và đóng góp sâu hơn vào các hoạt động trên thị trường tài chính. Trong đó, ưu tiên nâng cao năng lực huy động vốn, nhất là huy động vốn thông qua thị trường tài chính; mở rộng và gia tăng chất lượng tín dụng đầu tư nhà nước và tăng khả năng tiếp cận vốn do các tổ chức này thực hiện, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong giai đoạn tới...

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống. Cụ thể, củng cố và nâng cao năng lực giám sát dựa trên rủi ro theo hướng xây dựng hệ thống giám sát dựa trên rủi ro, cảnh báo sớm rủi ro, cơ chế xử lý khủng hoảng hệ thống và xử lý các định chế tài chính tiềm ẩn rủi ro cao nhằm bảo vệ sự an toàn của hệ thống tài chính. Đẩy mạnh hiệu quả công tác giám sát với ba nội dung trọng yếu: Giám sát rủi ro hệ thống, tăng cường phối hợp giữa cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan giám sát; phối hợp, đồng bộ hóa giám sát cẩn trọng vĩ mô và vi mô...

Sáu là, từng bước phát triển cơ sở hạ tầng tài chính theo hướng phát triển chung của thế giới. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định pháp lý, hướng tới các chuẩn mực quốc tế tốt nhất mà phù hợp với trình độ phát triển của thị trường tài chính Việt Nam. Nghiên cứu, áp dụng các thành tựu mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối... vào quá trình thu thập, phân tích, nhận định và dự báo kịp thời những vấn đề liên quan đến thị trường tài chính. Đồng thời, đa dạng các kênh cung cấp thông tin để phát triển các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao hơn nhưng giá thành rẻ hơn...