Kết quả lập báo cáo tài chính nhà nước năm 2018 và định hướng nâng cao chất lượng

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 02/2021

Việc lập và công khai Báo cáo tài chính nhà nước giúp tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của nền tài chính quốc gia, phù hợp với các thông lệ và xu thế hội nhập quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xác định đây là nhiệm vụ mới và khó khăn, phức tạp, Bộ Tài chính, đặc biệt là hệ thống Kho bạc Nhà nước đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai công tác lập Báo cáo tài chính nhà nước năm 2018, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đúng thời hạn, phù hợp với quy định của Luật Kế toán năm 2015.

Kết quả bước đầu trong lập và công khai Báo cáo tài chính nhà nước

Thực hiện chức năng Tổng Kế toán Nhà nước và quy định của Luật Kế toán năm 2015, Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ, năm 2019 là năm đầu tiên Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) cho năm tài chính 2018.

Theo Điều 30 và Điều 73 của Luật Kế toán năm 2015 và Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ, BCTCNN tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương.

Xác định đây là nhiệm vụ mới và khó khăn, phức tạp, Bộ Tài chính, đặc biệt là hệ thống KBNN đã tập trung, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai nhiệm vụ này. Theo đó, KBNN đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 133/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn lập BCTCNN, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương triển khai công tác lập BCTCNN, cụ thể như: Các văn bản hướng dẫn đơn vị dự toán cấp 1 ở địa phương, ở Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các đơn vị đặc thù (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam); các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong hệ thống KBNN về triển khai lập BCTCNN năm 2018, giải đáp một số vướng mắc trong quá trình lập BCTCNN và hướng dẫn lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2018...

Về hệ thống thông tin, các đơn vị thuộc KBNN đã tích cực xây dựng hệ thống thông tin, xây dựng quy trình nghiệp vụ tiếp nhận báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị. Đồng thời, hỗ trợ các đơn vị cung cấp thông tin và các đơn vị KBNN triển khai sử dụng hệ thống...

Với sự quyết liệt và nỗ lực của các đơn vị thuộc cơ quan KBNN, cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo; sự phối hợp của các bộ, ngành địa phương, sự đồng hành của các nhà tài trợ, BCTCNN năm 2018 đã hoàn thành đúng thời hạn, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) phù hợp quy định của Luật Kế toán. Đây là "bước đi" quan trọng, cần thiết để hướng tới cải cách nền tài chính công và tiệm cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Kết quả cụ thể như sau:

Thứ nhất, về xây dựng khung pháp lý và hướng dẫn của việc tổng hợp, cung cấp thông tin báo cáo: Trên cơ sở quy định của Luật Kế toán, Nghị định số 25/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý để chuẩn bị cho việc lập BCTCNN như: Ban hành Thông tư số 133/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn lập BCTCNN và bổ sung, sửa đổi, thay thế các chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán nhà nước, đảm bảo nguồn thông tin đầu vào của BCTCNN.

Ngoài ra, để có thông tin tài chính của các đơn vị chưa kịp sửa đổi chế độ kế toán có căn cứ thực hiện tổng hợp, lập BCTCNN năm 2018, KBNN đã chủ động trao đổi, lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, báo cáo Bộ Tài chính có hướng dẫn việc cung cấp thông tin tài chính năm 2018 theo mẫu thiết kế riêng. Trên cơ sở các báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị, KBNN thực hiện tổng hợp thông tin tài chính chủ yếu, quan trọng vào BCTCNN năm 2018. Đồng thời, KBNN có văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện công tác tổng hợp và lập BCTCNN năm 2018.

Trong quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý, Bộ Tài chính đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy sỹ, Bộ Ngân khố và Đại sứ Hoa Kỳ... Sự hỗ trợ này có ý nghĩa thiết thực chủ trì tổng hợp BCTCNN, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm lập BCTC của các Chính phủ.

Thứ hai, về xây dựng hệ thống thông tin, đào tạo, tập huấn các đối tượng tham gia lập và tổng hợp BCTCNN: KBNN đã triển khai xây dựng Hệ thống thông tin Tổng Kế toán nhà nước để chính thức vận hành hệ thống trong tháng 7/2019, kịp thời hỗ trợ đắc lực cho công tác gửi báo cáo của các đơn vị, cũng như công tác tổng hợp, lập BCTCNN đầu tiên năm 2018.

Về đào tạo, tập huấn, Bộ Tài chính đã tổ chức các lớp đào tạo về báo cáo cung cấp thông tin tài chính cho cán bộ kế toán của các bộ, cơ quan trung ương, đơn vị dự toán cấp 1 ở địa phương tại 3 miền (Bắc, Trung, Nam) và các lớp đào tạo về tổng hợp, lập, phân tích, thuyết minh, giải trình BCTCNN cho cán bộ kế toán của hệ thống KBNN.

Thứ ba, về kết quả triển khai lập và tổng hợp BCTCNN năm tài chính 2018:

- Về cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị cho KBNN: Đến giữa tháng 11/2019, về cơ bản toàn bộ các đơn vị cấp tỉnh đã gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính cho KBNN. Trong tháng 2/2020, các bộ, cơ quan trung ương đã gửi đầy đủ báo cáo cung cấp thông tin tài chính cho KBNN. Các báo cáo được lập theo đúng mẫu quy định tại chế độ kế toán, đáp ứng yêu cầu của KBNN về tính cân đối, hợp lý, hợp lệ theo quy định của Thông tư số 133/2018/TT-BTC là căn cứ cho KBNN thực hiện tổng hợp BCTCNN tỉnh và BCTCNN toàn quốc.

- Về việc tổng hợp BCTCNN của hệ thống KBNN: 2018 là năm đầu tiên hệ thống KBNN triển khai lập BCTCNN, thông tin tài chính được thu thập trên phạm vi rộng, kỹ thuật tổng hợp tương đối phức tạp, cho nên hệ thống KBNN đã dành nhiều nguồn lực và tập trung cao độ, khắc phục khó khăn triển khai hiệu quả nhiệm vụ. Đến hết tháng 12/2019, KBNN đã hoàn thành 63 bộ BCTCNN tỉnh năm 2018, trình UBND cấp tỉnh và báo cáo HĐND cấp tỉnh. Cuối tháng 3/2020, KBNN đã hoàn thành việc tổng hợp, lập BCTCNN năm 2018, trình Bộ Tài chính, Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội cùng với Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) theo đúng quy định.

Một số tồn tại, hạn chế

Việc lập BCTCNN là một lĩnh vực mới, phức tạp cả về kỹ thuật nghiệp vụ, công tác phối hợp, triển khai thực hiện, trong khi thời gian chuẩn bị không nhiều. Do đó, thực tế triển khai lập BCTCNN còn tồn tại những khó khăn, thách thức sau:

Thứ nhất, về phản ánh giá trị tài sản: BCTCNN năm 2018 chưa phản ánh đầy đủ giá trị của một số tài sản, bao gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng, đất đai, di sản... Nguyên nhân giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ địa phương chưa được cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về tài sản kết cấu hạ tầng khác (hạ tầng đường thủy, đường sắt, đường không, hạ tầng thủy lợi...) đang trong quá trình xây dựng. Các quy định pháp lý để xác định, quản lý, kế toán của các tài sản công khác như: đất đai, di sản cũng đang trong quá trình hoàn thiện.

Thứ hai, về số liệu nợ chính quyền địa phương trên BCTCNN: Số liệu nợ chính quyền địa phương tại thời điểm lập BCTCNN tỉnh (tháng 6 hàng năm) có thể có chênh lệch so với số liệu nợ địa phương tại thời điểm HĐND thông qua quyết toán ngân sách địa phương (thời điểm tháng 11-12 hàng năm).

Thứ ba, về tổng hợp số liệu thông tin của các đơn vị đặc thù: Đối với một số cơ quan, đơn vị đang áp dụng chế độ đặc thù (như: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND xã, Ban Quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công) chưa được sửa đổi đồng bộ với hướng dẫn của Thông tư số 107/2017/TT-BTC, cho nên BCTCNN năm 2018 chỉ thực hiện tổng hợp một số thống tin quan trọng theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, về số liệu thu của các đơn vị sự nghiệp công lập: Theo quy định (tại Nghị định số 52/2017/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn lập BCTC của các đơn vị), BCTCNN không tách riêng số thu của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Để đáp ứng yêu cầu quản lý, KBNN đã phản ánh bổ sung số thu sự nghiệp được kết xuất từ Hệ thống TABMIS vào BCTCNN năm 2018.

Thứ năm, chất lượng BCTCNN năm 2018 vẫn còn hạn chế. Trong khi, việc đào tạo, tập huấn các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính mới được triển khai đến cấp trung ương, cấp tỉnh. Phần mềm kế toán đơn vị chưa được nâng cấp kịp thời, mô hình tổ chức của các đơn vị đa dạng và phức tạp, nhiều loại hình đặc thù, nhiều đơn vị có quy mô nhỏ không tổ chức bộ máy kế toán. Hiện nay, KBNN mới thực hiện rà soát, phối hợp, hỗ trợ đơn vị hoàn thiện báo cáo để đảm bảo tính cân đối, hợp lý, hợp lệ, tuy nhiên, KBNN chưa thể kiểm soát toàn bộ tính chính xác về số liệu báo cáo của đơn vị.

Bên cạnh đó, do BCTCNN lần đầu tiên được lập cho năm tài chính 2018, là nội dung tương đối khó về kỹ thuật, được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin kế toán, thống kê... Một số thông tin còn chưa đầy đủ, dẫn đến việc phân tích, thuyết minh báo cáo chưa đảm bảo tính chuyên sâu...

Định hướng nâng cao chất lượng Báo cáo tài chính nhà nước

Nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế trên, KBNN đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng BCTCNN các năm tiếp theo, phù hợp với tình hình tài chính của đất nước, cụ thể:

Một là, đẩy nhanh tiến độ rà soát, cập nhật số liệu tài sản, kết cấu hạ tầng đường bộ, nước sạch nông thôn tại các địa phương để tổng hợp vào BCTCNN năm 2019. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu phương án, lộ trình phản ánh giá trị tài sản kết cấu hạ tầng khác (hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, thủy lợi...) và tài sản nhà nước khác (như di sản...) vào BCTCNN và sớm hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, kế toán các tài sản này.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý của BCTCNN theo hướng hoàn thiện các mẫu biểu BCTCNN tại Nghị định số 25/2017/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng và trách nhiệm cung cấp thông tin tài chính về tài sản kết cấu hạ tầng, nợ chính quyền địa phương tại Thông tư số 133/2018/TT-BTC; sửa đổi, bổ sung các chế độ kế toán nhà nước để hướng dẫn các đơn vị thực hiện đầy đủ và cung cấp các thông tin tài chính cần thiết.

Ba là, nâng cấp Hệ thống thông tin Tổng Kế toán nhà nước theo hướng kết nối/giao diện với hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước; kết nối với mạng lưới của Chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu tài chính nhà nước tập trung để cung cấp số liệu tài chính nhà nước nhanh chóng, chính xác.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực làm công tác kế toán trong khu vực nhà nước thông qua đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, cải tổ bộ máy kế toán. Đồng thời, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác BCTCNN của hệ thống KBNN, đặc biệt là trong việc nghiên cứu, phân tích chuyên sâu BCTCNN.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến về công tác lập BCTCNN, cũng như phản ánh kịp thời về những khó khăn, thách thức trong giai đoạn đầu triển khai lập BCTCNN...             

 Tài liệu tham khảo:

Luật Kế toán năm 2015;

Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ;

Thùy Linh (2020), Báo cáo tài chính nhà nước: Thông tin tin cậy về nền tài chính quốc gia, Báo Hải quan;

Vân Hà (2020), Báo cáo tài chính nhà nước: Giải pháp sửa đổi phù hợp với thông lệ quốc tế, Thời báo Tài chính Việt Nam;

Thùy Linh (2020), Lập báo cáo Tài chính nhà nước còn nhiều khó khăn, Báo Hải quan.